Các đợt đấu giá cổ phần tại HOSE đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia

Các đợt đấu giá cổ phần tại HOSE đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia

Sôi động “cuộc đua” cổ phần hóa cuối năm

(ĐTCK) Chỉ còn chưa đầy một tháng là kết thúc năm 2014, một phần hai chặng đường trong kế hoạch triển khai các chính sách của Chính phủ về đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN dần trôi qua. “Cuộc đua” cổ phần hóa đang bắt đầu sôi động và quyết liệt.

10 tháng, 12 đợt IPO, bán được 50% số cổ phần

Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2014 - 2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DNNN, chưa kể số DN tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới.

Trong số 432 DN cổ phần hóa giai đoạn 2014 - 2015, hiện có 348 DN thành lập Ban chỉ đạo, 247 DN đang xác định giá trị DN, đã công bố giá trị 123 DN. Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), trong 10 tháng đầu năm, Sở đã tổ chức 12 đợt IPO, trong đó có 6 đợt chào bán thành công hết số cổ phần chào bán như Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam bán hết gần 38 triệu cổ phần, Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất bán được hơn 31 triệu cổ phần…; 6 đợt không bán hết số lượng cổ phần chào bán. Như vậy, số lượng chào bán thành công hết cổ phần chỉ đạt 50%. Đây là con số khiêm tốn so với sự mong đợi của HOSE nói riêng và của Chính phủ nói chung.

Thực tế cho thấy, quá trình sắp xếp, cổ phần hóa diễn ra chậm hơn so với yêu cầu đặt ra do một phần tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vẫn chưa chấm dứt, hiệu ứng lan tỏa từ khó khăn của nền kinh tế thế giới vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, tác động trực tiếp lên thị trường tài chính, chứng khoán.

Mặc dù các bộ, ban, ngành, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung rà soát, điều chỉnh phương án sắp xếp lại DNNN, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và HOSE, nhưng đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, hoạt động theo mô hình tổng công ty, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề nên việc cổ phần hóa cần có nhiều thời gian hơn những đơn vị khác.

Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn Nhà nước đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt, để không làm thất thoát nguồn lực của Nhà nước, đồng thời tăng cường sức cạnh tranh cũng như năng lực của chính DN. 

Dự kiến, tháng 12 sẽ có 18 đợt IPO

Từ đầu năm đến nay (2/12/2014), HOSE đã tổ chức thành công 31 phiên đấu giá với tổng số cổ phần chào bán thành công là gần 322 triệu cổ phiếu, trong đó thực hiện IPO là 18 đợt với tổng số cổ phần bán ra gần 267 triệu cổ phiếu, thu về hơn 3.876 tỷ đồng.

Dự kiến, trong tháng 12 này, Sở sẽ tiếp nhận 17 hồ sơ đấu giá, gồm 12 đợt bán đấu giá cổ phần hóa, trong đó có một số đợt đấu giá lớn như Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau. Theo đó, số đợt IPO dự kiến trong năm 2014 gấp 2,5 lần so với năm 2013 và chỉ trong hai tháng cuối năm, tốc độ IPO gấp 1,6 lần 10 tháng đầu năm.

Việc đấu giá thành công khi bán hết 49 triệu cổ phần của Tổng công ty Hàng không Việt Nam vào tháng 11 vừa qua được xem là cú hích lớn, giúp các DNNN khác có thêm niềm tin khi thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Tín hiệu IPO càng trở nên mạnh mẽ hơn khi số liệu tính toán cho thấy, trong tháng 12, trung bình cứ một ngày rưỡi sẽ diễn ra một đợt bán đấu giá cổ phần tại HOSE, thậm chí có thời điểm có 2 đợt đấu giá cùng diễn ra. Điều này có thể khiến nhiều nhà đầu tư nhớ lại cảnh xếp hàng dài nhộn nhịp cùng tham gia các cuộc đấu giá giai đoạn TTCK Việt Nam sôi động, chỉ số VN-Index đạt đỉnh năm 2007.

Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu tích cực xuất hiện trên TTCK cũng khiến các nhà đầu tư đã và đang quay trở lại quan tâm đến các đợt đấu giá, trong số đó phải kể đến các đợt đấu giá của Công ty TNHH MTV Cảng sông TP. HCM, Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủ Thiêm, Công ty TNHH MTV Đóng tàu An Phú, Công ty TNHH MTV Phục vụ Dịch vụ Mặt đất Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Bến Thành, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau…

Theo đánh giá của HOSE, tiến độ thực hiện cổ phần hóa các DNNN theo kế hoạch của Chính phủ đề ra năm 2014 - 2015 đang được đẩy mạnh.

