Theo BWG, chuyển đổi số tại Việt Nam chưa thực sự quyết liệt do còn e ngại rủi ro pháp lý. Ảnh: Dũng Minh

Theo BWG, chuyển đổi số tại Việt Nam chưa thực sự quyết liệt do còn e ngại rủi ro pháp lý. Ảnh: Dũng Minh

Số hóa tài chính hút sự quan tâm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các vấn đề mà Nhóm Công tác ngân hàng (BWG) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF) vừa tổ chức cho thấy mối quan tâm mới ở lĩnh vực số hóa.

Sớm hoàn thiện pháp lý cho chữ ký điện tử

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam, đại diện BWG cho biết, sự nổi lên của nền kinh tế số tại Việt Nam cùng tác động toàn cầu của đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh yêu cầu phát triển số hóa trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành ngân hàng, trong đó chữ ký điện tử là một trong những công cụ đắc lực nhất phục vụ cho chuyển đổi số.

Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 với mục tiêu tăng cường tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Thế nhưng, trên thực tế, các quy định pháp lý liên quan tới chữ ký điện tử vẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện. Ông Nirukt Sapru nêu dẫn chứng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chỉ quy định đối với chữ ký điện tử an toàn (Điều 22), mà chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các loại chữ ký điện tử khác cũng như các trường hợp được phép sử dụng các loại chữ kỹ điện tử này.

Tương tự, Nghị định 130/2018/NĐ-CP chỉ hướng dẫn về điều kiện chữ ký số là chữ ký điện tử an toàn, mà thiếu đi hướng dẫn về các loại chữ ký số khác cũng như các trường hợp được áp dụng các loại chữ ký số này.

Hay như chữ ký số do bên thứ 3 chứng thực theo quy định là chữ ký điện tử an toàn, nhưng ông Nirukt Sapru cho biết, trong thực tiễn ngân hàng trên toàn cầu, việc sử dụng chữ ký số do bên thứ 3 cung cấp không rộng rãi, vì những lý do an ninh và bảo mật khác nhau hệ thống ngân hàng lõi (core banking) của các ngân hàng được phát triển trên cơ sở sử dụng những loại hình chữ ký điện tử khác trực tiếp giữa ngân hàng và khách hàng, không có chứng thực của bên thứ 3.

Theo ông Nirukt Sapru, chính bởi thiếu hành pháp lý về chữ ký điện tử đã dẫn đến tâm lý e ngại rủi ro, khiến việc triển khai số hóa ngành ngân hàng tại Việt Nam chưa thật sự quyết liệt. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã số hóa quy trình, nhưng vẫn phải in tài liệu ra giấy gửi khách hàng ký tay rồi thu lại sau nên vừa gây lãng phí, vừa có nguy cơ mất mát, thất lạc tài liệu.

Một bất cập khác làm ảnh hưởng tới tốc độ chuyển đổi số của ngành ngân hàng cũng được chỉ ra, đó là sự phân tán trong thẩm quyền giải quyết.

“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 630/QĐ-NHNN hướng dẫn các ngân hàng triển khai các biện pháp xác thực cho các giao dịch điện tử trong ngành ngân hàng, nhưng hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý hoặc hướng dẫn chi tiết của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông để xác định các hình thức xác thực này là những loại chữ ký điện tử”, ông Nirukt Sapru chia sẻ thêm.

Để đáp ứng yêu cầu thực tế trong ứng dụng đa dạng các giải pháp, công nghệ hướng tới số hóa dịch vụ ngân hàng, ông Nirukt Sapru nêu kiến nghị, bên cạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với NHNN và giao quyền cho Ngân hàng Nhà nước đưa ra các hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Tăng tốc cải cách

Phản hồi ý kiến của BWG, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đã có một số quy định pháp lý điều chỉnh các dịch vụ trên cơ sở ứng dụng công nghệ tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành rà soát để sớm sửa đổi, bổ sung các quy định để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có thể nhanh chóng triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh.

“Chúng tôi đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền, trong đó cho phép tổ chức tín dụng được lựa chọn thiết lập quan hệ khách hàng trên cơ sở ứng dụng công nghệ. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN (có hiệu lực thi hành từ ngày 5/3/2021) hướng dẫn mở tài khoản thanh toán cho khách hàng cá nhân không gặp mặt trực tiếp thông qua nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC)”, ông Dũng thông tin.

Đối với chữ ký điện tử, ông Dũng cho biết, trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 130 hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên rà soát, ban hành mới hoặc sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong việc triển khai chữ kỹ điện tử, xác thực bảo mật (Thông tư 35/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên), đảm bảo an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng (Thông tư 18/2018/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng).

Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn trong việc áp dụng các hình thức xác thực ngoài hình thức chữ ký điện tử an toàn của các tổ chức tín dụng, áp dụng các giải pháp về an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, tại Quyết định 630, Ngân hàng Nhà nước đã phân loại các giao dịch và quy định các hình thức xác thực phù hợp tương ứng. Văn bản này đã hỗ trợ đắc lực các ngân hàng trong việc điện tử hóa, số hóa các nghiệp vụ thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

“Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng chữ ký điện tử (chữ ký số) an toàn trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ như quản lý văn bản điều hành, thanh toán điện tử liên ngân hàng, nghiệp vụ thông tin báo cáo, đấu thầu và thị trường mở, dịch vụ công trực tuyến…”, ông Dũng thông tin.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhấn mạnh: “Để đảm bảo hiệu lực pháp lý cao hơn, phạm vi áp dụng được rộng hơn, nội dung về các hình thức xác thực khác ngoài chữ ký điện tử an toàn cần phải nghiên cứu bổ sung trong Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử (đang được Bộ Thông tin - Truyền thông đầu mối tham mưu dự thảo) để đáp ứng nhu cầu phát triển chính phủ điện tử, hoạt động nền kinh tế số và để phù hợp, hỗ trợ chuyển đổi số ngành ngân hàng với hoạt động nghiệp vụ, cung ứng dịch vụ của một số ngành đặc thù như ngành ngân hàng”.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Jacques Morisset cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu do đại dịch, việc khai thác số hóa ngày càng trở nên quan trọng và Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng trên thực tế vẫn có những rào cản. Do đó, bên cạnh đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, Chính phủ cũng cần tăng tốc hơn trong hoạt động cải.

Cũng theo ông Jacques Morisset, cách đây vài tháng, Chính phủ đã ban hành Nghị định cho phép các công ty nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán. Đây là bước đi đúng đắn để đảm bảo phổ cập tài chính, nhưng cần thận trọng.

Ông Nirukt Sapru cho biết, trong 29 vấn đề được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020, có 8 vấn đề liên quan tới thẩm quyền hoặc cần sự phối hợp từ các bộ, ngành khác nhau (bao gồm các vấn đề quan trọng yêu cầu sự chỉ đạo của Chính phủ trong việc phối hợp các bộ ngành làm việc và giải quyết), các vấn đề còn lại đã được Ngân hàng Nhà nước phản hồi, hướng dẫn xử lý hoặc có kế hoạch xử lý trong thời gian tới.

Tin bài liên quan