Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng đề xuất nhiều giải pháp phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Một trong những đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng là cần có chính sách, gói hỗ trợ, chương trình xúc tiến riêng đối với các địa phương có thế mạnh về du lịch.
Các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đông kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Đức Thiệm

Các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đông kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Đức Thiệm

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng vừa đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp góp ý với Đề cương Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.

Cụ thể, về chính sách phục hồi sức mua, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong thời gian tới dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, việc thu hút khách du lịch ngoài nước là rất khó khăn.

Vì thế, cần tập trung đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa và triển khai các chương trình xúc tiến du lịch theo quy mô vùng, liên vùng, liên kết trên cơ sở thế mạnh và sự khác biệt sản phẩm du lịch của từng địa phương.

Đặc biệt, đối với Chương trình du lịch Quốc gia năm 2022 và năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm: “Cần có chính sách, gói hỗ trợ, chương trình xúc tiến riêng đối với các địa phương có thế mạnh về du lịch, đặc biệt là 10 địa phương thí điểm về phát triển kinh tế ban đêm theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 24/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, thu hút các nhà đầu tư vào các sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm, tạo điểm nhấn đối với du khách”.

Về chính sách phát triển vùng, đô thị, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Bên cạnh cơ chế chính sách đối với các trung tâm đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, hỗ trợ liên kết vùng giữa các tỉnh Tây nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ, các tỉnh duyên hải Miền Trung (Ninh Thuận, Bình Thuận...) thông qua các tuyến cao tốc kết nối các tỉnh Tây nguyên và kết nối các tỉnh Tây nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ, duyên hải Miền Trung. Qua đó tạo động lực thật sự cho phát triển vùng của khu vực Tây Nguyên”.

Theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, về chính sách phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động, cần đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động, bảo đảm không thiếu hụt lao động khi nền kinh tế phục hồi. Hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động, trang bị kiến thức kỹ năng mới để tăng năng suất lao động, nâng cao tay nghề, trình độ cho công nhân, người lao động phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch Covid-19, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tin bài liên quan