Soát xét bán niên, làm sáng bức tranh lỗ, lãi

Soát xét bán niên, làm sáng bức tranh lỗ, lãi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo soát xét bán niên đến nay, Đất Xanh là trường hợp có chênh lệch lợi nhuận lớn nhất giữa báo cáo tự lập và báo cáo soát xét.

Lãi thành lỗ sau soát xét

Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên được soát xét bởi đơn vị kiểm toán là E&Y Việt Nam. Trong báo cáo tự lập được công bố trước đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 38 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, nhưng sau soát xét, con số này chuyển thành lỗ 488 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, đây là doanh nghiệp đứng đầu về chênh lệch số liệu lợi nhuận trước và sau soát xét.

Tính đến ngày 17/8/2020, trên trang thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ghi nhận hơn 950 báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2020 của 1.700 doanh nghiệp niêm yết và đại chúng.

Trong số các doanh nghiệp đã công bố đến nay, Đất Xanh là trường hợp có chênh lệch lợi nhuận lớn nhất giữa báo cáo tự lập và báo cáo soát xét.

Theo thông tin từ Đất Xanh, nguyên nhân là trong quá trình kiểm toán, E&Y đã xác định khoản chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Đầu tư LDG (LDG) thực hiện vào tháng 7 là phát sinh sau niên độ và yêu cầu DXG phải trích lập dự phòng 526 tỷ đồng khiến chi phí tài chính gấp 4,4 lần trước kiểm toán.

Tính đến ngày 30/6, khoản đầu tư vào LDG có giá trị ghi sổ 542 tỷ đồng, trong khi đầu năm, con số này là 1.079 tỷ đồng (khoảng 12.250 đồng/cổ phiếu).

Theo thuyết minh, vào ngày 22 và 24/7/2020, DXG đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong LDG, tương đương với tỷ lệ 36,72% vốn.

DXG cho biết, việc thoái vốn khỏi LDG nằm trong chiến lược phát triển và mở ra hướng đi mới, tránh xung đột lợi ích bởi chiến lược, phạm vi hoạt động của 2 công ty cơ bản giống nhau.

Đồng thời, thoái vốn giai đoạn này giúp DXG thu về một lượng tiền mặt có thể được sử dụng để phục vụ cho các dự án của Tập đoàn hoặc thực hiện các chiến lược mua bán, sáp nhập nếu có.

Theo báo cáo soát xét, kết thúc 6 tháng đầu năm, DXG ghi nhận doanh thu thuần gần 1.080 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước và lỗ hơn 488 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 556 tỷ đồng). Đây cũng là con số lỗ nặng nhất mà DXG phải hứng chịu kể từ khi niêm yết đến nay.

Cũng chuyển từ lãi thành lỗ là trường hợp của CTCP Lilama 69-1(L61). Tại báo cáo soát xét, L61 lỗ 771 triệu đồng, trong khi trước đó, Công ty ghi nhận lãi 528 triệu đồng trong báo cáo tự lập, tương đương giảm hơn 260%.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế theo Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/4/2020 đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Một trường hợp khác là CTCP Cơ khí Lắp máy Lilama (L35), doanh nghiệp này chuyển từ lãi 45 triệu đồng sang thành lỗ 3,4 tỷ đồng sau soát xét báo cáo 6 tháng 2020.

Những doanh nghiệp giảm lãi, tăng lỗ

Soát xét bán niên, làm sáng bức tranh lỗ, lãi ảnh 1

Bên cạnh những doanh nghiệp chuyển lãi thành lỗ sau soát xét, cũng có những doanh nghiệp ở tình trạng giảm lãi. Chẳng hạn, CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF) ghi nhận 910 tỷ đồng doanh thu thuần trong báo cáo soát xét, không thay đổi nhiều so với báo cáo tự lập hồi cuối tháng 7, lợi nhuận gộp cũng giữ nguyên ở mức gần 32 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng vọt 118%, từ 11 tỷ đồng lên 24 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp đôi lên 8,7 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế của KLF bị điều chỉnh giảm 74% còn 5,5 tỷ đồng.

Hiện Công ty chưa công bố giải trình chính thức về lý do số liệu trước và sau soát xét chênh lệch quá lớn như trên.

Tương tự, lợi nhuận sau thuế của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (SDU) giảm từ 1,8 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 1,1 tỷ đồng sau soát xét. Theo giải trình của SDU, nguyên nhân chênh lệch là do đơn vị kiểm toán xác nhận thêm doanh thu của căn hộ tại dự án Liễu Giai.

Cũng rơi vào trường hợp giảm lãi sau soát xét là CTCP Tập đoàn Nagakawa (NAG) và CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (GAB).

Theo đó, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 của NAG trên báo cáo hợp nhất sau soát xét giảm 1,8 tỷ đồng, tương đương giảm 20,42% so với báo cáo tự lập.

Với GAB, báo cáo tài chính bán niên sau soát xét của Công ty ghi nhận lãi ròng chỉ hơn 550 triệu đồng. Mức lợi nhuận này giảm 60% so với con số mà GAB đưa ra tại báo cáo tự lập trước đó.

Điều thú vị dù hiệu quả kinh doanh như vậy, nhưng trên sàn, cổ phiếu GAB vẫn đang được giao dịch với thị giá trên 150.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản khá tốt với vài chục nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.

Tại báo cáo tài chính soát xét công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2020, Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC) thua lỗ tới gần 4,5 tỷ đồng, gấp 4,7 lần con số trong báo cáo tự lập trước đó.

Giải trình về con số lỗ 4,5 tỷ đồng, VEC chỉ ra chi phí tài chính lũy kế 6 tháng đầu năm sau soát xét chênh lệch hơn 3,5 tỷ đồng so với trong báo cáo tự lập.

Điều này là do thời điểm lập báo cáo tài chính, Công ty chưa nhận được báo cáo của các công ty con, chưa có cơ sở để trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính dài hạn.

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) là một trong số ít trường hợp tăng lãi sau soát xét. Báo cáo tài chính bán niên soát xét của SMC ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay tăng 2,5 tỷ đồng, tương đương tăng 5% so với báo cáo tự lập được công bố trước đó.

SMC ghi nhận bổ sung chiết khấu sản lượng của các nhà máy 6 tháng đầu năm 2020, đồng thời tăng dự phòng hàng tồn kho đối với một số mặt hàng tồn kho tại thời điểm lập báo cáo và tăng chi phí khấu hao tài sản cố định.

Cùng với đó, CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) cũng là trường hợp hiếm hoi khi lỗ giảm được 13 tỷ đồng trên báo cáo hợp nhất sau soát xét. Nguyên nhân được Công ty đưa ra là do điều chỉnh chi phí vật tư phân bón theo sản lượng khai thác trong kỳ.

Chia sẻ về những điểm cần lưu ý trong mùa báo cáo tài chính giữa niên độ, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc tại Việt Nam cho rằng, khi tiếp cận những con số được công bố trên truyền thông, nhà đầu tư cần phải cẩn trọng trong việc nhìn nhận một cách đúng mực kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cho dù là báo cáo soát xét đi chăng nữa, nhà đầu tư vẫn cần xem xét những con số một cách kỹ càng để hiểu rõ sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan