Người dùng ngân hàng số hiện chiếm 90% lượng khách giao dịch tại ngân hàng

Người dùng ngân hàng số hiện chiếm 90% lượng khách giao dịch tại ngân hàng

Số hóa ngân hàng không có điểm dừng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với các ngân hàng, chuyển đổi số là nhu cầu và cũng là giải pháp để tồn tại và phát triển.

Xu hướng không thể đi ngược

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đến chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tài chính - ngân hàng được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cao cho xã hội. Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và hàng loạt chính sách khác. Những kế hoạch này cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số không chỉ đáp ứng nhu cầu người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có tới 95% số ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 80% đang số hóa các nghiệp vụ lõi và gia tăng tuyển dụng lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho các ngân hàng là đến năm 2030, đảm bảo số hóa 70 - 90% các hoạt động ngân hàng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng, chuyển đổi số là một xu hướng không thể đi ngược. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có các chủ trương định hướng. Người dùng ngân hàng số hiện chiếm 90% lượng khách giao dịch tại ngân hàng. Sự cạnh tranh ở môi trường ngân hàng số là đương nhiên. Đây cũng là mục tiêu trọng yếu của nhiều ngân hàng.

Theo ông Tùng, quy mô tín dụng của OCB hiện ở mức trung bình trên thị trường. Do vậy, để thực hiện mục tiêu nằm trong nhóm ngân hàng thương mại tốt nhất thị trường, Ngân hàng không thể phát triển dàn trải. Theo đó, chiến lược của OCB là tập trung phát triển các sản phẩm số và số hóa quy trình toàn diện hoạt động, nằm trong tốp đầu về ngân hàng số.

“Trên môi trường số, các lợi thế về quy mô không còn là điểm mạnh, mà là đổi mới số hóa quy trình, công nghệ”, ông Tùng nhận xét.

Cũng theo Tổng giám đốc OCB, trên môi trường ngân hàng số, khách hàng đã chuyển từ trải nghiệm khác biệt sang giai đoạn mong muốn nhận được nhiều giá trị hơn. Hay nói cách khác, tiện lợi không còn là mục tiêu cuối cùng, mà còn là nhiều giá trị.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank nhận định, chuyển đổi số là chìa khóa, là nhu cầu và là giải pháp để các ngân hàng tồn tại và phát triển. Sự thay đổi về hành vi và thói quen của người tiêu dùng sau 2 năm đại dịch Covid-19 đã dần hình thành một xu hướng số hóa và đang tác động trực diện vào mô hình chuyển đổi, mô hình hoạt động của các ngân hàng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguồn lực và tính sẵn sàng đáp ứng của từng hệ thống mà các ngân hàng lựa chọn, áp dụng mô hình chuyển đổi số sẽ khác nhau.

Với xu thế đó, Nam A Bank tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, tiên phong, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ để mang đến những trải nghiệm vượt trội về tiện ích cho khách hàng, phát triển đa kênh tiếp xúc khách hàng, hệ sinh thái số thông qua các nền tảng giao dịch số, mở rộng kết nối dữ liệu tạo hệ sinh thái OneBank, kết hợp các công cụ bán hàng số hiện đại nhằm hướng đến hoàn chỉnh mô hình tài chính toàn diện, cung cấp dịch vụ tài chính tới khách hàng có nhu cầu tài chính rộng khắp.

Không có điểm dừng

Trên môi trường số, các lợi thế về quy mô không còn là điểm mạnh, mà là đổi mới số hóa quy trình, công nghệ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông

Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết, năm 2022, Ngân hàng đã cho ra mắt ACB One, 95% khách hàng đã chuyển sang giao dịch qua kênh số. Ngân hàng rất tích cực liên kết với các hệ sinh thái số như MoMo hay các đối tác khác, giúp ACB tăng trưởng nhanh hơn. Năm 2022, ACB tăng trưởng 1 triệu khách hàng.

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng khách hàng nhanh hơn. Trong 3 năm tới, ACB sẽ tập trung phát triển khách hàng mới có chọn lọc, định vị các phân khúc phù hợp. Về chuyển đổi số, ACB tập trung vào xây dựng mô hình ngân hàng số chuyên biệt, số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ và cung cấp sản phẩm cho khách hàng. Gần đây, chúng tôi tập trung khá nhiều vào AI và Robot”, ông Phát chia sẻ.

