Số hoá phải được tích hợp vào tất cả các khía cạnh của xã hội

Số hoá phải được tích hợp vào tất cả các khía cạnh của xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bài học từ Thuỵ Điển trong quá trình phát triển kết hợp chuyển đổi số và tăng trưởng xanh được xem là kinh nghiệm cho Việt Nam khi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP theo kịch bản phát triển nhanh, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp hơn ba lần tăng trưởng GDP dự kiến.

Chuyển đổi số là thời cơ cho Việt Nam đột phá trở thành một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, để chuyển đổi số nhanh, thông minh và xanh hơn, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Đó là các vấn đề về quyết tâm chính trị, hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và hạ tầng số.

“Trên thế giới, các chuyên gia đang đánh giá chuyển đổi số như là chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững. Gần đây, khái niệm “Chuyển đổi kép” tức là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh đã được Liên minh Châu Âu đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Dũng Minh

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Dũng Minh

“Trong quá trình xây dựng các chiến lược, Quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Khoa học Công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn” do Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 21/3/2023.

Về vấn đề này, chia sẻ góc nhìn từ quốc gia phát triển, ông David Linden, Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thuỵ Điển (Business Sweden) đã chia sẻ bài học từ Thụy Điển trong quá trình phát triển kết hợp chuyển đổi kỹ thuật số và tăng trưởng xanh. Trong đó, Thụy Điển đã xây dựng các chính sách và bộ thực hành liên quan đến số hóa dựa trên năm trụ cột: năng lực, an ninh, đổi mới, lãnh đạo và cơ sở hạ tầng.

Ông David Linden, Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thuỵ Điển trao đổi tại phiên thảo luận thứ 2. Ảnh: Dũng Minh

Ông David Linden, Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thuỵ Điển trao đổi tại phiên thảo luận thứ 2. Ảnh: Dũng Minh

“Chúng tôi đã bàn rất nhiều về việc trang bị các kỹ năng số cơ bản cho người dân. Do đó, hệ thống giáo dục Thụy Điển luôn xem xét và sửa đổi chương trình giảng dạy để áp dụng các công nghệ mới nhất. Các khóa học lập trình mà tôi đã học ở trường đại học từ những năm 2000 vẫn còn tồn tại, nhưng đã được thay thế bởi các ngôn ngữ và phương pháp lập trình hoàn toàn khác.

Một vấn đề quan trọng khác là tăng tính minh bạch của dữ liệu. Hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn vẫn đòi hỏi thủ tục giấy tờ kết hợp với một phần công nghệ số, gây ra nhiều vấn đề trong việc đồng bộ hóa và tập trung hóa dữ liệu. Để hỗ trợ điều này, cần phải tăng tính rõ ràng về bảo mật dữ liệu. Việc nâng cấp bảo mật dữ liệu sẽ giúp các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ lập kế hoạch rõ ràng và tự tin.

Các hành động cần thiết để cải thiện bảo mật dữ liệu bao gồm tiêu chuẩn hóa và triển khai khuôn khổ bảo vệ dữ liệu giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng; nhấn mạnh bảo mật dữ liệu trong giáo dục; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số để giảm và thu hẹp khoảng cách hạ tầng giữa các tỉnh.

Số hóa phải được tích hợp vào tất cả các khía cạnh của xã hội để tạo ra tác động. Một ví dụ quen thuộc là việc sử dụng thương mại điện tử để tăng mức độ tiếp cận của người tiêu dùng. Ở đây chúng ta đang nói về sự hợp tác của không chỉ người bán, các sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến và các cơ quan chính phủ đang giám sát các hoạt động trực tuyến này mà còn cả các tổ chức giáo dục và hộ gia đình đã tăng cường khả năng tiếp cận kỹ thuật số cho nhiều thế hệ người tiêu dùng”, ông David Linden chia sẻ.

Yêu cầu về chuyển đổi số và chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng xanh là một thách thức rất lớn cho Việt Nam và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.

Về vấn đề này, ông Pavel Poskakukhin, Chủ tịch Tiểu Ban Kỹ thuật số, EuroCham chia sẻ, chuyển đổi kỹ thuật số của các công ty châu Âu chủ yếu được thúc đẩy bởi khả năng tận dụng sự đổi mới trong không gian công nghệ ở các lĩnh vực web 3.0, AI và quan trọng nhất là an ninh dữ liệu để đảm bảo người tiêu dùng được bảo vệ khi họ được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này.

Ông Pavel Poskakukhin, Chủ tịch Tiểu Ban Kỹ thuật số, EuroCham chia sẻ tại phiên thảo luận thứ 2. Ảnh: Dũng Minh
Ông Pavel Poskakukhin, Chủ tịch Tiểu Ban Kỹ thuật số, EuroCham chia sẻ tại phiên thảo luận thứ 2. Ảnh: Dũng Minh

"Với tư cách là Tiểu ban Kỹ thuật số của EuroCham, chúng tôi sẵn sàng làm việc với các bên liên quan khác nhau của Việt Nam trong lĩnh vực này để tìm sự đồng thuận và đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam có thể thành công tại thị trường Châu Âu và ngược lại bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cao và các thông lệ tốt nhất", ông Pavel Poskakukhin cho biết.

Tin bài liên quan