Khi mua điện thoại, không ít người lúng túng trước bảng liệt kê cấu hình với những con số khó hiểu. Một trong những thông số gây thắc mắc nhất là RAM (Random Access Memory).
RAM là bộ nhớ dữ liệu tạm thời, lưu thông tin về những ứng dụng đang hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định để chúng nhanh chóng được truy cập, giúp thiết bị chạy đa nhiệm mượt hơn. Khi tắt máy, sẽ không có dữ liệu nào được lưu trong RAM.
Nếu vẫn đang băn khoăn smartphone của mình cần bao nhiêu RAM, bạn không phải người duy nhất. Câu hỏi này đã được đề cập nhiều từ khi smartphone ra đời và trang Digitrends đã tham khảo một số chuyên gia để làm rõ hơn vấn đề.
"Smartphone trải qua một hành trình dài và đảm nhận nhiều vai trò hơn chúng ta từng hình dung", Vishal Kara, Giám đốc sản phẩm tại Piriform, nhà phát triển ứng dụng CCleaner dành cho Android, nói.
"Khi chúng ta thực hiện nhiều tác vụ hơn trên điện thoại, đương nhiên thiết bị đòi hỏi nhiều RAM hơn để có thể duy trì các chức năng một cách hiệu quả".
Khi bạn truy cập ứng dụng hay trò chơi trên điện thoại, thông tin được tải vào RAM. Nếu ứng dụng đó vẫn nằm trong RAM, người dùng có thể mở ra mở vào và tiếp tục những gì họ đang làm mà không cần tải lại từ đầu.
Vì vậy, RAM đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho đa nhiệm. Về lý thuyết, nhiều RAM hơn có nghĩa nhiều ứng dụng có thể hoạt động cùng lúc hơn mà không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.
"Chẳng có gì là đúng hay sai một cách rạch ròi khi nói về số RAM mà điện thoại cần. Không như một vài giây trễ khi mở ứng dụng trên máy tính cũng chấp nhận được, chúng ta mong ứng dụng phải chạy tức thì trên smartphone", Kara nhấn mạnh.
Ảnh minh họa: SiliconIndia
Smartphone chạy Android đầu tiên - HTC Dream - chỉ có RAM 192 MB trong khi mẫu iPhone đời đầu là 128 MB. Con số này đã tăng dần đều trong suốt một thập kỷ qua và giờ đây, điện thoại OnePlus 5 được trang bị RAM lên tới 8 GB.
"Với 8 GB, OnePlus có thể chạy nhiều ứng dụng nền hơn, cho phép hoạt động đa nhiệm nhanh hơn", Laura Watts, Giám đốc truyền thông của OnePlus, khẳng định. Trong khi đa số smartphone cao cấp trên thị trường được trang bị RAM 2-4 GB thì 8 GB nghe có vẻ đầy hấp dẫn.
"Nói chung, nhiều RAM hơn thì vẫn tốt hơn, nhưng quan trọng là nó có thực sự cần thiết ở giai đoạn này hay không", chuyên gia John Poole của Primate Labs, công ty tạo ra phần mềm Geekbench 4, nhận xét.
Theo thống kê của App Annie, trung bình một người dùng điện thoại mở 9 ứng dụng mỗi ngày và khoảng 30 ứng dụng khác nhau mỗi tháng.
Biên tập viên của Digitrends đã thử kiểm tra bộ nhớ của HTC U11 (có 4 GB RAM) và nhận thấy lượng sử dụng bộ nhớ trung bình trong ngày chỉ là 2,3 GB với 47 ứng dụng được truy cập.
Theo Poole, dù ứng dụng ngày càng mạnh mẽ, camera chụp ảnh dung lượng lớn hơn với định dạng RAW và màn hình to hơn, ông vẫn hoài nghi về nhu cầu cần đến 8 GB RAM trên điện thoại.
"Với smartphone, tầm 4 GB lúc này là đủ. Tôi có cảm giác một số nhà sản xuất cố nhồi nhét RAM và lăng xê cho nó để thu hút và bán được hàng", Poole nói.
Đầu năm nay, Lao Shi, một lãnh đạo của Huawei, cũng chia sẻ trên Weibo rằng RAM 4 GB là đủ cho smartphone hoạt động mượt mà.
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng trong tương lai, khi ứng dụng nặng hơn và đòi hỏi cấu hình mạnh, như các nội dung 4K, thực tế ảo... thì các nhà sản xuất có thể tăng RAM để đáp ứng nhu cầu. Còn hiện tại, nâng dung lượng RAM chỉ làm tăng giá sản phẩm một cách lãng phí mà thôi.
"Chưa kể, càng nhiều RAM đưa vào điện thoại, nó càng ngốn nhiều năng lượng hơn và làm giảm thời gian hoạt động của pin", Poole giải thích.
Bên cạnh đó, người dùng được "đào tạo" từ thời PC được trang bị bộ nhớ hạn chế rằng RAM trống nhiều giúp máy chạy tốt hơn. Ngày nay, quan niệm này không còn đúng nữa.
Nếu có thói quen xóa đi những ứng dụng đang nằm trong RAM, bạn nên ngừng làm điều đó vì nó chẳng thay đổi gì. Nó không giúp tiết kiệm pin hay làm điện thoại chạy nhanh hơn mà có khi còn tác dụng ngược.
Đa số nhà sản xuất cung cấp tính năng cho phép người dùng kiểm tra RAM và xóa bớt dữ liệu để tăng giải phóng bộ nhớ RAM. "Người dùng muốn thấy RAM trống, nhưng sẽ tốt hơn nếu RAM của bạn đang của bạn đang được sử dụng". Kara cho biết.
"Quá trình tải ứng dụng từ bộ nhớ trong của máy vào RAM cũng tốn năng lượng, còn các ứng dụng chạy ngầm như email, Facebook vẫn luôn hoạt động".
Các chuyên gia kết luận rằng, dung lượng RAM phụ thuộc nhu cầu của mỗi người trên điện thoại, nhưng hiện tại, đây không còn là vấn đề mà họ cần quan tâm nữa và các nhà sản xuất cũng không nên dùng RAM như một chiêu trò câu khách.