Không số hóa sẽ bị đào thải
Khẳng định, “chúng tôi dồn toàn bộ nguồn lực để đầu tư chuyển đổi sang du lịch thông minh. Nếu không chuyển đổi sang du lịch thông minh, chúng tôi sẽ chết”, của ông Ngô Minh Đức (người sáng lập Công ty CP Lữ hành HG) đã khiến nhiều người tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành Thông tin và truyền thông Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Investment Forum 2017 - VIF 2017) phải ngạc nhiên.
HG là một trong 5 công ty du lịch lữ hành lớn nhất Việt Nam, với doanh thu hàng năm hơn 100 triệu USD. Trước ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ số, với sự phổ cập của thiết bị đầu cuối là smartphone, hiện có 25% kinh doanh du lịch trên nền tảng online. HG phải “rẽ lái” sang OTA (Online Travel Agency - đại lý du lịch trực tuyến thanh toán giao dịch thông qua online).
Có hai lý do cho sự chuyển đổi số, theo ông Đức, hiện thị phần đặt phòng trực tuyến tại các khách sạn ở Việt Nam đang tăng nhanh, chiếm 30 - 40%, thậm chí, có thời điểm lên đến 80 - 90% tổng lượng khách ở mỗi khách sạn, nhưng 80% thị phần đặt phòng trực tuyến rơi vào tay Agoda và Booking. Họ mua cao bán rẻ, không phải đóng thuế, chuyển lợi nhuận về nước, nên doanh nghiệp du lịch Việt không thể cạnh tranh nổi.
Thứ hai, theo Google và Temasek - cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của Chính phủ Singapore, cũng đưa ra dự đoán thị trường du lịch trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ đạt doanh thu 90 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, Việt Nam chiếm khoảng 10% (tương đương 9 tỷ USD).
Đáng chú ý, 85% dòng tiền sẽ được chảy vào dịch vụ đặt phòng khách sạn và vé máy bay. Nếu không nhanh chóng gia nhập du lịch thông minh, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài nuốt mất miếng bánh có “kích cỡ” 9 tỷ USD.
Ngành tài chính trước làn sóng Fintech
Cũng như du lịch, thị trường thanh toán điện tử Việt Nam (Fintech) đang đầy tiềm năng. Theo các báo cáo của Liên hợp quốc và Banknet, dung lượng thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam lên tới 35 tỷ USD, với những khoản chuyển tiền nhỏ hơn 5 triệu đồng/năm. Đây thực sự là mảnh đất màu mỡ của Fintech.
Trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ thông tin - truyền thông nước ngoài, năm 2016, tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp thông tin đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,789 tỷ USD.
Cơ hội đang rộng mở cho các doanh nghiệp công nghệ Việt trong việc xây dựng Fintech, hợp tác cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng Việt Nam, trước khi có sự gia nhập, thâu tóm của các đối tác ngoại.
Chung tay tạo hệ sinh thái số
Phát biểu tại Hội nghị VIF 2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát lại các quy định để tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Tiếp theo việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Chính phủ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong đào tạo nhân lực CNTT. Gần đây các hiệp hội đã phối hợp các bộ đề ra chương trình đào tạo đặc biệt về nhân lực CNTT, cho phép các quy định có tính đặc thù như khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cùng các cơ sở đào tạo để sát với thực tế hơn, rút ngắn thời gian đào tạo.
Cùng với môi trường hoạt động và nguồn nhân lực, trong nền kinh tế số, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành triển khai các dự án cụ thể để tập hợp nguồn dữ liệu trở thành tài nguyên chung cho cả xã hội cùng khai thác.
"Tôi mong rằng, các nhà đầu tư, các bạn trẻ đang theo dõi tình hình kinh tế đất nước chung tay cùng nhau tạo lập hệ sinh thái có nhiều ưu điểm mà chúng ta chưa làm được. Chỉ bằng việc đó, chúng ta mới có lòng tự tin để nắm bắt được những cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại. Mong rằng, sau Hội nghị này sẽ có nhiều dự án đầu tư cả về sản xuất và ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực được các nhà đầu tư, tổ chức, mạnh dạn dấn thân", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng.