FE Credit: Lỗ lớn vì nợ xấu tăng nhanh
Từ một “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân hàng mẹ VPBank, có thị phần cho vay lớn nhất trên thị trường tài chính tiêu dùng, lợi nhuận đạt mức cao nhất trong nhiều năm trước, nhưng kết thúc năm tài chính 2022, FE Credit thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Trước đó, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của FE Credit giảm mạnh, chỉ đạt 610 tỷ đồng so với mức lãi 3.710 tỷ đồng năm 2020 và trên 4.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2017 - 2019.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, năm 2022, FE Credit ghi nhận lỗ 3.121 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc nợ xấu tăng nhanh. Tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính này cuối năm 2022 là 21,8%, cao hơn nhiều so với mức 14,1% cuối năm 2021. FE Credit đã phải trích lập dự phòng rủi ro thêm 23%, lên 13.681 tỷ đồng.
VCBS nhận định, số dư cho vay của FE Credit mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước đây và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của Công ty cao hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác.
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt trên 220.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, dư nợ cho vay (không bao gồm khoản vay hợp vốn) của FE Credit giảm 3,7%. Theo FE Credit, nguyên nhân là do nhu cầu vay tiêu dùng trả góp suy giảm, trong khi các chương trình khuyến mãi, kế hoạch phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán bị trì hoãn bởi dịch Covid-19.
Hiện FE Credit vẫn là công ty tài chính có quy mô cho vay lớn nhất trên thị trường tín dụng tiêu dùng, với dư nợ cuối năm 2022 hơn 75.000 tỷ đồng.
Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, điều kiện kinh tế không thuận lợi đã ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập thấp, vốn là khách hàng chính của FE Credit. Năm 2023, nhiều khả năng FE Credit tiếp tục lỗ, trước khi có lãi trở lại vào năm 2024.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, FE Credit đang gặp khó khăn nên Ngân hàng đặt mục tiêu năm 2023 sẽ thực hiện tái cấu trúc công ty tài chính tiêu dùng này.
HD Saison: Lợi nhuận duy trì trên 1.000 tỷ đồng
Sau giai đoạn phát triển mạnh năm 2016 - 2022, khối công ty tài chính đang gặp khó khăn khi dư nợ quý I/2023 giảm, nợ xấu có nguy cơ tăng.
Trong khi FE Credit là công ty tài chính có thị phần cho vay tiền mặt lớn nhất, thì HD Saison có lợi thế ở mảng cho vay mua xe máy. Theo thông tin của ngân hàng mẹ HDBank, thị phần cho vay xe máy của HD Saison năm 2022 là 41%, tăng so với mức 34% của năm 2021 và cao nhất thị trường. Với sự đóng góp của công ty con này, HDBank và hệ sinh thái năm 2022 đã phục vụ 14 triệu lượt khách hàng.
Nhìn lại giai đoạn dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, mặc dù thị trường tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, song HD Saison vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tích cực. Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của HD Saison đạt 17.900 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cuối năm 2021; dư nợ cho vay đạt 16.839 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 của HD Saison tăng 15% so với năm 2021, đạt 1.152 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi thành lập và đánh dấu năm thứ tư liên tiếp có lãi trên 1.000 tỷ đồng. Kết quả này đến từ việc Công ty kiểm soát chi phí ngày một tốt hơn. Tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động (CIR) của HD Saison giảm từ 51,4% năm 2019 xuống 50,6% năm 2020, 44% năm 2021 và 38,2% năm 2022. Ngoài ra, tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản trung bình và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình năm 2022 lần lượt đạt 5,8% và 24,2%, đều cải thiện so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu năm 2022 giảm so với năm 2021.
Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison cho biết, trong quý I/2023, lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Mcredit và Home Credit: Lợi nhuận tăng mạnh
Kết thúc năm 2022, Mcredit, liên doanh giữa MB và SBI Shinsei Bank, ghi nhận doanh thu 5.687 tỷ đồng, tăng 63%; lợi nhuận trước thuế 1.201 tỷ đồng, tăng 100% so với năm 2021. Theo MB, dư nợ cho vay của Mcredit cuối năm 2022 đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, lọt vào Top 3 thị trường về dư nợ cho vay.
Bà Vũ Thị Hải Phượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mcredit cho biết, năm 2022, thị phần của Công ty đạt 12%, tăng so với mức 5% năm 2019; tỷ lệ CIR đạt 29,4%; tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 40,6%; mục tiêu lợi nhuận năm 2023 là 1.300 tỷ đồng.
Với Home Credit, lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 đạt 1.189 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2021 (trước đó, lợi nhuận của Home Credit liên tục giảm, từ 1.636 tỷ đồng năm 2017 xuống 638 tỷ đồng năm 2020).
Tính đến cuối năm 2022, Home Credit có vốn chủ sở hữu 6.378 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 404% (nợ phải trả khoảng 25.766 tỷ đồng); dư nợ trái phiếu xấp xỉ 1.084 tỷ đồng, trong khi đầu năm 2022 bằng 0. Trong các hệ số tài chính của Công ty, chỉ tiêu an toàn vốn đạt 20,5% (quy định là trên 9%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 8,2% (pháp luật yêu cầu trên 1%); tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày là 121,8% (pháp luật yêu cầu trên 20%); tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 14,3% (quy định là dưới 90%).
Một công ty tài chính khác có lãi tăng cao trong năm 2022 là VietCredit. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, VietCredit ghi nhận thu nhập lãi thuần hơn 1.315 tỷ đồng, tăng 9,4%; tổng tài sản hơn 6.535 tỷ đồng, tăng 5,25%; lợi nhuận sau thuế gần 64 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2021.
Tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ của 16 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đạt trên 220.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2021, chiếm 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.
Những tháng đầu năm 2023, nhiều công ty tài chính ghi nhận dư nợ cho vay suy giảm. Chẳng hạn, tổng dư nợ cho vay khách hàng cuối quý I/2023 của VietCredit là 4.285 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm; con số này tại HD Saison là 15.530 tỷ đồng, giảm 7,8%, tại FE Credit là hơn 68.000 tỷ đồng, giảm khoảng 10%.
Về lợi nhuận quý I/2023, trong khi FE Credit tiếp tục lỗ thì Mcredit lãi 302 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ (dư nợ tăng 1%); VietCredit lãi trước thuế 54,3 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ và hoàn thành 51% kế hoạch năm 2023.