LienVietPostBank: Một vị thế đáng gờm
Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đến cuối năm 2016, LienVietPostBank đứng thứ 13/35 ngân hàng thương mại Việt Nam về quy mô tổng tài sản. Đáng chú ý, đây là một trong số ít ngân hàng có tỷ lệ lãi biên (NIM) cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Cụ thể, NIM năm 2014 là 2,9%, năm 2015 là 3,1%, năm 2016 là 3,5%.
Tính đến 31/8/2017, LienVietPostBank có vốn điều lệ 6.460 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), với tỷ lệ sở hữu 12,54%. Tổng tài sản của Ngân hàng đạt gần 150.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn gần 138.000 tỷ đồng, tổng dư nợ trên 96.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm đạt 1.289 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2017, LienVietPostBank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên có mạng lưới chi nhánh phủ kín tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây cũng là ngân hàng thương mại có mạng lưới rộng lớn nhất tại Việt Nam, với quyền khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện của Vietnam Post. Ngân hàng đặt mục tiêu phát triển mạng lưới phủ sóng 713 quận, huyện trên toàn quốc trong 3 năm tới.
Với kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi đã thông qua cho năm 2017, đặc biệt dự kiến lựa chọn và phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, LienVietPostBank sẽ chủ động trước yêu cầu gia tăng quy mô vốn để đáp ứng chiến lược phát triển, cạnh tranh và mở rộng vị thế trên thị trường cho ít nhất hai năm tới, cũng như sẽ trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vốn hàng đầu Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho biết, hiện nay, Ngân hàng đã khóa “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 25%. Ngân hàng sẽ dành “room” 25% đó để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh, gắn bó và đồng hành lâu dài với sự phát triển của LienVietPostBank.
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank nhận giấy chứng nhận đăng ký giao dịch cổ phiếu LPB
“Tất cả đều nhằm mục tiêu thúc đẩy Ngân hàng nhanh chóng thành công trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, phát triển ngân hàng kỹ thuật số, đưa LienVietPostBank vào tốp đầu ngân hàng hiện đại trên thế giới”, ông Hưởng chia sẻ.
Chính sách cổ tức hấp dẫn
Theo ông Hưởng, những năm trước, LienVietPostBank quan điểm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, nên đã tạm ứng cổ tức cho cổ đông ngay cả khi năm tài chính chưa kết thúc. Quyết định này của Ngân hàng như một sự tri ân, gắn kết các cổ đông đã đồng hành, là hậu phương của LienVietPostBank trong suốt quá trình hoạt động.
“Để chi trả cổ tức như vậy, tất nhiên Ngân hàng đã chủ động trước tình hình và kết quả kinh doanh qua các quý trong năm. Việc chia cổ tức sớm, có lẽ
LienVietPostBank là ngân hàng duy nhất làm được điều đó, nhằm đảm bảo tối đa lợi ích cho cổ đông”, ông Hưởng nói.
Những năm gần đây, nhiều ngân hàng giảm tỷ lệ chia cổ tức, nhưng với
LienVietPostBank, nhờ kết quả kinh doanh năm 2016 tốt hơn, Ngân hàng đã quyết định nâng mức cổ tức từ 8% lên 10%.
“Với triển vọng từ năm 2017, chúng tôi đặt mục tiêu cổ tức những năm tới tối thiểu 12%/năm, phấn đấu để giá trị cổ đông nhận được cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm”, ông Hưởng nhấn mạnh.
Nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ
Tại LienVietPostBank, thời điểm cuối quý II/2017, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, chỉ khoảng 1,3%. Tuy nhiên, nếu tính thêm phần nợ xấu đã bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu là gần 2,6%. Dư nợ đã bán cho VAMC của LienVietPostBank năm 2013 là 358 tỷ đồng, năm 2014 là 1.233 tỷ đồng, năm 2015 là 1.334 tỷ đồng. Từ năm 2016, Ngân hàng không thực hiện thêm việc bán nợ cho VAMC. Với dư nợ xấu đã bán khá thấp này, LienVietPostBank đặt kế hoạch sẽ xử lý xong toàn bộ lượng nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2018.
Điểm nổi bật nhất tại LienVietPostBank trong quản lý và chủ động ứng phó với rủi ro cũng như xử lý nợ xấu là có tỷ lệ dự phòng/nợ xấu ở mức cao. Tỷ lệ này tính đến cuối năm 2016 đạt 112%, trong khi phần lớn các ngân hàng khác phổ biến dưới 70%. Tỷ lệ dự phòng/nợ xấu ở mức cao gắn với sự cải thiện chất lượng tài sản ngân hàng.
“Chúng tôi hoàn toàn chủ động trong việc xử lý nợ xấu, nhưng câu chuyện của nợ xấu không có nghĩa là mất đi, mà với tỷ lệ dự phòng cao, triển vọng hoàn nhập và hạch toán trở lại vào lợi nhuận cũng là một khả năng”, ông Hưởng nói.