Nhu cầu sử dụng thép xây dựng vẫn đang ở mức thấp.

Nhu cầu sử dụng thép xây dựng vẫn đang ở mức thấp.

SMC: Khó khăn quay trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi có lãi trở lại trong 3 tháng đầu năm 2023 nhờ giá thép hồi phục, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) lại đối mặt với nhu cầu suy yếu và giá thép quay đầu giảm.

Triển vọng hồi phục gặp thách thức

Giai đoạn đầu năm 2023, Trung Quốc mở cửa trở lại đã thúc đẩy đà hồi phục của giá thép xây dựng thế giới, nhờ kỳ vọng vào sức tiêu thụ tại thị trường này gia tăng. Tuy nhiên, từ ngày 14/3 đến 5/6/2023, giá thép thế giới điều chỉnh, giảm 16%, từ 4.362 CNY/tấn xuống 3.664 CNY/tấn, về vùng đáy ngắn hạn tháng 10/2022. Giá thép cán nóng (HRC) cũng có diễn biến giảm mạnh.

Lý giải giá thép thế giới quay đầu, các chuyên gia nhận định, do thị trường lo ngại lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trì trệ kéo dài sau khi các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy tình hình kém khả quan, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thép. Ngoài ra, lãi suất cao và nguy cơ suy thoái dẫn tới nhu cầu đầu tư, xây dựng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới bị trì hoãn, khiến nhu cầu tiêu thụ thép suy giảm.

Tương tự xu hướng giá thép thế giới, ở trong nước, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh giá bán 6 lần liên tiếp trong 3 tháng vừa qua, tổng cộng gần 3 triệu đồng/tấn, xuống quanh mức 15 triệu đồng/tấn.

Với HRC, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, giá giảm gần 12% kể từ giữa tháng 3/2023 tới nay, trong bối cảnh giá thép tại Trung Quốc có mức giảm 14%, do dư cung tại các nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép xây dựng trong nước liên tục giảm trong thời gian gần đây do nhu cầu thép yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước cũng giảm mạnh khiến doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để giải phóng nhanh hàng tồn kho. Xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, giá thép HRC có diễn biến giảm là dấu hiệu đáng lo ngại cho kết quả kinh doanh cho các doanh nghiệp thép quý II và III/2023, khi mùa mưa bắt đầu tại miền Nam, nhu cầu yếu trong tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch) và nhu cầu xây dựng - sản xuất công nghiệp chưa cho thấy tín hiệu tích cực rõ ràng.

Trước đó, theo số liệu của VSA, trong quý I/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 6,692 triệu tấn, giảm 20,9%; bán hàng thép thành phẩm 6,068 triệu tấn, giảm 25,4%, trong đó, xuất khẩu 1,659 triệu tấn, giảm 8,9% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, giai đoạn đầu năm 2023, giá thép hồi phục nhưng nhu cầu vẫn chưa phục hồi và từ giữa tháng 3 tới nay, giá thép giảm trở lại.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu SMC có diễn biến tăng từ 7.070 đồng/cổ phiếu lên 13.450 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 15/11/2022 đến 29/5/2023, tương đương tăng 90,2%.

Thực tế, trong giai đoạn này, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp thép và vật liệu xây dựng tăng giá trong bối cảnh giá thép thế giới hồi phục, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công và thị trường chứng khoán nói chung cũng đi lên từ đáy ngắn hạn.

Hơn 1 tuần trở lại đây, giá cổ phiếu SMC chững lại và thanh khoản tăng trên 30% so với trung bình 20 phiên, chỉ báo kỹ thuật RSI thể hiện trạng thái quá mua kéo dài và có dấu hiệu phân kỳ âm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, em bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SMC đăng ký bán 530.000 cổ phiếu SMC từ ngày 5/6 đến 4/7, tỷ lệ sở hữu dự kiến giảm từ 1,74% xuống 1,02% vốn điều lệ.

