Chế biến tôm xuất khẩu của vùng ĐBSCL là ngành hàng đang được ưa chuộng của thị trường thế giới
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2021, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ngành nuôi và xuất khẩu tôm của địa phương này vẫn tăng trưởng mạnh.
Tính chung kim ngạch xuất khẩu (tôm và gạo) của Sóc Trăng năm 2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, vượt 28% kế hoạch và tăng gần 15% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) đạt 1,03 tỷ USD, tăng gần 23% so với 2020, góp phần đưa Sóc Trăng lần thứ 2 liên tiếp dẫn đầu vùng ĐBSCL và cả nước về xuất khẩu tôm.
Không chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu như kỳ vọng, diện tích nuôi tôm và sản lượng đều tăng so với năm 2020, đạt trên 53.000 ha. Đáng ghi nhận, nhiều trang trại nuôi tôm qui mô công nghiệp của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam… năm 2021 đạt năng suất cao, góp phần cung ứng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc, phục vụ tốt cho xuất khẩu. Chỉ riêng Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, sản lượng nuôi năm 2021 đạt kỷ lục, trên 8.000 tấn tôm, cao nhất cả nước.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, năm 2021 toàn tỉnh thả nuôi 53.000 ha tôm, vượt gần 4% so với kế hoạch và tăng gần 2,5% so với 2020. Trong đó, tôm thẻ chân trắng 40.000 ha (75,5% diện tích thả nuôi), tôm sú 13.000 ha.
Các doanh nghiệp tiêu biểu đóng góp lớn trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu tôm của Sóc Trăng phải kể đến, gồm: Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty TNHH Khánh Sủng, Công ty TNHH Tài Kim Anh, Công ty TNHH Kim Anh, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng và Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi…
Theo đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Sóc Trăng dự báo, thời gian tới, mặc dù dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng tín hiệu từ thị trường thế giới về xuất khẩu tôm năm 2022 vẫn đầy triển vọng, do đặc thù tôm là thực phẩm nhiều người ưa chuộng, thơm ngon, bổ dưỡng nên nhu cầu tăng trưởng tiếp tục ở trạng thái tốt. Đồng thời khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, không còn những biến thể nặng, mảng dịch vụ, gồm nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, du lịch… sẽ mở cửa trở lại, nhu cầu cao nên xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng tốt hơn.
Theo VASEP, trong những năm gần đây, tôm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Năm 2020, tôm chiếm 44% xuất khẩu thuỷ sản, với trên 3,7 tỷ USD. Tính đến hết 31/10/2021, xuất khẩu tôm chiếm 45% với 3,2 tỷ USD. Trong đó, top 5 thị trường lớn nhất tiêu thụ tôm Việt Nam bao gồm Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, chiếm 80 – 85% giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam.
Nhu cầu tôm của thị trường thế giới ngày càng mạnh, tạo sức hút với không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mà còn với các doanh nghiệp nhiều nước khác. Do vậy, cùng với tín hiệu lạc quan về nhu cầu thì áp lực cạnh tranh cũng ngày càng lớn.