Sự thay đổi từ nhu cầu toàn cầu
Các công ty quản lý bất động sản tăng trưởng nhanh chóng trong khoảng 2 năm gần đây, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu khiến người dân bị hạn chế ra đường và phụ thuộc nhiều vào dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp này.
Trong nửa đầu năm nay, 12 công ty quản lý bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán do CLSA theo dõi đã báo cáo thu nhập ròng tăng 70% so với 12 tháng trước. Country Garden Service Holdings - một đơn vị quản lý tài sản của Tập đoàn Country Garden - hiện dẫn đầu thị trường khi tăng 15% trong năm nay. Giá cổ phiếu giao dịch ở mức gấp 36 lần thu nhập dự phóng năm 2021. Công ty này còn có vốn hóa thị trường cao hơn đơn vị phát triển cốt lõi của công ty mẹ, vốn được định giá gấp 4 lần thu nhập.
“Chúa Chổm” Evergrande cũng tranh thủ rao bán 51% cổ phần của Evergrande Property Services Group - công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý bất động sản, với giá hơn 40 tỷ HKD (5,1 tỷ USD) cho Tập đoàn Hopson Development Holding để có tiền trả nợ.
Không phải đối mặt với những bất ổn do suy thoái theo chu kỳ, cũng không bị ảnh hưởng bởi pháp luật về bất động sản, lại có lợi thế của một mô hình kinh doanh ổn định với doanh thu, phí định kỳ và đòn bẩy vốn thấp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có hồi kết, dịch vụ vận hành - quản lý tòa nhà đứng trước “ngưỡng cửa” của sự nhảy vọt.
Bởi thế, câu chuyện về sự lên ngôi của ngành dịch vụ quản lý tòa nhà không chỉ diễn ra ở Trung Quốc, mà còn ở nhiều quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan hay Singapore. Các quỹ toàn cầu từ Singapore đến Mỹ đều đang đổ rất nhiều tiền vào lĩnh vực này.
Bài toán mới ở Việt Nam
Tại Việt Nam, sự bùng nổ của các dự án cao ốc, chung cư tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị quản lý tòa nhà. Để chia phần miếng bánh đó, dịch vụ vận hành, quản lý tòa nhà cũng chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt không chỉ giữa các đơn vị trong nước, mà còn với các đơn vị nước ngoài.
Kể từ khi hoạt động quản lý, vận hành tòa nhà chính thức được luật hóa năm 2014, số lượng đơn vị quản lý tòa nhà đã tăng đáng kể với hơn 200 đơn vị đủ điều kiện vận hành, tập trung nhiều nhất ở TP.HCM và Hà Nội, trong khi trước đó chỉ có vài chục đơn vị.
Mặc dù có sự gia tăng nhanh về số lượng, nhưng thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp lĩnh vực này lại thiếu sự đồng bộ về chất lượng và có sự phân hóa rõ nét giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Theo ghi nhận của Báo Đầu tư chứng khoán, số lượng dự án bất động sản có phản hồi thiếu tích cực về công tác vận hành, quản lý tòa nhà ở TP.HCM và Hà Nội lên tới hàng trăm, bao gồm cả dự án cao cấp lẫn thấp cấp.
Nói như bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Venus Corp, đơn vị đang vận hành hơn 30 dự án lớn nhỏ ở TP.HCM và Hà Nội rằng, dịch vụ quản lý, vận hành tòa nhà là lĩnh vực “hot”, giàu tiềm năng, nhưng không dễ khai thác trong môi trường còn nhiều hạn chế từ nhận thức của người dân và cơ quan quản lý.
Còn bà Vũ Kiều Hạnh, Trưởng bộ phận Quản lý bất động sản Savills Hà Nội nhận xét, câu chuyện văn hóa quản lý cũng như tính chuyên nghiệp trong quản lý, vận hành tòa nhà chưa được các doanh nghiệp Việt chú trọng. Thời gian qua, nhiều dự án bất động sản do doanh nghiệp nội quản lý gặp các vấn đề như mất cắp, tranh chấp sở hữu chung riêng…
Trong khi đó, các quỹ đầu tư cũng không dễ cân nhắc việc giải ngân vốn cho các doanh nghiệp lĩnh vực này tại Việt Nam. Tính tới nay, trên sàn chứng khoán mới có duy nhất TNS Holdings là doanh nghiệp có chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý tòa nhà. Tuy vậy, các đợt phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng để huy động vốn của TNS Holdings vẫn chủ yếu gắn mác phát triển dự án bất động sản của Tập đoàn mẹ, trong khi mục tiêu nâng tầm dịch vụ vận hành quản lý chưa được chú trọng.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo TNS Holdings cũng thừa nhận chịu áp lực lớn khi trở thành công ty đại chúng, bởi vừa phải đối mặt với sức ép cạnh tranh trong ngành, vừa phải hoàn thành trách nhiệm dưới vai trò của một công ty đại chúng.