Lãnh đạo Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội dự lễ đánh cồng khai Xuân 2016 tại sàn HNX

Lãnh đạo Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội dự lễ đánh cồng khai Xuân 2016 tại sàn HNX

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - khát vọng vươn tầm

(ĐTCK) Ngày 8/3/2005, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HaSTC) khai trương với hoạt động đầu tiên là tổ chức các phiên đấu giá cổ phần, góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. 

4 tháng sau đó, ngày 14/7/2005, HaSTC khai trương sàn giao dịch chứng khoán thứ cấp với 6 cổ phiếu niêm yết ban đầu. Từ đó đến nay, HaSTC liên tục phát triển mạnh mẽ, trở thành sở giao dịch chứng khoán hiện đại, cùng lúc quản lý và vận hành 3 thị trường: cổ phiếu niêm yết, UPCoM, trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc, sắp tới là thị trường chứng khoán phái sinh.

Các thị trường tại HNX phát triển nhanh, bền vững

Quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) liên tục tăng, hiện có 377 doanh nghiệp niêm yết với tổng giá trị niêm yết gần 110.000 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường tăng từ 3,7 tỷ đồng/phiên trong thời kỳ đầu lên 500 - 600 tỷ đồng/phiên, có nhiều phiên đạt giá trị giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng.

Thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX đã giúp các doanh nghiệp huy động được hơn 73.000 tỷ đồng vốn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn mặt bằng lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.

Cùng với phát triển quy mô thị trường, HNX tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, bởi theo HNX, đây là các yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán. Một trong những hoạt động nâng cao chất lượng hàng hóa là thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết hướng tới công bố thông tin minh bạch và quản trị công ty tốt. Chương trình thường niên “Đánh giá công bố thông tin và minh bạch HNX” đã được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đánh giá là thể hiện đúng chiến lược của cơ quan quản lý nhà nước, giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và hiểu biết về các thông lệ quản trị công ty tốt, góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty. Bên cạnh đó, HNX xây dựng hệ thống công bố thông tin tự động (CIMS) để các doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch tự giác công bố thông tin. Đến nay, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã phối hợp với HNX mở rộng “sản phẩm” này đến các doanh nghiệp nhà nước.

Về thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM), thị trường này được HNX đưa vào vận hành từ ngày 24/6/2009, với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có sự quản lý của Nhà nước. UPCoM dần dần quy tụ cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư.

Đến nay, UPCoM đã có 354 công ty đăng ký giao dịch, với tổng giá trị đăng ký giao dịch hơn 87.000 tỷ đồng, quy mô thị trường đạt gần 133.000 tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với cuối năm 2009. Các doanh nghiệp trên UPCoM đa dạng về ngành nghề và quy mô vốn, trong đó có nhiều công ty quy mô vốn lớn, hoạt động hiệu quả. Thanh khoản của thị trường những năm gần đây cũng được cải thiện đáng kể, với giá trị giao dịch 9 tháng đầu năm 2016 đạt 121,3 tỷ đồng/phiên so với con số 4 tỷ đồng/phiên thời kỳ đầu.

Có được kết quả trên một phần là nhờ HNX thường xuyên cải tiến UPCoM để tăng tính hấp dẫn nhà đầu tư, chẳng hạn thay đổi phương thức giao dịch từ thỏa thuận sang khớp lệnh liên tục, nới biên độ dao động giá, phân bảng giao dịch thành 2 khu vực: UPCoM Premium và Bảng cảnh báo nhà đầu tư.

Tuy nhiên, UPCoM có sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô phải kể đến sự hậu thuẫn rất lớn của các chính sách khi Chính phủ chủ trương đưa cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa lên giao dịch tập trung. Theo đó, UPCoM là 1 trong 3 lựa chọn cho các doanh nghiệp này lên sàn. Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, tất cả các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM, niêm yết trên HOSE hoặc HNX. Đặc biệt, với quy định mới tại Thông tư 115/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, gắn đăng ký đấu giá đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCoM theo cơ chế tự động đăng ký giao dịch, UPCoM có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đối với thị trường trái phiếu chính phủ, xuất phát từ ý tưởng cần một thị trường giao dịch cho trái phiếu ngay sau khi đấu thầu nên từ ngày 1/7/2006, khi hoạt động đấu thầu được tập trung tại HNX theo Quyết định số 2276/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, HNX đã học hỏi nhiều kinh nghiệm thế giới về tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ, trong đó đề cao vai trò quản lý nhà nước, mục tiêu phát huy tối đa tính hiệu quả phục vụ đầu tư phát triển của đất nước cũng như đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Chính vì vậy, việc tổ chức đấu thầu và giao dịch thứ cấp tập trung tại sở giao dịch chứng khoán với các giải pháp tiên tiến, linh hoạt, thúc đẩy thanh khoản thị trường, tập trung thông tin về một đầu mối để phục vụ quản lý điều hành... đã được Bộ Tài chính, UBCK, các bộ, ban ngành đánh giá cao, được thị trường đặc biệt ủng hộ.

