Sợi dây nào đang “cột chặt” Ukraine vào Nga?

(ĐTCK) Đó là các đường ống dẫn khí từ Nga vào và qua Ukraine. Trong lịch sử, Ukraine từng muốn thoát khỏi Nga nhưng bất thành, nay thì việc đó càng khó khăn hơn.
Sợi dây nào đang “cột chặt” Ukraine vào Nga?

Sự giao thoa với phương Tây đã giúp định hình nên lịch sử nước Nga kể từ thời Peter Đại đế 300 năm trước. Nhưng giờ đây, ngay cả mối thâm tình với nước láng giềng phía Tây gần nhất, Ukraine, cũng đang tan vỡ. Việc những người Ukraine ủng hộ phương Tây gần đây tìm cách đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ Soviet đang gây chia rẽ nước này và làm sâu sắc thêm mâu thuẫn vốn căng thẳng nhất kể từ Chiến tranh lạnh giữa Nga và phương Tây.

Sau 1 năm bất đồng về kinh tế và thất bại về quân sự, người Ukraine đã có cuộc bỏ phiếu quyết định trong tháng 10 về việc thắt chặt mối ràng buộc với châu Âu. Khối các đảng dẫn đầu là đảng của Tổng thống Petro Poroshenko muốn thực hiện một thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), đưa Ukraine thoát khỏi suy thoái bằng gói cứu trợ 17 tỷ USD của IMF và kết thúc cuộc chiến ở miền đông nước này.

Nhưng những hy vọng giải tỏa căng thẳng đã nhanh chóng tan thành mây khói. Đầu tháng 11, lực lượng dân quân ủng hộ Nga đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử được tổ chức tự phát ở miền đông Ukraine. Tiếp sau đó, các quan chức Ukraine cho biết hôm 7/11 rằng, các phương tiện quân sự của Nga đang đổ đến biên giới Ukraine. Các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và EU chẳng mang đến dấu hiệu nào về sự xoay chuyển của Tổng thống Nga trong việc áp đặt lựa chọn đối với Ukraine. Và quan trọng hơn cả, Ukraine vẫn đang đối diện với một mùa đông thiếu khí đốt sau khi Nga khóa các đường ống cấp cho Ukraine.

 Phân hóa về ngôn ngữ và văn hóa ở Ukraine (vùng xanh đậm nói tiếng Nga và vùng xanh nhạt nói tiếng Ukraine)

Ukraine và Nga từng có chung cội rễ cho đến thế kỷ thứ 9, khi một loạt các bằng chứng khảo cổ về một nhà nước liên bang Kievan Rus được tìm thấy xung quanh thành phố Kiev ngày nay. Ukraine đã cố gắng tách ra độc lập, nhưng thất bại trong hầu hết các triều đại của Nga, kể cả thời Soviet. Gần đây hơn, hai quốc gia láng giềng này đã trở nên gắn chặt với nhau hơn bởi năng lượng: các đường ống của Ukraine cho phép khí tự nhiên của Nga được quá cảnh sang các thị trường châu Âu và Nga cung cấp một nửa nhu cầu khí của riêng Ukraine. Di sản Soviet vẫn hiện ra lù lù và người Ukraine vẫn thường xuyên thiếu sự gắn kết.

Mặc dù sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa không nói nên toàn bộ câu chuyện, và cuộc xung đột với Nga đã đưa người Ukraine đến với nhau, đất nước 45 triệu dân này vẫn bị chia rẽ giữa các khu vực phía đông nói tiếng Nga và các tỉnh phía Tây nói tiếng Ukraine. Thương mại của Ukraine cũng phản ánh sự chia cắt đó khi có khoảng 1/4 sản lượng xuất khẩu của nước này xuất sang EU và một lượng tương tự xuất sang Nga.

 Bản đồ đường ống khí từ Nga vào và qua Ukraine

Người Ukraine hướng Tây nói rằng, việc gắn tương lai với EU sẽ giúp tăng cường thể chế, thúc đẩy dân chủ ở nước này. Trong khi đó, sự ủng hộ nhiệt tình của người Nga với những hành động của Tổng thống Putin đã nhấn mạnh hố ngăn cách ngày càng rộng giữa thế giới quan của Moscow, Kiev, Mỹ và châu Âu. Nối tất cả các yếu tố này với nhau thì đó là vấn đề dầu và khí của Nga. Việc hạ giá từ Moscow sẽ là sự hỗ trợ quan trọng cho Ukraine, nhưng Tổng thống Putin đang lắc đầu, và Nga đang cung cấp 1/3 lượng khí nhập khẩu của EU. Mỗi hành động lôi kéo Ukraine về phía mình, hay đẩy Nga ra khỏi Ukraine đều khiến EU đối mặt với những câu hỏi về việc xử lý mối ràng buộc về khí đốt.
Tin bài liên quan