SMC: Lợi nhuận tăng, "mạch ngầm" dòng tiền âm

0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC, sàn HoSE) có sự bứt tốc về lợi nhuận trong năm 2020, nhưng dòng tiền âm vẫn là một mạch ngầm âm ỉ.
SMC: Lợi nhuận tăng, "mạch ngầm" dòng tiền âm

Lợi nhuận tăng tốc

Năm 2020 được ghi nhận là một năm giàu thành quả với SMC. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 310,5 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với kết quả 99,8 tỷ đồng của năm trước. Riêng quý IV, SMC ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 154 tỷ đồng, đảo chiều so với con số lỗ gần 11 tỷ đồng trong quý IV/2019.

Sự tăng tốc về lợi nhuận sau thuế chủ yếu có được nhờ sự cải thiện rõ rệt về lợi nhuận gộp. Quý IV/2020, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của SMC đạt 324,5 tỷ đồng, tăng tới 331,5% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến này đã kéo theo con số tăng mạnh của lợi nhuận gộp cả năm - đạt 804,5 tỷ đồng và tăng 64,2% so với năm trước.

Biến động khác nhau giữa doanh thu và giá vốn hàng bán là lý do khiến lợi nhuận gộp tăng mạnh. Cụ thể, trong quý IV/2020, doanh thu thuần của SMC tăng 13,9%, trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng 7,7%. Điều này tạo ra khoản lợi nhuận gộp vượt trội trong quý IV. Lũy kế cả năm 2020, doanh thu sụt giảm 6,5%, giá vốn hàng bán giảm nhanh hơn với mức tới 8,7%, nên lợi nhuận vẫn cao hơn khá xa so với năm 2019.

Nhìn lại bức tranh kinh doanh của SMC suốt năm 2020, có thể thấy kết quả kinh doanh khả quan cả năm chủ yếu đến từ sự bứt phá trong nửa cuối năm. Bởi lẽ, trong nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế nửa của Công ty giảm tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 56,3 tỷ đồng, lợi nhuận gộp cũng giảm 21,2% so với cùng kỳ. Trong giai đoạn này, cả doanh thu thuần và giá vốn hàng bán đều giảm, nhưng doanh thu thuần giảm nhiều hơn với 1.540,5 tỷ đồng, còn giá vốn hàng bán giảm 1.479,3 tỷ đồng.

“Mạch ngầm” dòng tiền âm

Lợi nhuận tăng tốc là vậy, nhưng SMC cũng phải đối diện với dòng tiền kinh doanh âm khá lớn, với mức âm 212 tỷ đồng trong năm 2020.

Dòng tiền âm chủ yếu do SMC phải dồn tiền nhiều hơn cho 2 khoản chính là các khoản phải thu và hàng tồn kho. Theo đó, dòng tiền thuần từ các khoản phải thu bị âm tới 269 tỷ đồng. Dòng tiền thuần cho hàng tồn kho năm 2020 âm 584,6 tỷ đồng.

Tại bảng cân đối kế toán của SMC, các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng từ 1.430 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 1.717 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Trong khi đó, hàng tồn kho cũng tăng lên mức 1.805,2 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2020, giá trị hàng tồn kho tăng ở cả 2 nhóm hàng tồn kho là thành phẩm và nguyên vật liệu, trong đó giá trị thành phẩm tăng 50,8%, nguyên vật liệu tăng 122,5%.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty từng chia sẻ, SMC trước đây chỉ đơn thuần làm thương mại, nên lượng dự trữ không nhiều. Sau này, khi dần chuyển sang làm thêm gia công và sản xuất, lượng tồn kho cho các hoạt động của Công ty cũng tăng lên. Điều này đặt ra thách thức lớn cho công tác quản trị tồn kho của SMC.

Năm 2020, để có tiền bù đắp cho dòng tiền kinh doanh, SMC đã phải gia tăng vay nợ, làm phình to thêm quy mô nợ phải trả của doanh nghiệp. Tại thời điểm ngày 31/12/2020, số dư nợ phải trả của SMC đã ở mức 5.133 tỷ đồng, tăng 37% so đầu năm. Nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2020 theo đó lớn gấp 3,24 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.

Tin bài liên quan