Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2015.

Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2015.

Số phận các dự án hỗ trợ hoàn vốn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Cần làm rõ pháp lý và khả năng thu xếp vốn

0:00 / 0:00
0:00
Hướng xử lý các dự án hỗ trợ hoàn vốn cho Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đặt ra nhiều vấn đề về pháp lý và khả năng thu xếp vốn.

Vẫn còn một số vấn đề pháp lý cần được làm rõ trước khi quyết định số phận của các dự án khu công nghiệp, khu đô thị mà Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) được Chính phủ giao triển khai đầu tư để hỗ trợ hoàn vốn cho Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 15 năm trước.

Triển khai trên… giấy

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 5513/BKHĐT-KCHTĐT gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến đối với đề xuất mới đây của Bộ Tài chính về việc xử lý thu hồi một số dự án do VIDIFI làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.

Trong công văn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tại Văn bản số 3252/BTC-TCNH ngày 11/4/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý các dự án hỗ trợ hoàn vốn cho Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), Bộ Tài chính mới chỉ báo cáo việc VIDIFI hiện không thể thu xếp được vốn chủ sở hữu tối thiểu và góp vốn để triển khai các dự án. Bộ Tài chính chưa làm rõ việc: nếu Nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết, thì VIDIFI có thể triển khai được các khu đô thị, khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ hoàn vốn cho Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Chính vì vậy, để có đủ căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn để Thủ tướng xem xét, quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các cơ quan liên quan sớm đánh giá việc đáp ứng các điều kiện đầu tư và kinh doanh các khu đô thị, KCN của VIDIFI theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguồn vốn để triển khai đầu tư các khu đô thị, KCN dọc tuyến phải là vốn chủ sở hữu và vốn huy động của VIDIFI. Tuy nhiên, hiện VIDIFI và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB, đơn vị nắm 96,97% vốn điều lệ của VIDIFI) chưa làm rõ khả năng thu xếp vốn chủ sở hữu tối thiểu và huy động vốn để chứng minh năng lực tài chính cho việc triển khai thực hiện các dự án KCN, khu đô thị trên.

“Trường hợp VIDIFI không đáp ứng các điều kiện nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất kiến nghị của Bộ Tài chính về việc thu hồi lại các khu đô thị, KCN đã giao cho VIDIFI và chuyển giao cho các địa phương triển khai theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”, Công văn số 5513 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Trong giai đoạn 2007 - 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định về cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư đối với Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Theo đó, VIDIFI - với vai trò là doanh nghiệp dự án - được Chính phủ cho phép triển khai đầu tư các khu đô thị, KCN và các khu dịch vụ hậu cần dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007, bên cạnh nguồn thu phí trên chính tuyến và Quốc lộ 5, VIDIFI được giao đầu tư 5 khu đô thị (Khu đô thị Gia Lâm và Khu đô thị khác - Hà Nội; Khu đô thị Tràng Cát và Quang Trung - Hải Phòng; Khu đô thị Gia Lộc - Hải Dương) và 7 KCN (Hưng Đạo, Cầu Cựu - Hải Phòng; Tân Dân, Thổ Hoàng, Lý Thường Kiệt - Hưng Yên; Hoàng Diệu, Hưng Đạo - Hải Dương). Trong quá trình triển khai, số lượng dự án bị “rơi rụng”, chỉ còn 5 khu đô thị và 5 KCN.

Để đảm bảo tính khả thi Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Chính phủ tiếp tục cam kết hỗ trợ tối đa 39% tổng mức đầu tư, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng (khoảng 4.069 tỷ đồng); đồng thời chuyển khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức được Chính phủ bảo lãnh thành vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào Dự án. VIDIFI được sử dụng tiền sử dụng đất của Khu đô thị Gia Lâm (khoảng 4.723 tỷ đồng) và các khu đô thị, KCN khác (khoảng 500 tỷ đồng).

Sau khi nhận được gói cam kết trên, VIDIFI đã triển khai thi công Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2015 với giá trị quyết toán khoảng 41.399 tỷ đồng; thời hạn vận hành, khai thác công trình 30 năm, dự kiến kết thúc năm 2045.

Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 8/2022, ngoại trừ Khu đô thị Gia Lâm, các khu đô thị và KCN khác đều đang ở trên… giấy, thậm chí còn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều địa phương, trong đó có Hải Dương và Hải Phòng, liên tục kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi các dự án nói trên nhằm tránh lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội do bị “treo”, “gác” quá lâu.

Buông hay giữ?

Tại Công văn số 3252/BTC-TCNH, Bộ Tài chính không nêu rõ quan điểm của mình đối với số phận của các dự án KCN, khu đô thị của VIDIFI, mà chỉ giả định việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi các dự án và giao lại các địa phương triển khai.

Đối với trường hợp này, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương sau khi tiếp nhận lại dự án phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư, quy hoạch theo đúng quy định của Nhà nước và chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện.

