Sau các tin tích vĩ mô, giới đầu tư phố Wall đang hướng tới mùa công bố kết quả kinh doanh quý III - Ảnh: Reuters

Sau các tin tích vĩ mô, giới đầu tư phố Wall đang hướng tới mùa công bố kết quả kinh doanh quý III - Ảnh: Reuters

Sợ kết quả kinh doanh quý III, giới đầu tư chốt lời sớm

(ĐTCK) Việc đồng USD tăng mạnh khiến giới đầu tư phố Wall lo lắng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III không khả quan, nên đã nhanh tay chốt lời, đẩy phố Wall đảo chiều giảm điểm trong phiên đầu tuần.

Báo cáo việc làm tích cực cuối tuần trước tiếp tục tác động tích cực tới tâm lý giới đầu tư phố Wall khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới. Sắc xanh tiếp tục ngự trị trên các chỉ số chính của phố Wall trong phiên giao dịch sáng. Tuy nhiên, sau đó, phố Wall đã quay đầu giảm điểm trước áp lực bán mạnh và kết thúc phiên trong sắc đỏ.

Mùa công bố kết quả kinh doanh đang đến gần và với việc đồng USD tăng mạnh khiến nhiều nhà đầu tư dự báo rằng, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sẽ không khả quan trong quý III. Chính lo ngại này nên giới đầu tư đã nhanh tay chốt lời mạnh, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall quay đầu giảm điểm.

Kết thúc phiên 6/10, chỉ số Dow Jones giảm 17,78 điểm (-0,10%), xuống 16.991,91 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,08 điểm (-0,16%), xuống 1.964,82 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 20,82 điểm (-0,47%), xuống 4.454,80 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, trái ngược với chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính của khu vực này tiếp tục duy trì được đà tăng điểm của phiên cuối tuần trước. Chứng khoán Đức sau khi không được hưởng niềm vui phiên cuối tuần trước do nghỉ lễ, đã vọt tăng mạnh ngay khi bước vào phiên đầu tuần mới để bù đắp lại. Tuy nhiên, cũng giống như phố Wall, áp lực chốt lời xuất hiện sau đó đã kéo các thị trường chứng khoán châu Âu đảo chiều và chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ khi chốt phiên.

Theo dữ liệu mới được công bố, đơn đặt hàng công nghiệp của Đức trong tháng 9 giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 do nền kinh tế khu vực đồng euro tăng chậm và tác động từ những cuộc khủng hoảng địa chính trị. Dữ liệu yếu kém của nền kinh tế lớn nhất châu Âu khiến giới đầu tư kỳ vọng rằng, ECB trước sau gì cũng phải đưa ra gói kích thích kinh tế như FED từng làm. Đây chính là lý do giúp giới đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán khu vực sẽ tăng điểm.

Ngoài ra, việc đồng euro giảm 11% so với đồng USD trong nhiều tuần qua cũng giúp giới đầu tư châu Âu kỳ vọng sẽ có tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Kết thúc phiên 6/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 35,74 điểm (+0,55%), lên 6.563,65 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 13,83 điểm (+0,15%), lên 9.209,51 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 4,78 điểm (+0,11%), lên 4.286,52 điểm.

Báo cáo việc làm khả quan của Mỹ cuối tuần trước, cùng với tình hình biểu tình Hồng Kông có phần lắng dịu giúp chứng khoán châu Á tăng mạnh trong phiên đầu tuần. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng mạnh nhất hơn 1 tháng qua.

Người biểu tình ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã giảm mạnh từ tối trước đó và họ đã dỡ bỏ các rào chắn để cho phép công chức đi làm trở lại. Nhiều trường học và công sở của đặc khu hành chính này đã mở cửa trở lại.

Kết thúc phiên 6/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 182,3 điểm (+1,16%), lên 15.890,95 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 250,48 điểm (+1,09%), lên 23.315,04 điểm. Chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc.

Sau bảng lương phi nông nghiệp được công bố khả quan cuối tuần trước, nhiều dự đoán đã đưa ra rằng FED sẽ tăng lãi suất trước tháng 6/2015 khiến đồng USD tăng vọt lên mức cao hơn 4 năm, đánh dấu tuần tăng thứ 12 liên tiếp và cũng là chuỗi tuần tăng dài nhất trong hơn 40 năm. Tuy nhiên, bước vào đầu tuần giao dịch mới, áp lực chốt lời cũng gia tăng ở đồng bạc xanh khi cuộc biểu tình ở Hồng Kông có dấu hiệu lắng dịu, trong khi ECB không đưa thêm gói kích thích kinh tế như kỳ vọng của giới đầu tư.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần mới, chỉ số USD giảm 1,1%, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ tháng 7/2013. Do với đồng yên Nhật, đồng bạc xanh cũng giảm 0,86%, xuống 108,81 yên. So với đồng euro, đồng USD giảm 1,05%, đến 1,2647 USD đổi 1 euro. Việc đồng USD giảm mạnh đã tác động tích cực lên giá vàng, giúp giá kim loại quý này phục hồi mạnh mẽ sau phiên lao dốc cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 6/10, giá vàng giao ngay tăng 16,10 USD (+1,35%), lên 1.206,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 14,4 USD (+1,21%), lên 1.207,3 USD/ounce.

Cũng giống như giá vàng, việc đồng USD giảm giá mạnh đã hỗ trợ cho giá dầu hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần sau khi giảm tới hơn 4% trong tuần trước.

Kết thúc phiên 6/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,60 USD (+0,66%), lên 90,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,48 USD (+0,52%), lên 92,79 USD/thùng.

Tin bài liên quan