Ảnh Internet

Ảnh Internet

Sôi động M&A bất động sản khu công nghiệp

(ĐTCK) Dòng vốn ngoại đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp để chớp cơ hội từ xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Việt Nam - Ðiểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

Trong xu hướng dịch chuyển nơi sản xuất của thế giới, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn nhờ sở hữu nhiều lợi thế. Ðó là vị trí chiến lược tại khu vực châu Á và đường biên giới đất liền với Trung Quốc, thuận lợi cho lưu thông đường bộ.

Hơn nữa, không có khu công nghiệp nào nằm sâu trong đất liền và các cụm khu công nghiệp chính được kết nối với cảng biển bởi hệ thống đường lớn, đường cao tốc đang được tăng cường đầu tư. Môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể khi Việt Nam nhảy vọt 24 bậc trong ba năm, lên vị trí 69, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về chi phí lao động. Chi phí lao động trung bình tại Việt Nam ước tính thấp hơn 43% so với Thái Lan và thấp hơn 10% so với Indonesia. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư,

Việt Nam có 325 khu công nghiệp với tổng diện tích 95.000 ha. Nhu cầu bất động sản công nghiệp đang dần vượt quá nguồn cung tại các khu công nghiệp vận hành tốt. Theo CBRE, năm 2019, các chủ đầu tư khu công nghiệp đang đặt kỳ vọng tăng trưởng nhờ hiệu ứng từ các tập đoàn lớn như Samsung, LG, và một số tập đoàn lớn khác đã hiện diện ở Việt Nam hơn 10 năm nay.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trên thị trường chứng khoán, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) và Tổng công ty Viglacera (VGC) là hai doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này.

Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ tới thị trường bất động sản khu công nghiệp    

Tại Bắc Ninh, nhu cầu thuê khu công nghiệp vẫn duy trì cao, Khu công nghiệp Quế Võ 2 có thể được lấp đầy trong năm 2018, tạo động lực để Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh của KBC đẩy nhanh tiến độ đi vào khai thác, mang lại đóng góp doanh thu lớn cho doanh nghiệp này trong năm 2019.

VDSC ước tính, Nam Sơn Hạp Lĩnh có 213 ha đất thương phẩm, trong đó 66 ha sẵn sàng cho thuê. VDSC ước tính, tổng doanh thu của KBC trong năm 2019 đạt 2.722 tỷ đồng (tăng 17% so với năm 2018), lợi nhuận sau thuế 701 tỷ đồng (tăng 13%).

Với Viglacera (VGC), VDSC nhận định, biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh xây dựng duy trì nhờ tái cấu trúc chi phí và tiêu thụ tốt hơn, mảng bất động sản công nghiệp cho thuê 92 ha dựa vào nhu cầu cao hiện tại. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm ước tính đạt 8.810 tỷ đồng và 619 tỷ đồng (tăng 14%), trong đó mảng cho thuê khu công nghiệp và sản xuất gạch ốp lát đóng góp 48% trong cơ cấu lợi nhuận. 

Bất động sản khu công nghiệp hút vốn ngoại

Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Bộ phận thị trường vốn tại JLL Việt Nam cho biết, nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam diễn ra liên tiếp trong thời gian qua chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường này.

Ðơn cử, Quỹ Private Equity toàn cầu Warburg Pincus và nhà phát triển bất động sản công nghiệp Becamex IDC chính thức ra mắt liên doanh CTCP Phát triển BW Industrial. Với vốn đầu tư hơn 200 triệu USD vào hơn 200 ha dự án đang được phát triển, BW Industrial hiện là nhà phát triển dịch vụ cho thuê công nghiệp và hậu cần lớn nhất tại Việt Nam.

Cuối năm 2018, thị trường còn ghi nhận một thương vụ bán và cho thuê lại kho bãi tại VSIP 1, tỉnh Bình Dương. Mapletree Logistics Trust đã chi 725,1 tỷ đồng (tương đương 31,5 triệu USD) để thâu tóm kho bãi thuộc Công ty TNHH Quốc tế Unilever (Unilever Vietnam). Sau khi hoàn tất việc mua lại, tài sản này sẽ được Unilever Vietnam thuê lại trong 10 năm với mức tiền thuê tăng hàng năm.

Còn theo Savills Việt Nam, nhà đầu tư Singapore Boustead cũng phát triển nhà xưởng xây sẵn với tổng diện tích đất là 18 ha tại Nhơn Trạch, Ðồng Nai. Trong khi đó, Công ty phát triển bất động sản Trung Quốc CFLD tham gia đàm phán để tìm kiếm cơ hội đầu tư đất công nghiệp tại tỉnh Long An, vị trí chiến lược trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thể hiện sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ cho thị trường bất động sản Việt Nam. Giới quan sát cho rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch hóa thị trường khiến thị trường bất động sản Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

 “Công nghiệp sẽ là ngành nóng nhất trong năm 2019, được thúc đẩy bởi sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc và tác động tích cực từ các hiệp định thương mại CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”, Giám đốc thị trường vốn của JLL Việt Nam nhận định.

Tin bài liên quan