Sóc Trăng và Trà Vinh đẩy nhanh tiến độ Dự án cầu Đại Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đang khẩn trương chỉ đạo đốc thúc các ngành chức năng, địa phương và chủ đầu tư để sớm khởi công dự án Dự án cầu Đại Ngãi vào cuối quý II/2023.
Phối cảnh Dự án cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng.

Phối cảnh Dự án cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng.

Ông Trần Văn Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết: người dân ở huyện Cù Lao Dung rất vui khi biết Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi sẽ được khởi công vào cuối quý II/2023. Sau khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi sẽ giúp Cù Lao Dung tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện xây dựng cầu Đại Ngãi. Tỉnh cũng đã hoàn thành công tác đo đạc, đang kiểm kê lập hồ sơ bồi thường diện tích đất thu hồi phục vụ dự án cầu Đại Ngãi.

Theo ông Nguyên, địa phương đã tiếp nhận bàn giao 208 cọc tọa độ giải phóng mặt bằng, khi có đơn vị chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc dự án được UBND tỉnh phê duyệt, huyện sẽ bàn giao lại hồ sơ. Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi đi qua địa bàn huyện Cù Lao Dung có chiều dài 4,3 km, có 109 hộ ở xã An Thạnh Đông và An Thạnh Tây bị ảnh hưởng. Huyện đã chủ động phối hợp Sở Xây dựng tham mưu, chuẩn bị các thủ tục cần thiết để bố trí 40 nền tái định cư với diện tích 1 ha, tổng kinh phí 14,5 tỷ đồng. Vị trí khu tái định cư đã được xác định, đảm bảo các điều kiện hạ tầng xã hội, giao thông… nên người dân rất ủng hộ chủ trương xây dựng cầu Đại Ngãi và đồng thuận di dời nhà cửa, tài sản để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công với mong muốn cầu Đại Ngãi sớm hoàn thành, nối hai bờ sông Hậu như mong ước bao đời nay của người dân.

Huyện Cù Lao Dung cũng chủ động đưa dự án cầu Đại Ngãi và khu tái định cư vào quy hoạch sử dụng đất. Hiện huyện đang tiếp tục tổ chức họp dân, thông tin cho người dân về quy mô dự án, chính sách bồi thường, tạo điều kiện cho công tác đo đạc, thống kê, kiểm đếm... để sớm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Đây là dự án rất quan trọng đối với khu vực đồng ĐBSCL nói chung và huyện Cù Lao Dung nói riêng, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Tại Trà Vinh, trong chuyến kiểm tra, khảo sát thực địa và đôn đốc dự án cầu Đại Ngãi mới đây, ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo lãnh đạo và ban ngành 2 huyện Tiểu Cần và Trà Cú cần triển khai nhanh giải phóng mặt bằng càng sớm càng tốt, đảm bảo tiến độ yêu cầu của dự án. Thường xuyên kiểm tra, quản lý, báo cáo kịp thời tháo gỡ khó khăn không để vướng mắc kéo dài, nhất là sau khi xác định chính xác vị trí cắm mốc địa giới dự án cần quản lý chặt chẽ, tuyên truyền bà con nhân dân chấp hành tốt, không để phát sinh, xây cất công trình tạm để đối phó, tiếp tục hưởng lợi.

Dự án cầu Đại Ngãi đi qua địa bàn tỉnh Trà Vinh với chiều dài toàn tuyến hơn 15 km. Có 495 hộ dân ở hai huyện Tiểu Cần và Trà Cú bị ảnh hưởng dự án. Tổng diện tích đất thu hồi là 36,95 ha. Kinh phí bồi hoàn hơn 302 tỷ đồng.

Đến nay, Trà Vinh đã Công bố chủ trương thực hiện Tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư thuộc Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi Tổng quỹ đất thu hồi là 36,95 ha; trong đó, xã An Quảng Hữu có 198 hộ là cá nhân và 01 tổ chức thuộc diện thu hồi đất, với diện tích 241.077,7 m2.

Dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, có điểm đầu giao Quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) và điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Đây là trục giao thông chính, quan trọng ven biển các tỉnh miền Tây. Toàn tuyến có chiều dài trên 15,1 km, 5 nút giao, 7 cầu.

Giai đoạn 1, cầu chính có 4 làn xe, rộng hơn 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Giai đoạn 2, đường dẫn hai bên cầu sẽ được nâng lên 4 làn. Sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách 80 km từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đi Thành phố Hồ Chí Minh so với đi trên tuyến Quốc lộ 1 hiện nay; dự án giúp nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư trên 8.014 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) được giao đại diện chủ đầu tư.

Tin bài liên quan