Dư địa thị trường tài chính tiêu dùng Việt được nhận định là lớn và nhu cầu khổng lồ về các sản phẩm cho vay nhanh, do đó, tạo áp lực đặt ra cho ngành tài chính tiêu dùng là quá trình số hóa. Theo ông, áp lực này có quá nặng nề khi số hóa được cho rằng là chìa khóa để giúp ngành tài chính tiêu dùng phát triển đúng tiềm năng trong tương lai?
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) |
Nhận định trên là chính xác. Số hóa là áp lực không chỉ với FE Credit, mà với tất cả các công ty tài chính tiêu dùng. Hoạt động của các công tài chính tiêu dùng chủ yếu cho vay tín chấp với các khách hàng dưới chuẩn, phục vụ số lượng khách hàng lớn, mạng lưới bán hàng trải rộng và quy trình xét cấp tín dụng nhanh chóng, do đó việc cải tiến công nghệ là nhu cầu sống còn để phát triễn cũng như tăng trải nghiệm tốt với khách hàng. Khi nói về số hóa là nói về số hóa tài liệu, tự động hóa, áp dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy học… và khi đó số hóa sẽ là một trong những năng lực cạnh tranh chủ đạo, bên cạnh các tính năng ưu việt của sản phẩm, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng… từ việc tiếp cận, ký hợp đồng và chăm sóc khác hàng sau này.
Công nghệ được cho rằng cũng đồng thời mở ra cơ hội cho các công ty tài chính là như nhau. Theo ông, cơ hội giống nhau, liệu thành công có giống nhau hay các công ty tài chính tiêu dùng đều tìm hướng đi khác nhau, tạo sự khác biệt để dẫn đến thành công?
Đúng là công nghệ mang đến cơ hội như nhau cho các công ty tài chính, nhưng theo tôi, mỗi công ty sẽ có mức độ thành công khác nhau bởi phụ thuộc vào văn hóa, quy trình, nguồn lực con người, “sự thích nghi” của tổ chức với công nghệ mới, chiến lược số hóa của ban điều hành, sự hỗ trợ của hội đồng quản trị.
Cũng liên quan đến vấn đề công nghệ, tôi muốn đề cập đến tình trạng hiện nay, “tín dụng đen” nở rộ bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt chúng hoạt động dưới vỏ bọc các công ty công nghệ, phát triển các ứng dụng (app) cho vay. Thậm chí, nhiều khách hàng muốn vay các công ty tài chính chính thống qua app nhưng không thể phân biệt và lựa chọn được app cho vay uy tín. Với việc hoạt động dưới dạng Fintech nên rất khó để quản lý, kiểm soát các app này. Điều đó cũng gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của công ty tài chính. Về mặt dài hạn, có thể dẫn đến những biến tướng khó lường, tạo kẽ hở cho “tín dụng đen” phát triển.
“Tài chính nhúng” đang được đề cập rộng rãi trong các ngân hàng, ông có thể cho biết hoạt động này trong các công ty tài chính đang diễn ra như thế nào?
Hiện nay, tín dụng đen nở rộ bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt chúng hoạt động dưới vỏ bọc các công ty công nghệ, phát triển các ứng dụng (app) cho vay.
Về lâu dài, các tiến bộ công nghệ rõ ràng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của tài chính ngân hàng và tiêu dùng. Hiện nay, ngày càng nhiều công ty tài chính đi theo xu hướng kỹ thuật số bằng cách:
Thứ nhất, thực hiện quy trình không cần giấy tờ - các quy trình thủ công truyền thống rất chậm và tốn kém, vì vậy các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số là nhằm nâng cấp hệ thống nội bộ với các giải pháp thay thế không cần giấy tờ hiệu quả hơn. Các hoạt động chính ở đây là quy trình e-KYC và e-Sign.
Thứ hai, tự động hóa quy trình làm việc - là một phần của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, triển khai một hệ thống, trong đó robot phần mềm thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại, thay vì dựa vào con người và các quy trình thủ công.
Thứ ba, nâng cao dịch vụ dựa trên điện thoại thông minh - ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ được chuyển đến các công ty tài chính hoặc ứng dụng của đối tác.
Thứ tư, trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống AI được đào tạo bằng máy học có thể giúp các nhà cung cấp dịch vụ tài chính xác định các mẫu và tự động thực hiện các biện pháp, chẳng hạn để ngăn chặn các hoạt động gian lận hoặc/và cung cấp sản phẩm phù hợp cho khách hàng.
Thứ năm, triển khai phương pháp tiếp cận đa kênh - nơi khách hàng có thể có quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính thông qua nhiều kênh, trung tâm chăm sóc khách hàng, đại lý, ứng dụng và đối tác.
Dựa trên cơ sở trên, các công ty tài chính có thể triển khai cho vay hoặc như một dịch vụ ngân hàng (tài chính nhúng) để mở rộng quy mô kênh bán hàng của họ. Các trường hợp sử dụng chính là: Hợp tác mua ngay trả sau (dịch vụ trả góp) với các cửa hàng thương mại điện tử và bán lẻ thông thường (kinh doanh CDL); tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng Fintech khác nhau; tự động hóa thanh toán; Hệ sinh thái và các dự án siêu ứng dụng cho phép ngành tài chính xuất hiện ở đa dạng các hoạt động liên quan tới khách hàng, ngay cả ở các ngành phi tài chính.
Theo ông, đâu là thuận lợi và khó khăn khi triển khai “tài chính nhúng” tại các công ty tài chính?
Lợi ích chính của tài chính nhúng cho người tiêu dùng là sự tiện lợi. Ngày nay, mọi người sẵn sàng phân bổ một phần lớn thu nhập của họ để trả tiền cho sự thuận tiện. Đối với các công ty tài chính, điều đó có nghĩa là phải có mặt kịp thời, đúng nơi và đúng thời điểm cần đến dịch vụ tài chính. Hay nói cách khác, khi nhiều khách hàng hơn, chi phí phải thấp hơn, lòng trung thành của khách hàng tốt hơn và kết quả là doanh thu và lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt, thách thức chính là phòng ngừa gian lận và kiểm soát rủi ro.
Nếu đề cập đến một dự báo xa hơn về “tài chính nhúng” trong các công ty tài chính, ông sẽ nói gì?
Tài chính nhúng sẽ tham gia sâu rộng vào nhiều lĩnh vực và mang đến cho các doanh nghiệp những cơ hội mới để tạo ra doanh thu, lợi nhuận, thúc đẩy sự tin tưởng nhiều hơn vào các dịch vụ tài chính sáng tạo, tăng nhu cầu về trải nghiệm tích hợp và dẫn đến việc áp dụng các tiến bộ công nghệ mới.
Theo ông, đâu là giải pháp để các công ty tài chính vận hành hiệu quả hơn trong xu hướng công nghệ hiên nay?
Tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các bộ, ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý, tăng cường, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong các hoạt động tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân thông qua công nghệ.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét tạo điều kiện cho các công ty tài chính được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn, đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng được chính xác, tiết kiệm nguồn lực cho các tổ chức tín dụng cũng như cả xã hội.
Ngoài ra, đề xuất cần phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cho vay qua ứng dụng di động…