Bắt nhịp với nền kinh tế số
Kể câu chuyện số hoá doanh nghiệp mình, ông Kao Siêu Lực, CEO ABC Bakery cho biết, trước đây, công ty ông sản xuất dựa vào kinh nghiệm, nên chất lượng sản phẩm và việc vận hành nhà máy không ổn định.
Do đó, công ty đã nghiên cứu lại và áp dụng quy trình thao tác chuẩn để sản xuất (SOP – Standard Operating Procedure) nên vài năm qua, việc sản xuất ở ABC luôn ổn định. Công nghệ này có thể giúp một người thợ mới vào làm việc chỉ cần không tới một ngày là biết hết các quy trình.
Ngoài ra, hệ thống kế toán doanh nghiệp của ABC cũng áp dụng theo SAP (phần mềm hoạch định doanh nghiệp). Trước đây, toàn bộ đơn hàng được fax qua lại và phải nhập dữ liệu thủ công. Hiện nay, tất cả các form được thống nhất, khách đặt hàng hàng gì thì nhân viên copy vào, không phải đánh máy, tránh được sai sót. Áp dụng phần mềm SAP đạt được hiệu quả tốt, chính xác và tiết kiệm nhiều chi phí.
Tương tự, Công ty TNHH Cỏ May cũng áp dụng triệt để công nghệ trong quá trình số hóa doanh nghiệp. Ngoài những công nghệ đã nhập về trước đây như công nghệ siêu tới hạn hoặc công nghệ tách màu trong chế biến gạo, Công ty Cỏ May đang xem xét đầu tư đưa tự động hoá, AI vào chế biến thuỷ sản. Công ty này cũng vừa thành lập Cỏ May Automation để tạo sự bứt phá.
Đánh giá tình hình số hoá của doanh nghiệp tại Hội thảo “Các vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số Việt Nam” mới đây, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp đều ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của Internet và nền kinh tế số tại Việt Nam, đồng thời đảm bảo an ninh dữ liệu và bảo vệ người sử dụng Internet.
“Việt Nam đã tiếp cận đúng hướng, qua đó có thể thu hút đầu tư nhiều hơn, cũng như mở đường cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Thời gian qua, từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp lớn đã bắt nhịp với sự chuyển đổi của kinh tế số”, ông Ousmane Dione nhận xét.
Cần cú huých từ chính sách
Tuy nhiên, theo ông Ousmane Dione, những yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục là câu chuyện chính sách. “Cách mạng 4.0 tác động đáng kể làm chuyển dịch nền kinh tế số trên toàn cầu. Với Việt Nam, nếu điều chỉnh chính sách phù hợp sẽ giúp tăng cường tác động của kinh tế số tới sự phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao chất lượng tăng trưởng”, ông Ousmane Dione nói.
Liên quan tới những hạn chế của chính sách quản lý, bà Nguyễn Ánh Tuyết, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay) cho biết, doanh nghiệp này muốn ứng dụng công nghệ 4.0 như Blockhain, Big data, AI…, nhưng khó khăn gặp phải chính là rào cản pháp lý.
“Các công ty Fintech muốn tồn tại và phát triển phải liên tục áp dụng công nghệ mới, tuyển dụng nhân sự nghiên cứu công nghệ này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công nghệ Blockchain chưa được ứng dụng nhiều, chuyên gia chưa có nhiều “đất diễn”, nên rất khó cho chúng tôi giữ những chuyên gia này làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều quy định ban hành đã lâu không theo kịp sự phát triển, gây cản trở việc đổi mới công nghệ”, bà Tuyết chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, TPBank cũng như nhiều ngân hàng khác đang định hướng phát triển ngân hàng số, vì vậy cơ sở pháp lý rất cần thiết. Nhiều khi tất cả dịch vụ ngân hàng đều là những cái mới, tuy nhiên luật, nghị định ban hành từ lâu, thậm chí mới vài năm đã lạc hậu, không có quy định để áp dụng những công nghệ mới.
Bà Natasha Beschorner, chuyên gia cao cấp về chính sách công nghệ thông tin của WB khẳng định, Chính phủ có vai trò chính trong việc gỡ bỏ các rào cản về kết nối, kỹ năng, thanh toán và logistics để thúc đẩy kinh tế số. Môi trường kiến tạo sẽ quyết định tốc độ và chất lượng phát triển kinh tế số tại Việt Nam và mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Về phía các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số. Những vấn đề đó có thể bao gồm hạ tầng còn yếu kém, khả năng thích ứng chuyển đổi công nghệ kém, kỹ năng phát triển kèm theo còn chưa tương ứng…
“Đứng từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương đánh giá việc xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới”, ông Hưng thông tin.
Kinh tế số của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN
Báo cáo của e-Conomy SEA 2018, do Google và Temasek thực hiện cho thấy, nền kinh tế số của Việt Nam đạt mức 9 tỷ USD trong năm 2018. Xét về quy mô, Việt Nam đang xếp thứ ba trong khu vực ASEAN, sau Indonesia và Thái Lan. Dù đứng thứ ba, nhưng Việt Nam sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể đuổi kịp Indonesia, khi nước này đang bỏ xa về quy mô (gấp 3 lần) lẫn tốc độ tăng trưởng kinh tế số.