Số lượng doanh nghiệp gia tăng, nhưng khó khăn vẫn còn

0:00 / 0:00
0:00
Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 8 tháng đầu năm nay nhiều hơn số rút lui, nhưng từ đầu năm đến nay có tới 135.300 doanh nghiệp “dừng cuộc chơi”.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

“Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn”, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bình luận.

Trong 8 tháng đầu năm nay, có khoảng 168.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Thưa bà, đây là tín hiệu đáng mừng?

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, từ đầu năm đến nay, có gần 111.000 doanh nghiệp thành lập mới. Nếu cộng cả số quay trở lại thị trường sau một thời gian tạm ngừng với rất nhiều lý do, thì 8 tháng đầu năm nay có trên 168.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đây là những con số rất ấn tượng, rất đáng mừng, kể cả về số lượng lẫn tốc độ tăng trưởng.

Nhưng trong cùng thời gian, có tới 135.300 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Như vậy, trừ đi số này, thì chỉ thêm được 32.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong 8 tháng đầu năm, mỗi tháng chỉ tăng khoảng 4.100 cơ sở.

Trước Covid-19, số doanh nghiệp gia nhập thường cao hơn rất nhiều so với số rời khỏi thị trường. Có thời gian, mức độ chênh lệch này gấp 2 - 3 lần. Nhưng kể từ khi đại dịch xảy ra đến nay, số gia nhập và rút lui trong nhiều thời điểm là tương đương, hoặc chênh lệch không đáng kể, thậm chí, có nhiều thời điểm, số rút lui còn nhiều hơn số thành lập mới và tái gia nhập thị trường. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê, các doanh nghiệp ngừng, tạm ngừng, giải thể chủ yếu là cơ sở kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ và hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, dịch vụ, quán ăn, nhà hàng... Bà nhìn nhận thế nào về điều này?

Đúng là doanh nghiệp giải thể, ngừng, tạm ngừng hoạt động chủ yếu trong khu vực dịch vụ, tập trung ở lĩnh vực thương mại (bán buôn, bán lẻ), dịch vụ lưu trú, ăn uống, nhà hàng; sửa chữa xe có động cơ... và hầu hết có số vốn rất nhỏ, chủ yếu là dưới 10 tỷ đồng. Nhiều người cho rằng, những cơ sở này giải thể, ngừng hoạt động cũng không tác động nhiều đến nền kinh tế. Nhưng tôi cho rằng, nhận định này chưa chính xác, vì trong sự vận hành của xã hội, ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động sản xuất, kinh doanh nào cũng cần thiết.

Hơn nữa, khu vực này đang thu hút một lực lượng lao động phi chính thức rất lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lao động phi chính thức trong quý II/2024 là 33,5 triệu người, chiếm 65,2% trong tổng số lao động có việc làm, tăng 271.700 người so với quý trước và tăng 210.300 người so với cùng kỳ năm trước. Khi số lượng doanh nghiệp và cả hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, bán buôn, bán lẻ... ngừng hoạt động gia tăng, đồng nghĩa tăng số lượng lao động trong lĩnh vực phi chính thức mất việc làm, gia tăng số người bị mất hoặc giảm thu nhập, kéo theo gia đình họ cũng gặp khó khăn.

Thực tế là hoạt động sản xuất, kinh doanh đang tốt dần lên kể từ quý III/2023. Theo bà, vì sao doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình kinh doanh vẫn gặp khó khăn?

Tình trạng nhà hàng, cửa hàng kinh doanh treo biển “cho thuê lại mặt bằng”, “thanh lý” ở các đô thị rất nhiều, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM, cho thấy hoạt động kinh doanh rất khó khăn. Nguyên nhân, theo tôi, một phần từ tác động của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Khi cơ quan chức năng thực hiện triệt để 2 quy định này, không chỉ doanh thu bán rượu, bia ở nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí giảm mạnh, mà các loại dịch vụ đi kèm và các hoạt động liên quan như vận chuyển cũng giảm, khiến doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này phải ngừng hoạt động, giải thể, đóng cửa sau thời gian không thể cầm cự. Những doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có ý định đầu tư vào lĩnh vực này cũng từ bỏ ý định.

Tôi cho rằng, khu vực dịch vụ còn khó khăn hơn nữa, số doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, phá sản còn tăng hơn nữa nếu Quốc hội thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế đối với đồ uống có cồn, nước ngọt có đường.

Nhưng thưa bà, những chính sách trên là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của người dân?

Nói như vậy không có nghĩa là tôi không ủng hộ Nghị định 100/2019/NĐ-CP; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào nước ngọt có đường, tăng thuế đối với rượu bia.

Thực tế, mức phạt đối với người sử dụng rượu, bia tham gia giao thông của Việt Nam còn nhẹ hơn rất nhiều nước trên thế giới. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt của Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều nước.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao các nước đánh thuế cao, phạt nặng mà hoạt động kinh doanh vẫn phát triển, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí vẫn hoạt động hiệu quả, còn ở Việt Nam thì ngược lại. Mấu chốt là cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh cũ, đã từng mang lại hiệu quả không còn phù hợp với bối cảnh mới, trong khi chúng ta chưa có chính sách mới.

Tin bài liên quan