Giới đầu tư phố Wall lo ngại FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư phố Wall lo ngại FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến - Ảnh: Reuters

Sợ FED tăng lãi suất, giới đầu tư lại rút khỏi chứng khoán

(ĐTCK) Một lần nữa khả năng FED sẽ sớm tăng lãi suất sớm hơn dự kiến lại được nhắc tới và điều này đã ảnh hưởng tới tâm lý giới phố Wall.
Một nghiên cứu của các nhà kinh tế được công bố vào cuối ngày thứ Hai (8/9) cho rằng, các nhà đầu tư đã đánh giá thấp khả năng tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Theo cuộc nghiên cứu, nhiều thành viên FED mong đợi một mặt bằng lãi suất cao hơn lãi suất hơn và nhiều khả năng FED sẽ đưa ra kế hoạch tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới (ngày 16-17/9)..

Dữ liệu gần đây cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ổn định, cũng ủng hộ cho khả năng FED tăng lãi suất sớm hơn dự kiến là giữ năm 2015. Theo Doug Cote, chiến lược gia thị trường Công ty Quản lý đầu tư Voya ở New York, những cải thiện điều kiện kinh tế Mỹ có thể buộc thắt chặt chính sách tiền tệ “càng sớm càng tốt”.

Với thông tin này, giới đầu tư phố Wall đã nhanh tay bán ra để đề phòng rủi ro với việc FED sẽ tăng lãi suất, khiến các chỉ số chính của phố Wall giảm điểm khá mạnh trong phiên 9/9. Trong khi đó, đây lại là thông tin hỗ trợ cho đồng USD, giúp đồng bạc xanh tiếp tục tăng và leo trở lại lên mức cao nhất 14 tháng so với đồng euro.

Ngoài ra, phố Wall còn bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu Apple khi bluechip này giảm 0,4%, dù có lúc trong phiên đã tăng mạnh. Cùng với Apple, Yahoo cũng giảm trở lại sau phiên tăng mạnh trước đó.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số Dow Jones giảm 97,55 điểm (-0,57%), xuống 17.013,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,10 điểm (-0,65%), xuống 1.988,44 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 40 điểm (-0,87%), xuống 4.552,29 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Ngoài những nỗi lo cũ, giới đầu tư chứng khoán châu Âu cũng có thêm nỗi lo về khả năng Mỹ tăng lãi suất giống như giới đầu tư phố Wall.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,77 điểm (-0,08%), xuống 6.829,00 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 47,33 điểm (-0,49%), xuống 9.710,70 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 22,56 điểm (-0,50%), xuống 4.452,37 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng điểm khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất 6 năm so với đồng USD, hỗ trợ cho các tập đoàn chuyên về xuất khẩu của nước này nói riêng và cả nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nói chung. Tuy nhiên, việc giá dầu giảm đã tác động đến cổ phiếu năng lượng và khiến Nikkei 225 không thể tăng mạnh. Trong khi đó, dù có dữ liệu thương mại khả quan được công bố trước đó, nhưng chứng khoán Trung Quốc cũng không có nhiều phản ứng với thông tin hỗ trợ này.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 44,04 điểm (+0,28%), lên 15.749,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 0,1 điểm (+0,00%), lên 2.326,53 điểm. Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch.

Giá vàng gần đi ngang quanh mốc 1.255 USD/ounce trong phiên giao dịch châu Á, Âu, rồi giảm khá mạnh xuống 1.250 USD/ounce trong phiên giao dịch Mỹ do ảnh hưởng bởi thông tin về khả năng FED tăng lãi suất khiến đồng USD tăng mạnh. Sau đó, nhờ lực cầu kỹ thuật, giá vàng đã hồi nhẹ trở lại và đóng cửa trên mức đóng cửa của phiên trước đó.

Tuy nhiên, giá vàng đang có những thông tin hỗ trợ tích cực. Theo một báo cáo mới nhất cho thấy, nhu cầu vàng vật chất đang tăng lên, nhất là tại Ấn Độ khi lễ hội Diwali sắp đến.

Kết thúc phiên 9/9, giá vàng giao ngay tăng 0,30 USD (+0,02%), lên 1.255,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 5,8 USD (-0,46%), xuống 1.248,5 USD/ounce.

Việc đồng USD tăng giá đã ảnh hưởng đến các loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trong đó có dầu. Tuy nhiên, trong phiên 9/9, giá dầu thô có sự trái chiều. Trong khi dầu thô Mỹ đã có phiên hồi phục khi giới đầu tư khi vọng kho dự trữ dầu của Mỹ sẽ giảm, thì giá dầu thô Brent giảm xuống mức thấp nhất 17 tháng khi nguồn cung dồi dào.

Kết thúc phiên 9/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,09 USD (+0,1%), lên 92,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,04 USD (-1,04%), xuống 99,16 USD/thùng.

Tin bài liên quan