Bên cạnh việc nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn khi quyết định đầu tư thì dưới một góc độ khác, DN sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức khi phải giải bài toán tìm kiếm cổ đông chiến lược và làm sao để chào bán thành công số lượng cổ phần như kế hoạch đã đặt ra. Sẽ có áp lực không nhỏ trong việc cổ phần hóa của các DNNN, nhất là khi lượng cung hàng hóa cổ phiếu trên TTCK đang tăng lên.

Để giải được bài toán khó, không có cách nào khác, bản thân DN phải tự tái cấu trúc, sắp xếp lại tài chính và tài sản, cũng như phương hướng hoạt động kinh doanh để nâng cao chất lượng hàng hóa là những cổ phần của chính DN.

Dưới góc độ là một đơn vị quản lý thị trường và là đơn vị tổ chức các cuộc đấu giá bán cổ phần cho các DN, HOSE luôn tạo mọi điều kiện để các đợt bán đấu giá thu hút được nhà đầu tư quan tâm và bán hết được số cổ phần chào bán.

Dù không có quy định bắt buộc, nhưng trong những buổi roadshow của DN cổ phần hóa như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau… đều có sự tham dự của lãnh đạo Sở nhằm cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ đến nhà đầu tư trước khi DN thực hiện IPO.

Mặt khác, thông tin về các cuộc đấu giá cũng được cập nhật liên tục tại website của Sở và các phương tiện truyền thông đại chúng. Những động thái trên cho thấy sự quan tâm của HOSE trong công tác cổ phần hóa luôn được đặt ở vị trí quan trọng.

Nói cách khác, bên cạnh các hoạt động quản lý thị trường, niêm yết, thì đấu giá là một trong những hoạt động được HOSE đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu, bởi đây không chỉ là nhiệm vụ thực hiện theo chỉ đạo cổ phần hóa của Chính phủ, mà còn là một nhân tố quan trọng góp phần phát triển nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. 

Gắn IPO với niêm yết

Khi cuộc đua giữa các DNNN về cổ phần hóa đang nóng lên từng ngày thì câu hỏi về vấn đề niêm yết sau cổ phần hóa cũng đang được rất nhiều thành viên thị trường và nhà đầu tư quan tâm. Liệu có bao nhiêu phần trăm các DN sau khi cổ phần hóa thực hiện việc niêm yết và do đâu mà nhiều DNNN sau khi trở thành công ty cổ phần vẫn chậm chễ trong việc thực hiện niêm yết?

Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN đã quy định rõ hơn đối với với việc niêm yết và giao dịch cổ phiếu.

Theo đó, trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN cổ phần hóa phải đăng ký công ty đại chúng, lưu ký cổ phiếu và đăng ký giao dịch trên UPCoM theo quy định. Các DN cổ phần hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết tại Sở GDCK thì trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết trên Sở GDCK theo quy định.

Việc ban hành Quyết định 51 đã giúp cho DN sớm định hình kế hoạch niêm yết và giao dịch cổ phiếu ngay từ khi xây dựng kế hoạch IPO và bản thân nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi cổ phiếu sớm được giao dịch trên thị trường tập trung. Tuy nhiên, hiện nay, không phải DNNN nào sau khi cổ phần hóa cũng đáp ứng ngay được các điều kiện về niêm yết, nhất là vấn đề tài chính, cơ cấu cổ đông. Do vậy, để tạo điều kiện cho các DNNN thực hiện cổ phần hóa sớm lên niêm yết, cần có sự điều chỉnh thích hợp về điều kiện niêm yết.

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, đối với những DN thực hiện IPO thông qua đấu giá tại Sở, nếu đáp ứng điều kiện niêm yết, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đấu giá, Sở sẽ kết hợp với đơn vị tư vấn để hướng dẫn DN chuẩn bị hồ sơ đăng ký niêm yết. Như vậy, DN sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn về hồ sơ, rút ngắn lộ trình đưa cổ phiếu lên giao dịch, tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Đây là một trong các yếu tố góp phần vào sự thành công của của các DN sẽ IPO trong thời gian tới và rút ngắn thời gian đưa cổ phiếu lên niêm yết.

Tin bài liên quan