Ngày 24/9/2009, HNX khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu chính phủ chuyên biệt, đáp ứng được các yêu cầu đặc thù của giao dịch trái phiếu Chính phủ, phù hợp với định hướng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam và các thông lệ quốc tế.

Trên thị trường sơ cấp, giá trị phát hành trái phiếu qua đấu thầu có tốc độ tăng trưởng bình quân 67,5%/năm giai đoạn 2010 - 2015. Phát hành trái phiếu chính phủ qua đấu thầu tại HNX đã trở thành kênh huy động vốn chủ đạo cho ngân sách nhà nước, chiếm 98% tổng số vốn huy động từ phát hành trái phiếu của Kho bạc Nhà nước, 100% số huy động từ trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức lãi suất phát hành luôn thấp hơn lãi suất huy động của ngân hàng thương mại từ 1 - 2%/năm, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, góp phần bình ổn mặt bằng lãi suất và lạm phát. Giá trị huy động vốn qua đấu thầu hai năm qua, 2014 và 2015, đạt lần lượt 18% và 19,7% so với tổng mức đầu tư toàn xã hội.

Trên thị trường thứ cấp, tại thời điểm cuối tháng 9/2016 có 546 mã trái phiếu niêm yết, với giá trị niêm yết hơn 915.000 tỷ đồng, tăng 50 lần so với cuối năm 2006. Quy mô giao dịch cũng tăng mạnh mẽ qua các năm. Năm 2015, tổng giá trị giao dịch trái phiếu đạt hơn 906.000 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với năm 2010. Giá trị giao dịch bình quân từ mức 370 tỷ đồng/phiên năm 2010 lên mức 1.668 tỷ đồng/phiên năm 2013, mức 3.643 tỷ đồng/phiên năm 2014 và 6.478 tỷ đồng/phiên năm 2016.

Thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam được đánh giá là thị trường trái phiếu phát triển hanh nhất khu vực Đông Á và ASEAN giai đoạn 2010 - 2015.

Về hoạt động đấu giá cổ phần, ngay từ những ngày đầu, HNX đã xây dựng phần mềm đấu giá áp dụng cho cả 2 sàn giao dịch ở hai đầu đất nước. Hệ thống liên tục được nâng cấp, có thể đảm nhiệm các cuộc đấu giá có quy mô hàng trăm nghìn người, mở rộng tính năng đấu giá cổ phần sang đấu giá các sản phẩm tài chính khác như trái phiếu chuyển đổi, quyền mua… Mô hình đấu giá đã được HNX chuyển đổi từ một cấp sang hai cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đại lý và nhà đầu tư tham gia đấu giá.

Nhiệm vụ quan trọng của HNX năm 2017 là tổ chức vận hành TTCK phái sinh an toàn, hiệu quả 

Nâng cấp hệ thống công nghệ “Made in Việt Nam” hiện đại tương đương khu vực

Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao dịch phục vụ thị trường luôn được HNX chú trọng đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường trong từng giai đoạn. Được sự ủng hộ của UBCK và nỗ lực, quyết tâm của các cán bộ HNX, hệ thống phần mềm “Made in Việt Nam” liên tục được đầu tư, nâng cấp. Trong suốt 11 năm vận hành, để đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của nhà đầu tư, HNX luôn duy trì một sợi dây liên kết mạnh mẽ với đơn vị phần mềm trong nước trong việc nâng cấp hệ thống giao dịch, tăng cường năng lực xử lý của hệ thống, cho phép nhà đầu tư giao dịch ngày càng thuận tiện và nhanh chóng.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - khát vọng vươn tầm ảnh 2

