Từ chuyện hội nhập của ngành dệt may…
Trong vài năm vừa qua, dệt may được coi là ngành nghề mũi nhọn khi Việt Nam mở rộng ký kết các FTAs với mức tăng trưởng xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Năm nay, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD và riêng quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu ngành này đã đạt 7,3 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, hai thị trường trọng yếu mà ngành dệt may xuất khẩu sang nhiều nhất là Mỹ và Nhật Bản. Quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ đạt 2,14 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 46,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may của cả nước. Thị trường giữ vị trí thứ hai là Nhật Bản chiếm 12,6%, đạt gần 578 triệu USD, tăng 7,6%; các thị trường khác như EU, Hàn Quốc cũng tăng mạnh.
Hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chỉ chiếm 4,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 206,17 triệu USD, nhưng tăng 51,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý nhất là xuất khẩu sang thị trường Ghana, Angola, Nigeria, Ai Cập và Lào dù chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng đã tăng đột biến so với cùng kỳ. Song, xuất khẩu hàng dệt may sụt giảm mạnh ở các thị trường như Hungary, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Kể từ năm 2019, ngành dệt may Việt Nam còn hưởng lợi quan trọng khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực.
Tiếp sau WTO, CPTPP không chỉ là hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất của Việt Nam bởi tầm vóc quy mô, mà còn về độ sâu cam kết xóa bỏ hàng rào thuế quan, đơn giản hóa các thủ tục, thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn để hoạt động kinh doanh và cải thiện thể chế, giúp tăng cường giao thương, phát triển kinh tế.
Hiệp định này tạo ra một không gian giao thương tự do trong 11 quốc gia, quy mô dân số gần 500 triệu người, tổng GDP vượt 10.000 tỷ USD, quy mô giao dịch thương mại gần 5.000 tỷ USD. Theo kết quả nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp GDP tăng 1,32%, xuất khẩu tăng hơn 4% và nhập khẩu thêm 3,8% đến năm 2035.
Với ưu đãi từ CPTPP, nhiều ngành hàng trong đó có dệt may sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới. Đơn cử, với thị trường Canada, toàn bộ mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm. 42,9% kim ngạch xuất khẩu vào Canada có thuế 0% năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ 4. Thuế nhập khẩu của hàng dệt may vào Mexico và Peru được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16.
Ước tính, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2025 sẽ đạt 50 tỷ USD, tăng gần gấp đôi năm 2015 với 27 tỷ USD.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt trên 36 tỷ USD, trong đó thặng dư thương mại đạt 7,5 tỷ USD. Đây được coi là lợi thế lớn của ngành dệt may trong giai đoạn hiện nay.
Một trong những nội dung của CPTPP là xóa bỏ 95 - 98% các dòng thuế quan, các dòng thuế còn lại cắt giảm theo lộ trình 5 - 7 năm. Đây được xem là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển và kim ngạch xuất khẩu của dệt may và da giày.
Hiệp định cũng tạo lực hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo VITAS, dòng vốn đầu tư từ FDI và khu vực trong nước có xu hướng gia tăng. Cụ thể, doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Hưng Yên và một số tỉnh để sản xuất chỉ và phụ kiện dệt may, doanh nghiệp từ Isarel đầu tư vào Phù Cát, Bình Định, doanh nghiệp Đức đầu tư vào Đà Lạt...
Đại diện một công ty dệt may nhận định, thị trường lao động trong ngành dệt may sẽ gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Khi thuế suất giảm, hàng hóa xuất khẩu sang các nước sẽ tăng, nhu cầu về lực lượng lao động tăng cao, kéo theo chất lượng lao động tốt hơn, tạo đà cho doanh nghiệp dệt may tăng trưởng.
Cơ hội lớn, nhưng chưa dễ để hái quả ngọt
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra cách đây không lâu, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, các hiệp định thương mại và đặc biệt CPTPP là "xương sống" của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, "xương sống không lôi được cả cơ thể" nếu thiếu nền tảng. Cơ hội để chúng ta vượt lên rất cao, nhưng thách thức của các nước khác với ta cũng rất lớn.
