Công nghệ AI cho siêu sân bay
Sau đúng 4 năm kể từ khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (tháng 8/2015), vào giữa tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Tờ trình số 6525/TTr - BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thẩm định Nhà nước Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I (HKQT Long Thành).
Lẽ ra, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đã được trình sớm hơn vài tháng nếu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư Dự án lập Báo cáo không chuyển từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 11/2018 dẫn tới sự thay đổi về cơ quan chủ quản. Việc cơ quan nào - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hay Bộ GTVT sẽ đứng ra nhận hồ sơ dự án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đã ngốn khá nhiều thời gian của Dự án.
Cho đến đầu tháng 7/2019, Thủ tướng Chính phủ mới chốt phương án: Bộ GTVT sẽ là đơn vị trình do vừa là bộ quản lý ngành và vừa là đại diện chủ sở hữu vốn tại ACV trong phần lớn thời gian lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.
Được biết, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án là sản phẩm của đơn vị tư vấn JFV (liên danh nhà thầu Nhật - Pháp - Việt) do Japan Airport Consultants và ADP Ingenierie đứng đầu, dựa trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải hàng không, phân chia khai thác giữa Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Cảng HKQT Long Thành; quy mô đầu tư được Quốc hội phê duyệt tại bước chủ trương đầu tư.
Trong giai đoạn I, đối với hạ tầng khu bay, JFV đề xuất xây dựng đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, chiều rộng 75 m, đảm bảo cho tất cả các loại tàu bay hiện nay và trong tương lai (Boeing 777-9X) hoạt động và sân đỗ tàu bay cho 64 vị trí đỗ.
Nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành có công suất thiết kế 25 triệu lượt khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2, gồm 1 trệt và 3 tầng. Nhà ga thiết kế với công nghệ tiên tiến đã được áp dụng tại các sân bay lớn vừa được đưa vào khai thác như T2 Incheon (Hàn Quốc), New Itstanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), T4 Changi (Singapore)... theo các tiêu chí thông minh, hiện đại, tiện nghi cho hành khách, khai thác hiệu quả và thân thiện môi trường.
Liên quan đến hệ thống điều hành bay, JFV đề xuất xây dựng đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m với các công nghệ mới nhất hiện nay, phục vụ phát triển lâu dài của Cảng HKQT Long Thành.
Cũng trong giai đoạn I, đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng nhà để xe có công suất 4.200 xe ô tô; 2 nhà ga hàng hóa, 1 nhà ga chuyển phát nhanh trên diện tích khoảng 220.000 m2 có tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm; khu cung cấp suất ăn hàng không công suất 40.000 suất ăn/ngày; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh tàu bay, trạm cung cấp nhiên liệu; xử lý nước thải. Các công trình của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hoạt động trong cảng như hải quan, công an cửa khẩu, công an địa phương, kiểm dịch y tế, cảng vụ hàng không, điều hành bay; các hãng hàng không; các đơn vị cung ứng sẽ được xây dựng đồng bộ trong giai đoạn I.
Tại Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn I, JFV cũng đề xuất xây dựng mới 2 tuyến giao thông kết nối trực tiếp với Cảng gồm: tuyến số 1 nối với Quốc lộ 51 quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành quy mô 4 làn xe.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Cảng HKQT Long Thành sẽ áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); dữ liệu lớn (Big Data); Internet vạn vật (IoT)… ở hầu hết các khâu trong quá trình khai thác cảng như: hệ thống làm thủ tục hành khách, xuất nhập cảnh; giúp dự đoán chuyển động của hành khách để đưa ra những thông tin đề xuất nhằm tối ưu hóa luồng khách hoặc phân bổ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu hành khách thay đổi; kiểm soát an ninh an toàn…
“JFV cũng đề xuất chọn thiết kế công nghệ có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất vào thời điểm thích hợp, nhất là trong bối cảnh thời gian đưa vào khai thác sân bay có thể phải mất 6 năm nữa”, ông Thọ cho biết.
Chọn phương án đầu tư tối ưu
Tại Báo cáo nghiên cứu khả thi, ACV đề xuất tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I là 111.922 tỷ đồng (tương đương 4,7891 tỷ USD) được chia làm 2 dự án thành phần.
Cụ thể, Dự án thành phần I có tổng mức đầu tư 108.456 tỷ đồng gồm: Hạng mục 1 - Công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước (159 tỷ đồng); Hạng mục 2 - Công trình phục vụ quản lý bay như đài chỉ huy và nhà điều hành bay, hệ thống thông tin - giám sát... (232 tỷ đồng); Hạng mục 3 - Công trình thiết yếu của cảng hàng không (90.713 tỷ đồng); Hạng mục 4 - Công trình kinh doanh dịch vụ do nhà đầu tư, khai thác cảng đầu tư (11.757 tỷ đồng); Chi phí lãi vay (5.836 tỷ đồng). Dự án thành phần II có mức đầu tư 3.225 tỷ đồng gồm các công trình phục vụ quản lý bay.
