Sóc Trăng khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế vị trí chiến lược của vùng ĐBSCL

0:00 / 0:00
0:00
Sóc Trăng tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế gồm công nghiệp chế biến, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ - du lịch và khai thác các ngành kinh tế tiềm năng khác như năng lượng, cảng biển, logistics, đô thị, chuyển đổi số...
Trung tâm thành phố Sóc Trăng

Trung tâm thành phố Sóc Trăng

Hội tụ tiềm năng

Thuộc vùng hạ lưu sông Mekong, nằm trong vành đai kinh tế ven biển với hơn 72 km, có các cửa sông chính ra biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng có vị trí địa kinh tế quan trọng trong vùng duyên hải phía Đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế lớn để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistic, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch...

Cụ thể, về phát triển nông nghiệp, Sóc Trăng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, thuận lợi về thời tiết và thổ nhưỡng, phù hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi, là nơi sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, xuất khẩu thủy hải sản lớn của ĐBSCL và cả nước. Sóc Trăng có một số sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng mà nơi khác không có như hành tím Vĩnh Châu và gạo thơm ST25.

Trong đó, thương hiệu gạo ST25 được thị trường rất ưa chuộng và đã đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Do đó, Sóc Trăng là địa bàn thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến nông sản, hình thành các khu, cụm công nghiệp để khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Về phát triển du lịch, Sóc Trăng được biết đến với không gian văn hóa đặc sắc, giao thoa giữa 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, có nhiều lễ hội, công trình kiến trúc độc đáo và những cù lao trù phú với những vườn cây ăn quả, cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển.

Tỉnh còn có tiềm năng để phát triển ngành năng lượng tái tạo, với 72 km bờ biển, tốc độ gió trung bình hơn 6m/giây, là địa phương ít bị ảnh hưởng của các cơn bão, nên rất có lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi.

Đặc biệt, cảng biển Trần Đề cùng với các tuyến cao tốc đường bộ, cầu Đại Ngãi… khi hình thành sẽ tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông, thủy sản; tạo sức hút đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực khác như: công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ - du lịch, logistics...

Khai thác hiệu quả lợi thế

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm phát triển của tỉnh là khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của Vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu…

Về phương hướng phát triển các ngành kinh tế, Sóc Trăng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Cụ thể, đối với ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng xanh, bền vững, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Hình thành vùng chuyên canh các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh với quy mô thích hợp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản; cải tiến, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường.

Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; gắn với công nghiệp chế biến và năng lượng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP; xây dựng, định vị thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh; phát triển đa dạng các thị trường tiêu thụ; kết hợp du lịch. Xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó chú trọng nuôi trồng thủy sản nước lợ, cây ăn trái, lúa đặc sản, chăn nuôi bò.

Đối với ngành công nghiệp, phát triển theo hướng xanh, có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng lớn.

Trong đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế. Đa dạng hóa các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ.

Đồng thời, phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển.

Đối với ngành dịch vụ, phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ; các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn theo hướng hiện đại đáp ứng tốt cung cầu của thị trường.

Cụ thể, phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; hình thành các trung tâm logistics có khả năng tiếp nhận và trung chuyển hàng hóa, kết nối các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với cả nước và thị trường thế giới.

Phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên các hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, có tác động mạnh mẽ đến hỗ trợ sản xuất lưu thông. Tập trung phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics, ưu tiên đầu tư tại cảng biển Trần Đề.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch chủ lực và sản phẩm du lịch bổ sung, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như du lịch văn hóa, ẩm thực, tâm linh, lễ hội, sinh thái miệt vườn, sinh thái biển, nghỉ dưỡng, kết hợp thể dục thể thao, vui chơi giải trí, khu đô thị; kết nối chuỗi sản phẩm du lịch trong tỉnh với các địa phương trong vùng…

Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tổ chức vào ngày 9/10/2023), ông Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh tập trung thực hiện các phương án phát triển, gắn với 3 trụ cột kinh tế gồm công nghiệp chế biến, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ - du lịch và khai thác các ngành kinh tế tiềm năng khác, như: năng lượng, cảng biển, logistics, đô thị, chuyển đổi số... Đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án quan trọng, như: hạ tầng giao thông cảng biển, các khu - cụm công nghiệp, các hạ tầng phục vụ sản xuất - chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, du lịch…

Tin bài liên quan