Số bán đấu giá cổ phần lần đầu đạt mức phê duyệt không nhiều

Số bán đấu giá cổ phần lần đầu đạt mức phê duyệt không nhiều

Ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, có đủ cơ chế kiểm soát các đợt IPO cũng như thoái vốn nhà nước một cách công khai, minh bạch.

Thưa ông, kết quả IPO vừa qua của một số doanh nghiệp nhà nước không được như kế hoạch. Có lo ngại rằng, sẽ không thay đổi được bản chất doanh nghiệp so với trước cổ phần hóa (CPH) nếu tình hình này tiếp diễn?

Tôi nghĩ, đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ, thì chuyển doanh nghiệp sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần, dù Nhà nước còn giữ phần trăm vốn điều lệ rất cao, vẫn tốt hơn là tiếp tục hoạt động theo loại hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, một chủ sở hữu là Nhà nước.

Với mức độ CPH thấp như vậy, đúng là bản chất vẫn chưa thay đổi nhiều so với trước, nhưng cũng là tốt hơn cả trên phương diện đa dạng hóa sở hữu, đổi mới quản trị và giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Chưa đạt được là chưa đạt được so với yêu cầu, nhưng hướng là đúng. Tiếp tục tiến lên sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, sức ép tiến độ có thể gây nên những đợt “IPO non”. Việc kiểm soát chất lượng các công việc này thuộc trách nhiệm của ai?

Thực tiễn cho thấy, 3 năm qua, CPH thấp có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là chỉ đạo thực hiện. Nhiều nơi làm chưa tốt, người đứng đầu chưa thực sự ra tay. Giờ phải quyết liệt, phải tạo ra sức ép, ép từ trên xuống, từ cơ sở lên và từ xã hội vào.

Trong CPH không có khái niệm IPO non. Để tiến tới IPO là cả một quá trình, gồm nhiều bước chặt chẽ được quy định trong các văn bản pháp quy. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phải phê duyệt phương án CPH tất cả các doanh nghiệp trong diện CPH. Doanh nghiệp nào có điều kiện IPO thì IPO, chưa có điều kiện IPO thì cũng chuyển sang công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, SCIC, tổ chức công đoàn, người lao động, hoặc các cổ đông tự nguyện khác.

Nếu hiểu “non” theo ý “chưa đạt mức phê duyệt trong phương án CPH” thì lại khác. Bản thân khái niệm IPO - bán đấu giá cổ phần lần đầu - đã có nghĩa chưa phải là hết, còn lần hai, lần ba, lần n... cho đến khi đạt yêu cầu. Sau khi IPO, ta chuyển doanh nghiệp sang hoạt động theo công ty cổ phần, rồi niêm yết trên thị trường, rồi bán tiếp, là đúng định hướng, đúng quy định, không có gì phải lo ngại. Trong số 4.000 doanh nghiệp đã CPH, số bán đấu giá cổ phần lần đầu đạt ngay mức phê duyệt không nhiều. Kiểm soát các công việc này theo quy định là các bộ quản lý ngành và địa phương.

Thưa ông, cũng có nghi ngại về việc lợi dụng CPH nhanh để bán rẻ tài sản nhà nước…

Chúng ta có đủ cơ chế kiểm soát các đợt IPO cũng như thoái vốn nhà nước một cách công khai, minh bạch. Trong đó có phòng ngừa, tránh thất thoát, bán rẻ tài sản nhà nước và xử lý vi phạm.

CPH là Nhà nước bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhà nước không bao giờ bán rẻ tài sản của mình. CPH doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo đúng pháp luật và có lợi (hiểu theo nghĩa rộng).

Trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc xem xét cơ cấu sở hữu sẽ được tiếp tục theo tiêu chí phân loại mới với các doanh nghiệp nhà nước chưa có đề án phê duyệt. Số lượng thuộc diện này dự kiến là bao nhiêu?

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí mới phân loại doanh nghiệp nhà nước, để tiếp tục phân loại số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn lại. Số này tính đến ngày 31/12/2013 còn 949 doanh nghiệp, chưa kể các nông, lâm trường quốc doanh, sẽ sắp xếp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Dự thảo tiêu chí mới phân loại doanh nghiệp nhà nước, Văn phòng Chính phủ đang xử lý để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ban hành. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ thị các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế theo tiêu chí mới rà soát số doanh nghiệp nhà nước 100% vốn trực thuộc để bổ sung vào diện CPH, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để thực hiện. Tôi đã nghiên cứu, chủ động áp vào, có thể bổ sung khoảng 100 doanh nghiệp nữa để CPH. Trong số này, doanh nghiệp nào có điều kiện, có thể CPH trong năm 2014-2015, doanh nghiệp nào chưa có điều kiện thì gác sang giai đoạn sau năm 2015. 

Tin bài liên quan