Kết quả phân tích của JFV cho thấy, tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) của Dự án rất tốt, khi lên tới 24,9%, cao hơn EIRR bình quân của các công trình công cộng tại Việt Nam (10% - 12%). Ước tính, ngay trong giai đoạn I, sân bay Long Thành có thể đóng góp vào GDP của Việt Nam vào năm 2030 là 0,98%, tạo ra 200.000 việc làm.
Hiện dư luận xã hội và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt sự quan tâm lớn đối với phương án và hình thức đầu tư đối với Hạng mục 3. Đây là hạng mục có thể sinh lời gồm các công trình hạ tầng chung; công trình khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, hệ thống đèn hiệu hàng không, hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác…); công trình khu hàng không dân dụng (nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, nhà để xe, nhà điều hành…).
Tại Báo cáo nghiên cứu khả thi, ACV kiến nghị đối với Hạng mục 1 sẽ do ACV thực hiện đầu tư, các cơ quan nhà nước thuê lại để hoạt động; Hạng mục 2 sẽ do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện đầu tư.
Hạng mục “Các công trình kinh doanh dịch vụ do nhà đầu tư, khai thác cảng đầu tư” sẽ giao cho ACV trực tiếp đầu tư, khai thác. Đầu tư bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn vay ODA, hình thức đầu tư là đầu tư trực tiếp của Doanh nghiệp; hạng mục “Công trình kinh doanh dịch vụ do nhà đầu tư, khai thác cảng đầu tư” sẽ do ACV hợp tác đầu tư hoặc nhượng quyền đầu tư, khai thác, hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Do dự án này có nhu cầu vốn rất lớn, nên theo tính toán của JFV, dự kiến nhà đầu tư sẽ phải huy động vốn vay trên thị trường vốn quốc tế với yêu cầu tiên quyết là tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư phải đạt mức tương đương 33,4% tổng số đầu tư của ACV (4,225 tỷ USD), với mức ấn định là 1,411 tỷ USD.
Về khả năng huy động vốn chủ sở hữu trong trường hợp được giao đầu tư Hạng mục 3, ACV cho biết, đến ngày 31/12/2018, doanh nghiệp này đã tích lũy được hơn 24.268 tỷ đồng và tiếp tục tích lũy nguồn từ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2019 - 2025, theo đó, ACV chắc chắn sẽ cân đối được tổng cộng 1,522 tỷ USD để thực hiện dự án này.
Theo Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của ACV, chịu trách nhiệm quản lý ACV về tổ chức, nhân sự, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
“Đề xuất đầu tư Cảng HKQT Long Thành của ACV phải được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ý kiến chấp thuận và chịu trách nhiệm chỉ đạo ACV thực hiện”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.
Nghiên cứu 3 phương án đầu tư hạng mục sinh lời khu bay
Bộ GTVT cho biết, trong quá trình nghiên cứu, có 3 phương án đầu tư hạng mục 3 đã được tư vấn xem xét, trong đó phương án 1 là đầu tư theo định hướng tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi - nhà đầu tư, khai thác cảng đầu tư, có sử dụng vốn vay ODA; phương án 2 giao ACV trực tiếp đầu tư, khai thác, không sử dụng vốn vay ODA, hình thức đầu tư là đầu tư trực tiếp bằng vốn doanh nghiệp; phương án 3 là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác, không sử dụng vốn vay ODA, hình thức đầu tư là PPP, loại hợp đồng BOT.
Trong phương án 2, JFV đề xuất giao ACV chủ trì thành lập pháp nhân mới với tỷ lệ chi phối của ACV để đầu tư, khai thác cảng. Sân bay sẽ được đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp mới thành lập, không sử dụng vốn vay ODA.
Theo ông Lê Đình Thọ, các phương án này đều giống nhau về phương án đầu tư các Hạng mục 1, 2 và 4, chỉ khác nhau về phương án đầu tư Hạng mục 3. Để có cơ sở lựa chọn phương án đầu tư cho Hạng mục 3, các phương án được tư vấn phân tích đánh giá dựa trên 6 tiêu chí: Hành lang pháp lý; vai trò và lợi ích của Nhà nước; tiến độ thực hiện dự án; năng lực và kinh nghiệm đầu tư của nhà đầu tư; năng lực quản lý, khai thác của nhà đầu tư; nhu cầu và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư; mức độ thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư.