Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, trong năm học 2013 - 2014, các DNBH bán được khoảng hơn 100 tỷ đồng bảo hiểm cho học sinh, sinh viên

Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, trong năm học 2013 - 2014, các DNBH bán được khoảng hơn 100 tỷ đồng bảo hiểm cho học sinh, sinh viên

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội can thiệp mua bảo hiểm?

(ĐTCK) Công văn số 7198/SGD&ĐT-HSSV của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, do ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên ký vừa gây tranh cãi khi bị cho là “can thiệp mua bảo hiểm”.

Chỉ 4 DNBH được bán bảo hiểm cho học sinh Hà Nội?

Trong công văn gửi phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã cùng các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác bảo hiểm học sinh năm 2014 - 2015 mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã có màn “gợi ý” DNBH cung cấp bảo hiểm tự nguyện.

Trong đó, cơ quan này đề nghị các đơn vị giáo dục “chỉ nên tham gia bảo hiểm với các công ty có uy tín, đủ điều kiện hoạt động và có hướng dẫn đã được Sở ký triển khai trong năm 2014 - 2015”. Danh sách DNBH được Sở gợi ý để các đơn vị mua bảo hiểm chỉ có 5 đơn vị thuộc 4 DNBH là Bảo Việt Hà Nội, PJICO Hà Nội, Bảo Minh Thăng Long, Bảo Minh Hà Nội và BSH.

Sẽ là bình thường nếu công văn kể trên chỉ dừng ở vế “đề nghị các đơn vị chỉ nên tham gia bảo hiểm với các công ty có uy tín, đủ điều kiện hoạt động”. Thế nhưng, việc chỉ đích danh 5 đơn vị ở vế sau đó đã gây tranh cãi khi gây “khó” cho các đơn vị thuộc 25 DNBH phi nhân thọ còn lại.

Các DNBH cho biết, do có công văn kể trên mà họ không thể tiếp cận các trường tại địa bàn Hà Nội để bán bảo hiểm học sinh, sinh viên tự nguyện. Trong khi đó, theo thống kê, tính riêng trên địa bàn Hà Nội, năm học 2013 - 2014, các DNBH bán được khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Khái niệm về uy tín, “đủ điều kiện hoạt động” cũng khiến các DNBH cho là bị “tổn thương” bởi nghiệp vụ này hầu hết được các doanh nghiệp triển khai. Các nghiệp vụ này đều đang được giám sát chặt chẽ bởi Bộ Tài chính, nên đương nhiên “đủ điều kiện hoạt động”.

Có thể vi phạm cả Luật Kinh doanh bảo hiểm lẫn Luật Cạnh tranh

Không thể phủ nhận, trong nhiều năm qua, các sở giáo dục và đào tạo trong cả nước, trong đó có Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, đã nỗ lực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, sinh viên hiểu được tính nhân văn, cộng đồng của chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.

Ngay tại công văn “can thiệp” kể trên, với riêng loại hình sản phẩm bảo hiểm tự nguyện, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng đề nghị các nhà trường cùng các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn đơn vị bảo hiểm để tuyên truyền hướng dẫn học sinh tham gia với tinh thần tự nguyện, không ép buộc, phù hợp với thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, việc gợi ý đích danh một số DNBH bán bảo hiểm lần này đã gây tranh cãi.

Tháng 8 năm ngoái, việc áp dụng các biện pháp hành chính mang tính áp đặt mua bảo hiểm tại một số DNBH được chỉ định từng diễn ra, dẫn đến đơn thư phản ánh lên Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).

Trước thực tế trên, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi các DNBH phi nhân thọ và nghiêm cấm DNBH sử dụng các biện pháp hành chính như văn bản hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, công văn liên tịch giữa sở giáo dục và đào tạo với các DNBH… có tính chất áp đặt, can thiệp mua bảo hiểm. Đồng thời, Cục cũng đề nghị các đơn vị thành viên trên toàn hệ thống nghiêm túc thực hiện và phát hiện, chấn chỉnh kịp thời vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả xử lý về Bộ Tài chính.

Việc sử dụng biện pháp áp đặt để bán bảo hiểm kể trên được Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm khẳng định là vi phạm quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Cạnh tranh.

Muốn “vào” thì phải “báo cáo”

ĐTCK có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Tuấn qua điện thoại hôm 20/8, trong đó có đặt câu hỏi về việc trước khi ra Công văn số 7198 kể trên, liệu Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội có biết pháp luật hiện hành là Luật Cạnh tranh cũng như Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định nghiêm cấm những hành vi can thiệp mua bảo hiểm.

Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn khẳng định, trước khi ra công văn, Sở đã có sự tư vấn pháp lý.

“Có thể Công văn số 7198 khiến người đọc chưa hiểu hết, nhưng có thể thấy rõ tại văn bản này, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội không hề có bất kỳ một câu chữ nào liên quan đến việc cấm DNBH bán bảo hiểm học  sinh - sinh viên tự nguyện. Mà ngược lại, Sở lúc nào cũng sẵn sàng trải thảm đỏ cho những đơn vị như DNBH mang lợi cho học sinh - sinh viên”, ông Tuấn nói.

Vị trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên này cho biết thêm, việc chỉ có 5 đơn vị trên trong công văn là do tính đến thời điểm ra công văn (ngày 23/7/2014) thì mới có 5 đơn vị trên đến gặp Sở để báo cáo về việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm học sinh, sinh viên tự nguyện cho các đơn vị giáo dục trên địa bàn Hà Nội. Còn sau thời điểm 23/7, đã có thêm 2 - 3 đơn vị bảo hiểm khác đến Sở báo cáo thì vẫn được “vào” bình thường.

“Nếu các đơn vị bảo hiểm đã báo cáo Sở mà không được ‘vào’ thì hãy có ý kiến; còn nếu chưa gặp thì không nên ngồi đó có ý kiến. Thay vào đó, nếu muốn bán bảo hiểm thì hãy lên gặp Sở và cung cấp các thông tin liên quan, chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng khẳng định, sự “vào” này cũng giống như việc các đơn vị khi đến liên hệ làm việc với các cơ quan quản lý khác như Sở cần giấy giới thiệu theo kiểu “chợ nào cũng cần có người gác cổng, anh vào trên đất người ta thì phải báo cáo”, chứ không thể có chuyện vào tự do được. Tất cả là để làm tốt hơn khâu quản lý, chứ không có chuyện tư lợi.

Luật Cạnh tranh: Cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau: buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định..; phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường;

Luật Kinh doanh bảo hiểm: Nghiêm cấm các hành vi sau: các tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn DNBH; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia bảo hiểm…

Nghị định 98/2013/NĐ-CP: Phạt 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi can thiệp trái pháp luật vào việc lựa chọn DNBH, lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; phạt 60 - 70 triệu đồng đối với hành vi cấu kết giữa DNBH với bên mua bảo hiểm nhằm phân chia thị trường, khép kín dịch vụ bảo hiểm.

Tin bài liên quan