Các doanh nghiệp đua nhau xây dựng cao ốc.

Các doanh nghiệp đua nhau xây dựng cao ốc.

Soán ngôi trong “cuộc đua” xây dựng cao ốc

(ĐTCK-online) Bên cạnh những cao ốc có quy mô dưới 10.000 m2 đang được cấp tập triển khai xây dựng ở TP.HCM, cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều cao ốc có quy mô khá lớn, như Asiana Plaza (32.000 m2), Times Square (31.000 m2), A&B (25.000 m2), Centec (25.000 m2)...

Mặc dù ngành nghề kinh doanh truyền thống của Transimex Saigon là giao nhận và kho vận, nhưng công ty này vừa quyết định phát hành thêm 2 triệu cổ phiếu để huy động vốn xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM). Tại khu đất rộng 811 m2, Transimex sẽ xây dựng một cao ốc 13 tầng có diện tích sàn 9.300 m2, dự kiến hoàn thành vào năm 2009.

Có thể nói, Transimex đang nối gót rất nhiều công ty khác chuyển hướng đầu tư vào xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê. Cũng có ngành nghề giống như Transimex, nhưng Gemadept còn nhanh chân hơn khi đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng rộng 16.500 m2 trên đường Lê Thánh Tôn (TP.HCM) và dự kiến hoàn thành trong năm tới.

Sau nhiều năm kinh nghiệm trong nghề xây dựng, Hoà Bình Corporation cũng đã chính thức đặt chân vào thị trường cao ốc văn phòng cho thuê. Ngày 19/5/2007, Hoà Bình đã ký hợp đồng thuê 2.775 m2 đất của Phú Mỹ Hưng để xây dựng một cao ốc văn phòng 21 tầng, diện tích 40.000 m2, với vốn đầu tư dự kiến là 500 tỷ đồng. Theo giải thích của ông Lê Viết Hải, Tổng giám đốc Công ty, thì xu hướng chuyển sang đầu tư địa ốc là tất yếu để đón đầu nhu cầu thuê văn phòng của các công ty trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh những cao ốc có quy mô dưới 10.000 m2 đang được cấp tập triển khai xây dựng ở TP.HCM, cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều cao ốc có quy mô khá lớn, như Asiana Plaza (32.000 m2), Times Square (31.000 m2), A&B (25.000 m2), Centec (25.000 m2)...

Điều đáng nói là, nếu như các cao ốc thời những năm 90 của thế kỷ trước, như Sunwah, Saigon Centre, Saigon Tower và Saigon Trade Centre đều do các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng, thì hiện nay, các nhà đầu tư trong nước đang chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực này. Không có đất xây dựng thì thuê lại toàn bộ cao ốc theo thời hạn của dự án, đó là trường hợp của VP Bank. Ngân hàng này đã thuê lại cao ốc Fideco với tổng diện tích sàn 20.000 m2, trong đó dành vài tầng để làm văn phòng chính của ngân hàng ở khu vực phía Nam, còn lại để cho thuê. Sacombank cũng đang xây một cao ốc có diện tích 15.000 m2.

Hiện nay, thị trường đang hình thành một thế hệ cao ốc mới, với quy mô của một toà nhà có thể bằng tổng diện tích sàn văn phòng loại A hoặc B hiện có. Công ty cổ phần Kinh Đô đã thông qua kế hoạch xây dựng cao ốc 45 tầng trên đường Lê Lợi, đối diện chợ Bến Thành, với diện tích sàn lên tới 171.000 m2, trong đó, diện tích cho thuê là 131.000 m2, tức là bằng hơn 1/3 tổng diện tích tất cả các loại văn phòng cho thuê ở TP.HCM hiện nay cộng lại. Vốn đầu tư cho dự án này lên đến 2.656 tỷ đồng.

Một cao ốc lớn không kém là Financial Tower cũng đang được Công ty Bitexco triển khai xây dựng ở đường Hải Triều - Hồ Tùng Mậu - Ngô Đức Kế (quận 1, TP.HCM). Khi hoàn thành vào năm 2010, cao ốc 68 tầng này có diện tích cho thuê là 100.000 m2 và vốn đầu tư lên đến 125 triệu USD. Cách đó không xa là dự án cao ốc BIDV Tower đang thi thiết kế với diện tích sàn tương đương với Financial Tower . Vietcombank cũng liên doanh với Bến Thành Tourist đầu tư 55 triệu USD để xây dựng cao ốc có diện tích sàn là 77.000 m2.

Với những dự án quy mô lớn như vậy, diện tích văn phòng cho thuê tại TP.HCM vào năm 2010 sẽ gấp 3 lần hiện nay. Tính trên các dự án đã có và nếu các dự án triển khai đúng tiến độ thì trong vòng 3 năm tới, bình quân mỗi năm TP.HCM sẽ có thêm 200.000 m2 diện tích văn phòng được xây mới.

Lý do các công ty đổ xô vào xây cao ốc một phần là thỏa mãn nhu cầu văn phòng làm việc của chính mình, nhưng cái đích lớn hơn là nhắm đến lợi nhuận lớn từ kinh doanh cho thuê văn phòng. Vốn đầu tư nước ngoài ngày càng bùng nổ, cộng với các công ty trong nước “ăn nên làm ra”, nhu cầu thuê văn phòng dự báo sẽ rất lớn. Với giá thuê bình quân là 32 USD/m2/tháng đối với cao ốc loại A và 28 USD/m2/tháng đối với cao ốc loại B, thì một cao ốc cỡ trung bình cũng mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, cũng không ít công ty đầu tư vào bất động sản để gia tăng giá trị cổ phiếu vì bất động sản là thứ hiện hữu, nhìn thấy được, nên các cổ đông tin tưởng vào công ty.

Tuy nhiên, với trào lưu “nhà nhà xây cao ốc” như hiện nay, nguồn cung văn phòng đến một thời điểm nào đó sẽ tăng vọt, nguy cơ khủng hoảng thừa rất dễ xảy ra và giá thuê có khả năng sẽ  giảm xuống.