“Các tỉnh phải cam kết có trách nhiệm yêu cầu các nhà đầu tư phải thanh toán đầy đủ các chi phí mà VIDIFI đã bỏ ra để không ảnh hưởng đến phương án tài chính của Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Trước đó, vào ngày 31/3/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo các bộ, UBND các tỉnh, thành phố có liên quan đến Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và VDB để trao đổi, thống nhất các nội dung liên quan tới các dự án KCN, khu đô thị dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã giao VIDIFI thực hiện.

Các địa phương đều thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng và thu hồi các dự án KCN, khu đô thị dọc tuyến cao tốc

Hà Nội - Hải Phòng đã giao VIDIFI; đồng thời giao chính quyền địa phương lựa chọn các doanh nghiệp để đầu tư hoàn thiện các dự án dang dở của VIDIFI. Những các nhà đầu tư được lựa chọn sẽ đứng ra thanh toán toàn bộ kinh phí mà VIDIFI đã bỏ ra.

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, sau gần 15 năm, VIDIFI vẫn chưa thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, các thủ tục khác có liên quan đối với các dự án KCN, khu đô thị được giao và chưa thực hiện thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

UBND tỉnh Hải Dương đã nhiều lần tổ chức họp để nghe VIDIFI báo cáo tình hình triển khai, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị liên quan đến các dự án trên. Tuy nhiên, tại nhiều cuộc họp,

VIDIFI cho biết đang rất khó khăn, không có nguồn vốn để tiếp tục triển khai đầu tư các dự án KCN, khu đô thị được giao. Ngoài ra, đơn vị này còn có vướng mắc về quy định trong việc đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản.

“Việc VIDIFI không triển khai thực hiện các KCN, khu đô thị nêu trên tại tỉnh Hải Dương đã ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sử dụng đất KCN, khu đô thị và cơ hội thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua”, ông Triệu Thế Hùng đánh giá.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, tại cuộc họp này, đại diện các bộ, ngành tham dự cuộc họp đều cho rằng, việc các cam kết của Nhà nước chưa thực hiện là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khó khăn cho Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, do đó cần phải thực hiện sớm.

Cụ thể, hiện Nhà nước mới thực hiện được 1/3 cam kết (đã bố trí và trả cho VIDIFI 3.979 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước), các cam kết còn lại chưa được thực hiện do còn vướng mắc trong việc xử lý tại các bộ, ngành, đã ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tổng doanh thu của VIDIFI giai đoạn 2015 - 2021 (chủ yếu là thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5) là 12.889 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí lên tới 22.199 tỷ đồng, khiến VIDIFI bị âm 9.219 tỷ đồng do doanh thu không đủ bù đắp chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay (chiếm 79% chi phí mỗi năm, trung bình 7,75 tỷ đồng/ngày).

Ngoài ra, VIDIFI đã tập trung toàn bộ nguồn vốn để xây dựng Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên kiệt lực, không thể thu xếp được vốn chủ sở hữu tối thiểu và góp vốn để triển khai các khu đô thị, KCN theo quy định.

Ở chiều ngược lại, VIDIFI và VDB đều bày tỏ mong muốn được triển khai các khu đô thị, KCN nhưng thừa nhận là với tình hình khó khăn hiện nay, thì đơn vị này không thể triển khai được. VIDIFI chỉ có thể triển khai được nếu có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông và nguồn lực tài chính so với hiện nay.

Về chi phí chuẩn bị đầu tư các dự án khu đô thị, KCN, VIDIFI cho biết đang rà soát, tập hợp hồ sơ, chứng từ và kiểm toán. Số liệu đến hết 31/12/2021, tại Hưng Yên, VIDIFI đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, tại Hải Dương khoảng 14,6 tỷ đồng, tại Hải Phòng khoảng 28,1 tỷ đồng.

“Việc tiếp tục thực hiện các dự án KCN, khu đô thị chắc chắn sẽ giảm gánh nặng tài chính cho VIDIFI. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm túc quyết định cuối cùng từ Thủ tướng Chính phủ”, ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc VIDIFI cho biết.

Điều 27.2, Hợp đồng BOT số 7976/2008/HĐ.BOT - HN - HP ký tháng 10/2008 giữa Bộ Giao thông - Vận tải và VIDIFI quy định: Trong trường hợp thực hiện hợp đồng BOT, nếu chính sách pháp luật của Nhà nước có sự thay đổi, thì các bên thống nhất thực hiện theo các chính sách và pháp luật mà Nhà nước mới ban hành và đang còn hiệu lực thi hành.

Sau đó, các điều kiện mới để được giao các dự án khu đô thị, khu công nghiệp đều được nâng lên rất nhiều và chặt chẽ hơn so với thời điểm VIDIFI được giao triển khai. Trong đó, đáng kể nhất là việc VIDIFI phải có vốn chủ sở hữu đáp ứng 15 - 20% tổng mức đầu tư dự án; có khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Tin bài liên quan