Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ ngày 3/6/2021. (Nguồn: THX/TTXVN).
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 24/6 (giờ Việt Nam), số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt qua 180 triệu ca.
Với 421.165 ca mắc mới và 8.302 ca tử vong trong 24 giờ qua, hiện toàn thế giới đã ghi nhận 180.341.362 ca mắc, trong đó có 3.906.629 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 165.067.273 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.448.136 ca mắc và 618.278 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 30.082.169 ca mắc và 392.014 ca tử vong.
Số ca mắc mới theo ngày tại hai nước tâm dịch thế giới này đã giảm mạnh trong những ngày qua nhờ chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy nhanh.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 3 trên thế giới, nhưng đang có số ca mắc mới theo ngày cao nhất thế giới, với 114.139 ca mắc mới và 2.343 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 18.170.778 và số ca tử vong là 507.240.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Argentina hiện cũng đang là điểm nóng, với 27.319 ca mắc mới và 705 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 4.326.101 với 90.986 ca tử vong.
Colombia cũng ghi nhận tới 29.995 ca mắc mới và 645 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 4.027.016 và 101.947.
Tại châu Âu, Nga và Anh đang là điểm nóng khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh đang chiếm hầu hết các ca mắc mới tại 2 nước này.
Chỉ trong vòng 24 giờ, Nga đã ghi nhận thêm 17.594 ca mắc mới và 548 ca tử vong. Như vậy, hiện Nga đã ghi nhận tổng cộng 5.368.513 ca mắc và 130.895 ca tử vong.
Anh cũng có tới 16.135 ca mắc mới và 19 ca tử vong, mức cao so với một tháng qua và nâng tổng số lên 4.667.870 và 128.027 ca tử vong.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có thể chiếm tới 90% ca mắc mới COVID-19 tại Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 8 tới.
Bà Andrea Ammon, Giám đốc ECDC cho biết cơ quan này ước tính biến thể Delta sẽ lây lan rộng trong mùa Hè năm nay, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi là nhóm chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Cụ thể, đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới ở EU là các ca nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8.
Ngày 23/6, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu vật lý và hóa học (RIKEN) ở thành phố Kobe của Nhật Bản đã công bố kết quả đánh giá xác suất nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 cao hơn nhiều lần so với chủng gốc.
Kết quả phân tích được siêu máy tính “Tomitake” thực hiện cho thấy xác suất nhiễm biến thể Alpha (B.1.1.7 được phát hiện đầu tiên tại Anh) cao gấp 1,25 lần và xác suất nhiễm biến thể Delta (B.1.617.2 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) cao gấp 2,5 lần so với virus SARS-CoV-2 chủng gốc.
Ở cùng một khoảng cách 2m, thời gian để tỷ lệ lây nhiễm lên mức 10% đối với virus chủng gốc là 45 phút, trong khi với biến thể Alpha là 35 phút và biến thể Delta chỉ 20 phút.
Với kết quả trên, nhóm nghiên cứu khuyến cáo biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, do đó biện pháp phòng dịch quan trọng không chỉ là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách mà nên rút ngắn thời gian tiếp xúc xuống mức tối thiểu.