Báo cáo tổng hợp của Bộ Công Thương đã ghi nhận số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tăng mạnh sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020.
Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản tới EU là 370 doanh nghiệp. Trong đó số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản tới EU hàng tháng đều ở mức dưới 200 doanh nghiệp/tháng. Nhưng sau khi EVFTA có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản tới EU đã tăng lên mức trên 200 doanh nghiệp/tháng.
Ước tính sơ bộ năm 2020, có 409 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản tới EU, hầu hết các doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp có uy tín và khả năng cung ứng tốt.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ các doanh nghiệp, việc áp dụng các cam kết trong EVFTA trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thực hiện các quy định giấy tờ và chứng nhận còn lúng túng. Cụ thể: C/O form Eur1: Còn lúng túng trong việc áp dụng trong cộng đồng doanh nghiệp và ngay trong chính nội bộ các nước thành viên EU. C/O lâu được cấp vì liên quan đến chứng nhận xác nhận theo quy định IUU.
Việc áp dụng mã HS cũng khó khăn khi doanh nghiệp lúng túng, không biết khai mã nào/khai mã theo hiệp định không được nước nhập khẩu chấp nhận. Tuy nhiên các cơ quan quản lý cũng đã sớm có những buổi hội thảo, hướng dẫn, hỗ trợ cùng sự linh hoạt chủ động từ phía doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới EU đang có những kết quả tích cực.
Năm 2020, dù có lực đẩy tốt từ EVFTA đi vào thực thi nhưng xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn bị sụt giảm 8,8% về lượng và giảm 6,21% về trị giá so với năm 2019, ước đạt 205,9 nghìn tấn với trị giá 947,89 triệu USD, chiếm 10,18% về lượng và chiếm 11,29% về trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Việc Anh rời khởi EU năm 2020 khiến cho thị trường EU không còn thuộc nhóm những thị trường có trị giá xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD trong năm 2020.
Mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang EU khá đa dạng, mang về ngoại tệ lớn nhất lần lượt là tôm, trị giá trên 500 triệu USD, cá ngừ các loại 128 triệu USD, cá tra-basa 123 triệu USD, nghêu các loại 55 triệu USD, cá đông lạnh 39,4 triệu USD, mực các loại 31,8 triệu USD, surimi gần 10 triệu USD....
Các số liệu thống kê xuất khẩu cho thấy khi EVFTA có hiệu lực, tôm, nghêu, cá ngừ và mực là những mặt hàng đã hưởng lợi rõ nhất từ các ưu đãi từ thuế của EVFTA.
Năm 2021 thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nhiều cơ hội vượt qua mốc 1 tỷ USD ở thị trường EU, do các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ khai thác hiệu quả hơn Hiệp định EVFTA.
Theo cam kết, EVFTA đi vào thực thi từ 1/8/2020, 220 mặt hàng thủy sản có mức thuế suất cơ sở từ 0 - 22%, trong đó mức thuế cao từ 6 - 22% sẽ về 0%. Trong đó, phải kể đến một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến…
Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6 - 8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.
Các sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS 03061792) được giảm từ mức đang áp dụng là 4,2% (thuế GSP) về 0% ngay từ ngày 1/8/2020. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3 - 5 năm, riêng tôm chế biến, thuế sẽ giảm từ mức 7% (GSP) về 0% sau 7 năm.
Đối với sản phẩm cá tra đông lạnh, lộ trình giảm thuế từ 5,5% về 0% sau 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm.