Mặt tiền Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô.
Nhiều khuất tất
Theo hồ sơ, năm 2001, Thủ tướng có Quyết định 252/QĐ-TTg thu hồi hơn 180 ha tại xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) để thực hiện Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô (Dự án Sông Lô). Quyết định này ban hành dựa trên 7 bản đồ trích đo từ số 24 đến 30 do Sở Địa chính Khánh Hòa xác lập năm 2001. Tuy nhiên, đa số người dân bị thu hồi đất lại nằm ở các tờ bản đồ số 22, 23 (lập năm 1996, đang được xã Phước Đồng quản lý).
Từ năm 2003 đến nay, sau khi được giao hơn 180 ha đất tại xã Phước Đồng, Công ty TNHH Hoàn Cầu vừa sử dụng, vừa bỏ hoang nhiều diện tích. Đáng nói là, tháng 7/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định cho phép Công ty Hoàn Cầu được chuyển 254.714 m2 đất sản xuất - kinh doanh tại Dự án sang “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
Gần 20 năm qua, kể từ khi triển khai Dự án Sông Lô, người dân tại đây liên tục khiếu kiện, khiếu nại về việc thu hồi đất sai quy định.
Ông Nguyễn Văn Bình, trú xã Phước Đồng, TP. Nha Trang cho hay, Tết Nguyên đán Quý Mùi 2003, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho thu hồi hơn 180 ha đất để giao Công ty Hoàn Cầu xây dựng Dự án Sông Lô. Thời điểm này, tỉnh không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Quyết định thu hồi đất được dựa theo tờ trích đo bản đồ địa chính khu đất từ số 24 đến 30/2001/BĐ-ĐC tỷ lệ 1/2.000 (gọi tắt là 7 tờ bản đồ), nhưng các lô đất ở các tờ bản đồ 22, 23 (lập năm 1996, đang được xã Phước Đồng quản lý) cũng bị xác định nằm trong Dự án và bị thu hồi. Theo đơn kiến nghị các hộ dân gửi UBND tỉnh, 7 tờ bản đồ đã vi phạm rất nhiều quy tắc như năm xác lập bị chỉnh sửa từ 2000 thành 2001; không có bảng tọa độ X, Y của các cột mốc tại các tờ bản đồ trích đo, không ghi hệ tọa độ.
Trao đổi vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân xác nhận, trước đó (ngày 7/5/2020), đích thân ông đã có buổi tiếp xúc với 4 hộ dân để nghe họ trình bày các sai phạm liên quan đến Dự án Sông Lô.
Liên quan việc khiếu nại trên, mới đây, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng có công văn đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, làm rõ nhiều vấn đề có dấu hiệu sai phạm theo phản ánh của người dân Khánh Hòa suốt gần 20 năm qua.
Ngày 15/6/2020, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát nội dung phản ảnh của người dân tại Dự án Sông Lô. Phó thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, rà soát những nội dung phản ánh, kiến nghị của các hộ dân liên quan đến dự án này.
Thanh tra vào cuộc
Ngày 17/8/2020, tại UBND tỉnh Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ cho biết, bà sẽ làm Trưởng đoàn cùng 6 thành viên khác kiểm tra, rà soát đối với những nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến Dự án Sông Lô. Dự kiến, đoàn sẽ làm việc trong vòng 40 ngày.
Chủ tịch UBND Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho hay, tỉnh đã chỉ đạo UBND TP. Nha Trang, các sở, ban, ngành liên quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến các nội dung kiểm tra tại Dự án Sông Lô để cung cấp cho đoàn kiểm tra.
Ông Tuân mong muốn đoàn kiểm tra nhanh chóng làm rõ các nội dung tại quyết định kiểm tra Dự án Sông Lô, đảm bảo các quyền lợi cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một số nội dung được đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, làm rõ là thanh tra vi phạm trong việc sửa chữa bản đồ, tính pháp lý của các bản đồ, xử lý trách nhiệm đối với việc chưa ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân, thanh tra việc Công ty Hoàn Cầu để hoang hóa đất đã được giao, thanh tra việc UBND TP. Nha Trang ban hành hàng loạt quyết định cưỡng chế thu hồi đất không đúng thẩm quyền, làm rõ dự án kinh doanh thương mại của tư nhân mà tỉnh Khánh Hòa áp giá đền bù theo giá Nhà nước thực hiện công trình an ninh, quốc phòng...