Lãnh đạo 10 sở giao dịch chứng khoán (GDCK) ASEAN cùng hội tụ tại Hà Nội, tham dự sự kiện Hội nghị các CEO sở GDCK khu vực vào ngày 7-8/10/2016 do HNX chủ trì 

Nhà đầu tư từ chỗ phải đến công ty chứng khoán để đặt lệnh đã có thể giao dịch từ xa và hiện nay là giao dịch trực tuyến qua Internet. Sau 5 lần nâng cấp, hệ thống giao dịch cổ phiếu tại HNX áp dụng công nghệ xử lý khớp lệnh trên memory đã tăng năng lực xử lý của hệ thống lên 20 - 30 triệu lệnh/phiên, tương đương với hệ thống của các sở giao dịch chứng khoán phát triển trong khu vực, tốc độ xử lý lệnh đạt 15.000 - 20.000 lệnh/giây.

Trên thị trường trái phiếu, HNX đã đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu chính phủ trực tuyến trên Internet (E.BTS) và hệ thống đấu thầu trái phiếu điện tử trên Internet (E.ABS). Hai hệ thống này không chỉ kết nối HNX với thành viên thị trường, cơ quan quản lý mà còn mở rộng kết nối đến tận nhà đầu tư, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tạo sự đột phá về khối lượng đấu thầu, giao dịch, đáp ứng bước phát triển mới trên thị trường trong thời gian tới.

HNX có thể tự hào khi vươn lên làm chủ về hệ thống và công nghệ. Đó cũng là bản sắc riêng của HNX - sở hữu một hệ thống công nghệ của người Việt Nam, do người Việt Nam thiết kế và phục vụ cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới

Từ năm 2009, thêm hai thị trường được vận hành song song với thị trường cổ phiếu niêm yết trên HNX là thị trường trái phiếu chính phủ và UPCoM, góp phần tạo nên một cấu trúc toàn diện hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Không dừng lại ở đó, HNX đã chủ động nghiên cứu, đề xuất triển khai nhiều sản phẩm mới nhằm hỗ trợ tối đa cho công chúng đầu tư, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là các cải tiến về thời gian giao dịch, phương thức giao dịch, hoàn thiện bộ chỉ số HNX, ra mắt sản phẩm giao dịch mới là chứng chỉ quỹ ETF, góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán, mở ra cơ hội đầu tư mới cho thành viên thị trường và công chúng đầu tư cũng như phù hợp xu thế phát triển của thị trường tài chính thế giới.

Trên thị trường trái phiếu cũng có nhiều cải tiến, trong đó phải kể đến việc đưa tín phiếu Kho bạc vào giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch trái phiếu chính phủ từ tháng 8/2012 sau 17 năm phát hành sơ cấp, là một nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý, góp phần tạo nên thị trường trái phiếu chính phủ thống nhất giữa kỳ hạn ngắn với kỳ hạn dài, tập trung thông tin về thị trường. Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ, Bộ chỉ số trái phiếu chính phủ được HNX xây dựng đã trở thành những chỉ báo, tham chiếu quan trọng cho cơ quan quản lý, tổ chức phát hành và công chúng đầu tư.

Bên cạnh đó, công tác phát triển sản phẩm, dịch vụ và tiện ích phục vụ thành viên thị trường và nhà đầu tư được HNX tích cực triển khai trong suốt thời gian qua. Hệ thống chỉ số, chỉ báo thị trường đến nay đã hoàn thiện, bắt đầu với Đường cong lãi suất ra mắt tháng 3/2013, Bộ chỉ số trái phiếu (Bond Index) của Kho bạc Nhà nước với nhiều kỳ hạn khác nhau vào tháng 1/2015. Hai hãng thông tin quốc tế Bloomberg và Reuters đều cung cấp thông tin về hệ thống chỉ báo này dưới tên gọi “VN Bond Yield Curve” và “VN Bond Index” cho các nhà đầu tư quốc tế theo dõi. Kho bạc Nhà nước và HNX cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu. Kỳ hạn 7 năm, 20 năm, 30 năm đã lần lượt được phát hành và đạt kết quả đấu thầu tốt, với nhiều sản phẩm mới như trái phiếu có kỳ trả lãi dài (long-coupon bond), trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero coupon bond).

