Ảnh minh hoạ.
Theo thông tin của Báo Đầu tư , Bộ GTVT đang lấy ý kiến của một số cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan đến Báo cáo tổng thể kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đây là nghiên cứu bước đầu về các phương án kết nối 2 cảng hàng không lớn nhất nước do Viện Chiến lược và Phát triển GTVT thực hiện.
5 phương án kết nối
Theo đề xuất của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, hiện phương án khai thác giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn chưa được xác định cụ thể, do đó việc dự báo nhu cầu gặp khó khăn.
Tuy nhiên, kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành là rất cần thiết, tạo thành một cặp sân bay để hỗ trợ khai thác lẫn nhau, đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng không không chỉ tại TP.HCM mà cả một phần phía Nam của Việt Nam.
Được biết, có 5 phương án kết nối tổng thể giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành đang được nghiên cứu, trong đó có 2 phương án kết nối bằng đường bộ và 3 phương án kết nối bằng đường sắt.
Phương án 1 – kết nối đường bộ đi trên mặt đất và đi ngầm đoạn từ nút giao Cộng Hòa đến hết đường Phạm Văn Đồng.
Cụ thể, tuyến từ nút giao Cộng Hòa đến đường Trường Sơn qua Nhà ga T1, T2 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường Bạch Đằng đến Phạm Văn Đồng. Từ đường Phạm Văn Đồng có 3 hướng kết nối về Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Một là, hướng từ đường Phạm Văn Đồng theo đường Vành đai 2 đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, kết nối theo Tuyến số 2, Tuyến số 1 vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 48km) hoặc từ đường Vành đai 2 đến đường Nguyễn Thị Định qua cầu Cát Lái, đường Võ Thị Sáu đến QL.20B kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 57km).
Hai là, hướng từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Linh Xuân (giao QL.1 với QL.1K) đi theo QL.1 và đường kết nối đến đường Vành đai 3, từ đường Vành đai 3 đến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây và kết nối qua các Tuyến số 2, Tuyến số 1 vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 53 km).
Ba là, hướng từ đường Phạm Văn Đồng qua QL.1K đến giao với đường Vành đai 3, từ đường Vành đai 3 đến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây và kết nối qua các Tuyến số 2, Tuyến số 1 vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 62 km).
Phương án 2 - kết nối đường bộ từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đi theo các tuyến đường đô thị. Phương án này cũng có 3 hướng kết nối.
Một là, hướng từ đường Trường Sơn qua Hoàng Văn Thụ đến đường Cách mạng Tháng 8 hoặc từ nút giao Cộng Hòa qua đường Trường Chinh đến đường Cách mạng Tháng 8 đến đường Võ Văn Kiệt qua hầm Thủ Thiêm đến đường Mai Chí Thọ. Từ đường Mai Chí Thọ đến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây và kết nối qua các Tuyến số 2, Tuyến số 1 vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 43km) hoặc từ đường Mai Chí Thọ qua đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định qua cầu Cát Lái, đường Võ Thị Sáu đến QL.20B kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 51km). Từ đường Mai Chí Thọ đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và kết nối qua các Tuyến số 2, Tuyến số 1 vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 50km).
Hai là, kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đi theo các tuyến giao thông ngầm: Nút giao Cộng Hòa – đường Trường Chinh – Hàm Nghi (hoặc Võ Văn Kiệt) qua hầm Thủ Thiêm đến đường Mai Chí Thọ.
Ba là, kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đi theo đường trục chính đô thị (phương án giao thông khác mức): Theo tuyến Bắc – Nam phía Tây, từ đường Trường Chinh – Cộng Hòa – Bùi Thị Xuân – Bắc Hải – Thành Thái – Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh. Từ Nguyễn Văn Linh đi theo 2 nhánh.
Trong đó, nhánh 1 qua cầu Phú Mỹ đến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định qua cầu Cát Lái, đường Võ Thị Sáu đến QL.20B kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 52km); nhánh 2 đến đường Nguyễn Hữu Thọ qua cầu Phú Mỹ 2 đến QL.20B kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 50km).
Việc kết nối giữa hai Cảng hàng không quốc tế bằng đường bộ ưu tiên bố trí tuyến xe buýt kết nối trực tiếp, các tuyến xe buýt có điểm đầu, điểm cuối tại hai Cảng hàng không quốc tế, không dừng đỗ trên tuyến đảm bảo thời gian kết nối nhanh nhất. Việc kết nối hành khách từ TP.HCM đến hai Cảng hàng không quốc tế và ngược lại thông qua hệ thống xe buýt chung của thành phố và các loại hình khác (taxi, phương tiện cá nhân…).
Phương án 3: Kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành bằng đường sắt qua tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành: Nút giao Cộng Hòa - Nhà ga T3 - Nhà ga T1, T2 - Hồng Hà - Phạm Văn Đồng - Đường sắt QG - Vành đai 2 - Võ Chí Công kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 45km).
Phương án 4: kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành bằng đường sắt theo tuyến đường sắt đô thị số 2 từ Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 43km).
