Mặc dù phải còn được cơ quan chủ quản thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng đến thời điểm này, thông tin quan trọng liên quan tới phương án cổ phần hóa VNA đã dần hé lộ.
Đó là, quy mô vốn điều lệ của VNA sau cổ phần hóa giai đoạn I là 14.101,84 tỷ đồng. Với mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng, số lượng cổ phần của hãng hàng không đang nắm hơn 60% thị phần vận tải hàng không nội địa là hơn 1,41 tỷ cổ phần.
Về cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% lượng cổ phần của VNA (tương đương 10.576 tỷ đồng); 1,985% cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn; 20% cổ phần được bán cho nhà đầu tư chiến lược; 3,465% cổ phần được bán đấu giá công khai. Đối với lượng cổ phần chào bán cho công chúng, VNA đề xuất giá khởi điểm là 22.300 đồng/cổ phần.
Trước đó, theo thông tin về hình thức cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ chốt từ năm 2008, thì phần vốn Nhà nước được giữ nguyên, việc tăng vốn điều lệ sẽ thông qua phát hành thêm cổ phiếu.
“Trong giai đoạn II của quá trình tái cơ cấu VNA, tỷ lệ sở hữu của nhà nước sẽ tiếp tục giảm, nhưng không thấp hơn 65%”, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNA cho biết.
VNA dự kiến thời gian đấu giá trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hóa này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Liên quan tới phương án phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, VNA cho hay, hơn 282 triệu cổ phần sẽ được bán song song với kế hoạch IPO. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể phụ thuộc vào quá trình đàm phán với nhà đầu tư tiềm năng.
Về việc lựa chọn cổ đông chiến lược, theo Ban chỉ đạo cổ phần hóa của VNA, cho dù định hướng là lựa chọn các tập đoàn/hãng hàng không hoặc nhà đầu tư tài chính với số lượng không quá 3 cổ đông chiến lược, nhưng ưu tiên của Hãng là chỉ lựa chọn một tập đoàn hoặc một hãng duy nhất.
Về nguồn tiền thu được sau phát hành cổ phiếu, VNA mong muốn được Chính phủ cho phép giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ (khoảng 1.043 tỷ đồng) làm cơ sở bổ sung thêm tiền để mua thêm máy bay. Đồng thời, Hãng cũng kiến nghị tiếp tục được Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100% vốn vay mua máy bay, bao gồm cả vay tín dụng xuất khẩu và vay thương mại.
“Tổng công ty xin phép Thủ tướng Chính phủ giữ tên gọi và hình ảnh sau khi chuyển thành công ty cổ phần”, lãnh đạo VNA đề xuất
Theo kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh 5 năm sau cổ phần hóa, VNA xác định trọng tâm là đầu tư phát triển đội tàu bay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, giai đoạn 2014 – 2016, VNA sẽ huy động khoảng 44.124 tỷ đồng để mua tàu bay, trong đó có ít nhất 4 tàu bay A350, 5 tàu bay B787…
Bức tranh kinh doanh của VNA sau cổ phần hóa cũng được dự báo rất sáng sủa.
Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) của năm 2014 là 0,57% sẽ tăng dần lên 1,96% năm 2015 và đạt 4,81% hai năm tiếp đó. Cũng thời gian này, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) lần lượt là 0,52%; 1,62% và 4,54%.
“Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ năm 2016 ước đạt 14,42-18,97%. VNA có khả năng trả cổ tức ở mức hấp dẫn cho cổ đông”, tờ trình của VNA cho biết.