Để hoàn chỉnh cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển bền vững của các thị trường chứng khoán cơ sở, UBCK và Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và UBCK, HNX đã tích cực chuẩn bị hành lang pháp lý và xây dựng hạ tầng hệ thống để có thể sẵn sàng cho việc triển khai sản phẩm phái sinh trên chỉ số cổ phiếu và phái sinh trái phiếu vào đầu năm 2017.

Có thể nói, thời gian 11 năm hoạt động chưa phải là một chặng đường dài, nhưng là quãng thời gian để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Những kết quả mà HNX đạt được đã đóng góp và tạo cơ sở nền tảng cho một giai đoạn phát triển tiếp theo của thị trường chứng khoán Việt Nam, giai đoạn phát triển theo chiều sâu, quy mô, hiện đại và bền vững hơn. Với những kết quả đạt được trong quá trình hoạt động, HNX vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND thành phố Hà Nội, trong đó có Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2014, Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2015.    

Cần đột phá về tư duy và cả sự bao dung với TTCK

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - khát vọng vươn tầm ảnh 3

TSKH Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội 

Trong giai đoạn 5 năm tới, 2016-2020, việc phát triển thị trường chứng khoán sẽ vẫn thực hiện giải pháp được đề cập tại Quyết định 252/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài các giải pháp vĩ mô, chúng tôi cho rằng, cần gắn chặt sự phát triển của thị trường chứng khoán vào quá trình trình cải cách thể chế, tái cơ cấu để phát triển nền kinh tế. Thị trường chứng khoán không chỉ là kênh dẫn vốn trong nền kinh tế giúp doanh nghiệp và Chính phủ huy động vốn, mà còn phải nhìn nhận rõ nét hơn, sự phát triển của thị trường là công cụ, giải pháp quan trọng hỗ trợ cải cách và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội. Nếu đưa được vị thế, vai trò của thị trường chứng khoán vào các chương trình phát triển lớn của nền kinh tế thì chúng ta sẽ có giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán hiệu quả hơn.

Thứ hai là phải tranh thủ các cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình cải cách thể chế trong nước đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Cải cách mạnh mẽ thể chế, mục tiêu xuyên suốt là khơi thông triệt để dòng vốn trong nước và thu hút mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài. Thị trường chứng khoán phải được coi là kênh huy động vốn quan trọng, phân bổ vốn hiệu quả theo tín hiệu thị trường.

Thứ ba là các giải pháp trong nội tại nền kinh tế. Thực hiện tốt các giải pháp về tái cấu trúc, cụ thể là về hàng hóa. Cần phải tiếp tục tăng cung và đa dạng hóa nguồn cung. Việc này thực hiện qua gắn cổ phần hóa với niêm yết và đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường theo thông lệ. Từng bước ban hành và áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán, công bố thông tin theo thông lệ quốc tế.

Về sức cầu, cơ sở nhà đầu tư là quan trọng, phải nuôi dưỡng, trân trọng nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán phát triển trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nhà đầu tư. Theo đó, cần tiếp tục đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, thu hút sự  tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ, kết hợp khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức. Lấy hệ thống nhà đầu tư tổ chức làm nền tảng để thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững của thị trường. Về định chế tài chính trung gian, tái cấu trúc, nâng cao năng lực, hiện đại hóa thị trường chứng khoán…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo tôi, không phải là giải pháp về nghiệp vụ, mà là một yếu tố mang tính xã hội. Thị trường chứng khoán cần phải được nhìn nhận và định dạng đúng vị trí, vai trò trong nền kinh tế, phải có đột phá tư duy, trong đó thị trường chứng khoán phải được quan tâm phát triển để cùng gánh vác vai trò chu chuyển vốn trong nền kinh tế. Cùng với đó, cần có thái độ bao dung với thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu xây dựng thị trường. Thị trường chứng khoán không chỉ của nhà đầu tư, là nơi của những người có tiền mua bán cổ phiếu. Tính thanh khoản của thị trường tốt thì các tổ chức phát hành như doanh nghiệp, Chính phủ mới huy động được vốn. Vì thế, sự linh hoạt của thị trường là điều cần phải thúc đẩy trước hết, vì đây là yếu tố đầu tiên giúp các chủ thể khai thác tính hiệu quả của thị trường này.

Tin bài liên quan