Việc thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành hoặc người thân bán ra lượng lớn cổ phiếu sau nhịp hồi phục mạnh thường là dấu hiệu cảnh báo đối với nhà đầu tư mua đuổi về đỉnh ngắn hạn của các cổ phiếu.

Rủi ro trích lập dự phòng

SMC hoạt động trong lĩnh vực thương mại, gia công Coil Center (cắt, chặt, xả băng thép tấm cán nóng cũng như thép lá cán nguội) và sản xuất các sản phẩm thép. Trong đó, lĩnh vực thương mại thép (thép xây dựng, thép tấm lá, thép hình, xà gồ) là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp tích cực về cả sản lượng và hiệu quả kinh doanh. Đối với hoạt động gia công Coil Center, Công ty thực hiện gia công thép và cung cấp ra thị trường trong nước, tập trung vào các công ty xây dựng.

Trong gần 1 năm qua, trước áp lực lãi suất cao, dòng tiền bị thắt chặt, không ít chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ trả lãi/gốc trái phiếu, trả tiền cho công ty xây dựng, ảnh hưởng gián tiếp tới SMC.

Một tập đoàn bất động sản đang có công nợ quá hạn khoảng 1.000 tỷ đồng đối với SMC.

Đầu năm 2023, VDSC thông tin, một tập đoàn bất động sản có công nợ quá hạn khoảng 1.000 tỷ đồng đối với SMC. Điều này gây rủi ro trích lập dự phòng và ảnh hưởng đến sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp.

Trong ngắn hạn, SMC có thể sắp xếp với các ngân hàng và nhà cung cấp để kéo dài thời gian thanh toán, trong khi chờ đợi chủ đầu tư cải thiện thanh khoản. Tuy nhiên, xét dài hạn, VDSC cho rằng, rủi ro phải trích lập dự phòng và ảnh hưởng lên lợi nhuận doanh nghiệp sẽ rất lớn, trừ khi SMC thu được công nợ, do khoản này đã trở thành phải thu khó đòi và có giá trị lớn hơn nhiều mức trung bình lợi nhuận hàng quý.

Cụ thể, trước giai đoạn lỗ 2 quý liên tiếp trong 6 tháng cuối năm 2022, lợi nhuận trung bình 18 quý, từ quý I/2018 đến quý II/2022 của SMC là 90,2 tỷ đồng/quý. Như vậy, giá trị nợ quá hạn tiềm tàng đang gấp nhiều lần lợi nhuận từng quý mà SMC có thể tạo ra, nếu phải trích lập sẽ ảnh hưởng trọng yếu tới bức tranh kết quả kinh doanh.

Tính tới 31/3/2023, SMC ghi nhận tổng khoản phải thu ngắn hạn là 2.889 tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng tài sản; trong đó có 2.605,2 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, 203 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn, giá trị dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 50,3 tỷ đồng, tương đương thời điểm đầu năm 2023.

Trong cơ cấu phải thu khách hàng theo khu vực, có 2.397,8 tỷ đồng là khách hàng trong nước, chiếm 92% tổng phải thu; 128,8 tỷ đồng phải thu khách hàng ngoài nước, chiếm 4,9% tổng phải thu; 78,6 tỷ đồng là phải thu bên liên quan, chiếm 3,1% tổng phải thu.

Như vậy, các khoản phải thu của SMC chủ yếu phát sinh do bán chịu cho khách hàng là các đối tác trong nước, điều này có thể phát sinh rủi ro nợ xấu khi mà các chủ đầu tư, công ty xây dựng đang gặp khó khăn về dòng tiền.

SMC có một lô trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, đó là 200 tỷ đồng trái phiếu phát hành ngày 30/7/2021, kỳ hạn 3 năm, mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tài sản đảm bảo là 9,1 triệu cổ phiếu NKG thuộc sở hữu của SMC và 4 triệu cổ phiếu SMC của bà Nguyễn Cẩm Vân, mẹ ruột bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi.

Tin bài liên quan