Phương án 5: kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành bằng đường sắt theo hướng tuyến đường sắt đô thị số 4 từ - Nhà ga T1, T2 TSN - Trường Sơn - Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trưng - Bến Thành kết nối vào tuyến đường sắt đô thị số 2 đến Thủ Thiêm kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (chiều dài khoảng 42km).
Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đề xuất đối với việc kết nối giữa hai Cảng hàng không quốc tế bằng đường sắt ưu tiên bố trí phương án tổ chức chạy tàu trực tiếp kết nối giữa hai Cảng hàng không quốc tế bảo đảm thuận tiện cho hành khách không phải chuyển tuyến và rút ngắn thời gian kết nối nhanh nhất. Để tổ chức các đoàn tàu chạy trực tiếp kết nối hai Cảng hàng không quốc tế thông qua tuyến đường sắt đô thị số 6, đường sắt đô thị số 2, đường sắt đô thị số 4 và đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, điều kiện kỹ thuật của 4 tuyến đường sắt này phải được thiết kế và tổ chức khai thác bảo đảm kết nối cho các đoàn tàu dùng chung hạ tầng.
Phân chia theo 4 giai đoạn
Căn cứ theo tiến trình đầu tư xây dựng của Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhu cầu giao thông kết nối, hệ thống giao thông được Viện Chiến lược và Phát triển GTVT kiến nghị đầu tư theo 4 giai đoạn.
Giai đoạn đến năm 2025: Tương đương giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành công suất 25 triệu khách/năm.
Trong giai đoạn này, sẽ mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành từ 4 làn lên 10 làn xe theo quy hoạch; hoàn thiện tuyến đường tỉnh lộ 25C, quy mô 8 làn xe; xây dựng đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch quy mô 4 làn xe; đoạn ĐT.25B đến CT Bến Lức – Long Thành, quy mô 4 làn xe; xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu quy mô 4 - 6 làn xe; xây dựng các tuyến ĐT.770B, dài 42,6 km, quy mô 8 làn xe; ĐT.769, dài 29,8 km, quy mô 8 làn xe.
Giai đoạn đến năm 2030: Tương đương giai đoạn 2 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn này sẽ thực hiện mở rộng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành lên 8 làn xe theo quy hoạch; xây dựng đường Vành đai 4 quy mô 8 làn xe; xây dựng cầu Cát Lái và đường dẫn đầu cầu kéo dài tới ĐT.25C, quy mô 8 làn xe; xây dựng tuyến Liên vùng LV04 (nút giao Gò Công – Quốc lộ 20) quy mô 4 làn xe; xây dựng tuyến Liên vùng LV03 (QL.51C), cấp III, 2 làn xe; nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ trong khu vực đạt quy mô theo quy hoạch; xây dựng đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị số 2, 4 và số 6 TP.HCM.
Giai đoạn đến năm 2040: Tương đương khi công suất của Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt 75 triệu khách/năm. Giai đoạn này sẽ đầu tư đường sắt tốc độ cao TP. Hồ Chí Minh – Nha Trang; các tuyến đường khác mức đường trục chính đô thị: tuyến Bắc – Nam phía Tây, từ đường Trường Chinh – Cộng Hòa – Bùi Thị Xuân – Bắc Hải – Thành Thái – Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh; tuyến đi ngầm đoạn từ nút giao Cộng Hòa đến hết đường Phạm Văn Đồng: tuyến từ nút giao Cộng Hòa đến đường Trường Sơn qua Nhà ga T1, T2 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường Bạch Đằng đến Phạm Văn Đồng; tuyến đi ngầm: Nút giao Cộng Hòa – đường Trường Chinh – Hàm Nghi (hoặc Võ Văn Kiệt) qua hầm Thủ Thiêm đến đường Mai Chí Thọ.
Giai đoạn đến năm 2050: Tương đương khi công suất của Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt 100 triệu khách/năm. Trong giai đoạn này sẽ mở rộng cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây quy mô 10 - 12 làn xe; mở rộng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu quy mô 6-8 làn xe.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay đạt cấp sân bay 4E (theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), có diện tích 545,1 ha với 02 nhà ga hành khách là: Nhà ga Quốc nội T1 diện tích 40.948 m2 và Nhà ga quốc tế T2 diện tích 115.834 m2. Hiện nay, Bộ GTVT đang đầu tư xây dựng nhà ga T3, dự kiến quý III năm 2024 đưa vào khai thác.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, công suất thiết kế dự kiến đến năm 2030 đạt 25 triệu hành khách/năm, diện tích đất dự kiến đến năm 2030 là 5.000 ha). Ngày 5/1/2021, Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức khởi công xây dựng giai đoạn 1, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2026.
Phần lớn khách đi/đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành xuất phát từ TP.HCM. Vì vậy khoảng cách giữa trung tâm thành phố với sân bay cũng là một yếu tố quan trọng để phân chia khai thác. Tân Sơn Nhất rất gần, khoảng 7km đến trung tâm thành phố nhưng Long Thành thì gần 35km cách xa trung tâm thành phố. Khách hàng sẽ không thoải mái khi các chuyến bay đường ngắn khai thác ở một sân bay xa. Vì vậy các chuyến bay đường ngắn tốt hơn nên được khai thác ở sân bay gần.