Hàng dệt may được đánh giá là ngành được CPTPP ‘chăm sóc’ đặc biệt về các quy định trong quy tắc xuất xứ, thông qua việc dành hẳn một chương riêng trong bản nội dung của Hiệp định. Thường thì với các FTA khác, chỉ cần các doanh nghiệp dệt may Việt làm 1 hoặc 2/3 công đoạn sản xuất ra thành phẩm như tạo xơ, xe sợi - dệt hay hoàn thiện vải – cắt may thì hàng hóa đó đã được công nhận có xuất xứ từ Việt Nam, nhưng với CPTTP, các doanh nghiệp Việt phải tự làm hết cả 3 công đoạn, bắt đầu từ sợi.
Tuy phát triển nhanh trong những năm qua, nhưng dệt may Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong đó, số liệu thống kê cho thấy hơn 99% bông được nhập khẩu. Xơ sợi tuy sản xuất được 2,2 triệu tấn, song nhập khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Về vải, Việt Nam phải nhập đến trên 80%, chủ yếu không phải từ các nước CPTPP.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính riêng trong quý đầu năm 2019, quý đầu năm 2019 lượng bông nhập từ các thị trường đều tăng trưởng, trong đó đặc biệt nhập từ thị trường Achentina tăng đột biến, gấp 12,16 lần về lượng (tương ứng 1116,45%) và gấp 13,08 lần về trị giá (tương ứng 1208,88%), tuy chỉ đạt 4,7 nghìn tấn, trị giá 8,38 triệu USD, giá nhập bình quân tăng 7,6% đạt 1772,82 USD/tấn.
Ngoài thị trường Agentina, Việt Nam còn tăng mạnh nhập từ thị trường Indoensia với mức tăng gấp 4,2 lần về lượng (tương ứng 318,31%) và gấp 3,5 lần về trị giá (tương ứng 246,76%) đạt 4.200 tấn, trị giá 4,25 triệu USD, mặc dù giá nhập bình quân giảm 17,1% với 1011,45 USD/tấn.
Bên cạnh đó, lượng bông được nhập từ các thị trường Pakistan và Trung Quốc cũng tăng mạnh đều gấp trên 2 lần so với cùng kỳ 2018.
Tăng mạnh về lượng nhập khẩu do nhu cầu sản xuất trong nước gia tăng, tuy nhiên một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là việc giá bông, sợi thế giới liên tục biến động theo chiều hướng tăng trong thời gian gần đây do nguồn cung suy giảm cũng như những diễn biến khó lượng xung quanh căng thăng thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Diễn biễn giá bông thế giới
Thống kê của Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho thấy, từ đầu năm trở lại đây, giá bông nhập khẩu liên tục biến động. Năm 2018 giá bông nhập khẩu đã tăng 30%, lên tới 92 USD cent/pound trong khi đó năm 2019 dự báo mức biến động của giá bông sẽ không dưới 30%.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc của một Công ty cổ phần Dệt may đang niêm yết trên sàn cho biết, giá bông biến động gây ra nhiều bất lợi cho hầu hết các doanh nghiệp.
Giá lên nhanh nhưng hàng bán ra lại bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá, dẫn đến việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong bài toán lãi lỗ. Trong khi đó, sản xuất thì phải theo kế hoạch, nên chỉ những đơn vị nào tính toán tốt, mua đúng kế hoạch thì giảm được rủi ro hoặc doanh nghiệp tính được chu kỳ, thời vụ của mặt hàng bông để chớp thời điểm mua phù hợp thì cũng hạn chế được rủi ro từ giá bông.
"Trước biến động bất thường của thị trường hàng hóa thế giới, doanh nghiệp đang phải xây dựng bài toán quản lý rủi ro bằng các công cụ phái sinh để có thể tự bảo vệ mình. Việc sử dụng hình thức mua "on-call", tức chốt lượng bông không ấn định giá không còn điểm lợi khi giá vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó hình thức chọn mua cố định giá cũng không ổn vì chưa rõ giá có thể xuống bất kỳ lúc nào trong năm nay", vị doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, trên thực tế, việc các doanh nghiệp không tham gia phái sinh hàng hóa là một sự bất lợi, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi các biến động bất thường chính trị thế giới thường khó đoán định.
Trong khi đó, phái sinh hàng hóa lại là một công cụ bảo hiểm rủi ro về giá rất tốt. Sau khi Nghị định 51/2018/NĐ-CP ra đời, việc giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch đã thuận lợi hơn rất nhiều khi có kết nối với các Sở quốc tế. Vì thế, các doanh nghiệp nên có sự chủ động trong việc đa dạng hóa các công cụ phòng ngừa rủi ro cho mình.