Soi danh mục sếp Chứng khoán DSC, phát hiện nhiều mã "bank-chứng-thép"

Soi danh mục sếp Chứng khoán DSC, phát hiện nhiều mã "bank-chứng-thép"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC vẫn kiên định "ôm" cổ phiếu bank-chứng-thép của những doanh nghiệp uy tín, đã tồn tại qua nhiều chu kỳ của thị trường và có nền tảng tài chính lành mạnh.

Gần đây thị trường chứng khoán diễn biến rất thất thường khó đoán định, phiên đầu tuần tưởng là bùng nổ theo đà nhưng cuối tuần lại đảo chiều, điều chỉnh sâu. Ông có nhận định gì về xu hướng hiện nay?

Trong thời gian vừa qua, thị trường đúng là có những diễn biến bất ổn một cách nhanh chóng, xuất phát từ bối cảnh có nhiều yếu tố tiêu cực.

Tiêu cực nhất có lẽ là tâm lý nhà đầu tư trong nước, khi xuất hiện rất nhiều thông tin xấu liên quan đến doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ.

Thêm vào đó, khối ngoại trong thời gian gần đây cũng quay trở lại bán ròng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Ngoài ra, những động thái gần đây của FED khiến thị trường tin rằng sẽ còn những đợt tăng lãi suất ở phía trước. Lợi suất trái phiếu tăng mạnh và đồng dollar cũng cho thấy xu hướng tăng trở lại.

Xu hướng thị trường hiện nay theo tôi là điển hình của sự vận động và tâm lý trong bối cảnh vĩ mô tiêu cực. Tâm lý thận trọng và bi quan của nhà đầu tư cá nhân ở mức cao khiến thanh khoản xuống mức cực kỳ thấp.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC

Ông nhận định xu hướng tiếp theo sẽ là gì?

Mặc dù rất khó để nói chắc chắn về xu hướng giảm khi nào sẽ kết thúc, nhưng sự vận động với những sóng tăng, giảm luân phiên trong một biên giao dịch ở vùng đáy là điều không bất ngờ.

Tình trạng hiện tại là khó mua, khó bán. Phe mua chần chừ khi không giảm sâu, còn phe bán khó vượt qua tâm lý bối cảnh xấu.

Tuy nhiên tôi không bi quan, vì rủi ro thị trường hiện tại không quá cao do margin rất thấp, cung cũng không quá nhiều, biểu hiện qua thanh khoản thấp.

Tôi thấy rằng, nếu tư duy dài hạn thì đây là vùng tích lũy cổ phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh để chuẩn bị cho chu kỳ tới.

Trong dài hạn, đây là vùng tích lũy cổ phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh để chuẩn bị cho chu kỳ tới.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC

Các chuyên gia vẫn đề cao phương pháp đầu tư giá trị với tư duy dài hạn, nhưng có một thực tế là gần đây nhiều nhà đầu tư giá trị chuyển sang "đánh" sóng ngắn vì không kiên nhẫn được khi thị trường lình xình kéo dài. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Năm 2022 thị trường chứng khoán nhiều biến động đã khiến quan điểm của nhiều nhà đầu tư thay đổi. Xu hướng thị trường hiện tại đảo chiều nhanh vì tâm lý nhà đầu tư (trên 90% là nhà đầu tư cá nhân, nhiều nhà đầu tư F0) rất mong manh.

Cũng phải thừa nhận rằng, dù quy mô thị trường tăng trưởng đáng kể nhưng đã quá lâu rồi, chỉ số vẫn ở quanh ngưỡng trên dưới 1.000 điểm. Tại mức điểm số này, nếu đầu tư nắm giữ ngay cả những mã bluechip cũng khó có lãi. Do đó nhiều người mất kiên nhẫn và thay đổi phương pháp đầu tư là điều dễ hiểu.

Cá nhân tôi ủng hộ cả hai phương pháp, miễn sao nó phù hợp với tình hình tài chính và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư nên hành động thế nào trong bối cảnh hiện tại?

Tôi vẫn cho rằng, dù rất khó để vượt qua nỗi sợ hãi nhưng khả năng 3-6 tháng nữa thị trường sẽ chứng kiến sự xoay chiều trong bối cảnh vĩ mô và chính sách tiền tệ có dấu hiệu tích cực.

Điểm đáng chú ý là trong suy thoái, nhiều doanh nghiệp sẽ không trụ vững với thị trường, do đó cần lựa chọn doanh nghiệp có tình hình tài chính thật lành mạnh.

Bởi hiện tại VN-Index vẫn loanh quanh vùng giá 1.000 điểm, nên nhà đầu tư dài hạn cần chọn đúng cổ phiếu, nếu chọn sai mã thì không hiệu quả; còn nhà đầu tư lướt sóng thì cần chọn đúng điểm vào ra.

Giai đoạn này nên tham lam, nhưng một cách từ tốn và vừa phải. Với thanh khoản như hiện nay, nếu tạo đáy cần nhiều thời gian nên nhà đầu tư không cần vội, và luôn nhớ để dành lượng tiền nhất định để dự phòng cho những diễn biến bất ngờ.

Giai đoạn này nên tham lam, nhưng một cách từ tốn và vừa phải. Thị trường cần nhiều thời gian để tạo đáy nên nhà đầu tư không cần vội.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC


Có ý kiến cho rằng thị trường hiện nay thiếu sinh khí do thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Điều đó có đúng không? Theo ông, trong năm 2023, nhóm cổ phiếu nào có khả năng "gánh team" cho thị trường?

Đương nhiên thị trường hiện tại khó có nhóm dẫn dắt vì thị trường quá yếu và dòng tiền ở vùng này không quyết liệt.

Thị trường hiện tại làm tôi liên tưởng đến năm 2019, chỉ số cũng đi ngang và thị trường phân hóa. Trong bối cảnh đó, một số nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ len lỏi có dòng tiền.

Năm nay khả năng là năm chứng kiến điểm đảo chiều, và khi bước vào chu kỳ mới, bank-chứng-thép sẽ là những nhóm ngành dẫn sóng.

Vậy ông có đang nắm giữ cổ phiếu bank-chứng-thép không?

Danh mục của tôi đang có các cổ phiếu: Nhóm ngân hàng có STB, VPB; Nhóm chứng khoán có VND, SSI và Nhóm thép có HPG, HSG.

Lý do vì sao ông nắm giữ các mã này?

Thứ nhất, đây là những nhóm ngành thường có triển vọng sớm khi chu kỳ kinh tế tích cực trở lại.

Thứ hai, đây là cổ phiếu của những doanh nghiệp uy tín, đã tồn tại qua các chu kỳ và có tình hình tài chính lành mạnh.

Tin bài liên quan