Xác định chuyển đổi số là con đường tốt nhất cho sự phát triển bền vững của ngân hàng, Nam A Bank đã sớm thành lập Ban chuyển đổi số nhằm chỉ đạo và hỗ trợ nhanh chóng các phòng ban trong công tác chuyển đổi số; đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu về công nghệ, sáng tạo. Theo Tổng giám đốc Nam A Bank Trần Ngọc Tâm, chuyển đổi số tại Ngân hàng Nam Á được thực hiện thống nhất và đồng bộ trong vận hành nghiệp vụ nội bộ và dịch vụ, sản phẩm dành cho khách hàng, qua đó hình thành nên hệ sinh thái ngân hàng số hoàn chỉnh, giúp khách hàng có những trải nghiệm liền mạch.

HDBank cũng không ngừng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số bằng việc ứng dụng các công nghệ hàng đầu như eKYC, OCR, RPA, Voicebot, Marketing Automation, Machine Learning... để mang đến nhiều sản phẩm số hóa nổi bật, nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Nhờ đó, chi phí hoạt động được tối ưu, giúp hệ số chi phí/tổng thu nhập (CIR) trong quý I/2023 đạt 34,6% - tốt hơn mức 37,6% của cùng kỳ năm 2022.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của HDBank, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, năm nay là năm bản lề của chiến lược 5 năm (2023 - 2028), hàng loạt chiến lược đi vào thực tế, phát huy hiệu quả sau 2 năm chuẩn bị. Chẳng hạn, chuyển đổi số đã giúp Ngân hàng tiếp cận tệp khách hàng từ các đối tác, với hơn 30 triệu khách hàng tiềm năng.

Theo ông Thanh, năm nay, HDBank chuẩn bị đưa ra nền tảng agent banking, tiếp cận thị trường nông nghiệp - nông thôn rộng lớn, mà hầu hết các ngân hàng chưa phủ tới, dùng đại lý để tiếp cận thông qua app để chuyển đổi khách hàng ở thị trường này.

Từ thực tế trên cho thấy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, giúp các tổ chức ngân hàng bắt kịp xu hướng công nghệ và những thay đổi của thị trường nhanh hơn.

Tại Sacombank, 50% khách hàng hiện là “khách hàng số”. Đây là hệ khách hàng tăng trưởng trên kênh số, sử dụng các dịch vụ ngân hàng số như Internet Banking, Mobile Banking, Sacombank Pay. Số lượng giao dịch trên kênh số của nhà băng này tăng 5 lần trong giai đoạn 2018 - 2022, tức tăng trưởng bình quân 43%/năm. Riêng năm 2022, 97% giao dịch tại Sacombank là các giao dịch số. Sacombank cho biết, sẵn sàng bứt phá về tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tiếp theo dựa trên nền tảng chuyển đổi số.

“Tầm nhìn đến năm 2026, Sacombank đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong nước và của cả khu vực Đông Dương”, Ngân hàng cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số có tốc độ phát triển rất nhanh nếu so giữa giai đoạn trước và sau đại dịch Covid-19. Tuy vậy, trên hành trình số hóa, hệ thống ngân hàng sẽ phải đối mặt với các yếu tố chính về khách hàng, tiềm lực vốn và nguồn nhân lực.

Khách hàng ngày càng có nhu cầu đa dạng và yêu cầu cao hơn cho các trải nghiệm dịch vụ tài chính. Để giữ chân khách hàng, ngân hàng không chỉ đáp ứng tối đa tiện ích của khách hàng, mà còn phải tạo ra những trải nghiệm khác biệt. Theo đó, các ngân hàng đều đẩy mạnh số hóa nên để khẳng định thương hiệu trên thị trường là một trong những thách thức của ngân hàng thương mại. Ngoài ra, việc đầu tư cho công nghệ không phải là “ngày một ngày hai”, đòi hỏi các ngân hàng tập trung nguồn lực cũng như thay đổi tư duy theo yêu cầu mới.

Tin bài liên quan