Thế nào là tòa nhà thông minh?
Khái niệm về nhà thông minh đã được nghiên cứu và triển khai từ năm 1984 bắt đầu từ nước Mỹ và đến nay, mọi loại hình, phân khúc bất động sản đều có thể trở thành smarthome.
Theo Hiệp hội Kiến trúc thông minh Mỹ, toà nhà thông minh phải có được 4 yếu tố cơ bản của công trình kiến trúc mang đặc tính thông minh là “kết cấu tổ chức, hệ thống, phục vụ, quản lý” và sự ưu việt hóa trong mối liên hệ giữa chúng để tạo ra một môi trường hợp lý, thoải mái, thuận tiện và đem lại hiệu quả cao.
Trong khi đó, quan điểm từ giới kiến trúc và công nghệ Singapore lại cho rằng, toà nhà thông minh phải có được 3 điều kiện. Một là toà nhà phải có sẵn hệ thống kiểm soát tự động và hiện đại, có thể kiểm soát được hệ thống điều hoà nhiệt độ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống báo động và hệ thống phòng cháy chữa cháy, từ đó tạo ra một môi trường sinh sống, làm việc thích hợp cho mọi người trong tòa nhà đó.
Ảnh: shutterstock
Thứ hai, toà nhà phải được lắp đặt hệ thống mạng lưới thông tin đảm bảo sự liên lạc thông tin giữa các khu vực trong toà nhà. Thứ ba, toà nhà còn phải được lắp đặt các thiết bị thông tin để đảm bảo liên lạc với bên ngoài.
Bên cạnh đó, có định nghĩa của Hội Nghiên cứu kiến trúc thông minh của Nhật Bản cho rằng, toà nhà thông minh phải cung cấp được cho khách hàng các dịch vụ thông tin hiện đại bao gồm các chức năng như thúc đẩy quá trình thương mại, duy trì thông tin..., đồng thời có thể tạo ra một môi trường thích hợp và đảm bảo sự an toàn cho tòa nhà, nâng cao hiệu quả công việc thông qua hệ thống quản lý toà nhà đã được tự động hoá.
Tóm lại, dù cách định nghĩa khác nhau nhưng hầu hết quan điểm đều thống nhất ở điều kiện về tính tự động hóa cao trong thụ hưởng, giảm thiểu sự can thiệp cơ học của con người vào sự vận hành của tòa nhà thông minh.
Về các giải pháp kỹ thuật, đại diện Công ty Ứng dụng giải pháp công nghệ ASTEC cho rằng, toà nhà thông minh là sản phẩm kết hợp giữa kỹ thuật xử lý thông tin vi tính và công nghệ kiến trúc. Nó bao gồm 3 hệ thống “Hệ thống làm việc tự động hóa'” (OA), “Hệ thống kiến trúc tự động hóa” (BA) và “Hệ thống thông tin tự động hóa” (CA) - gọi tắt là “Hệ thống 3A”.
Trong toà nhà thông minh, các hệ thống tổ chức phối hợp với nhau chặt chẽ, không thể tách rời. “Hệ thống BA” bảo đảm sự tự động hoá cho các thiết bị điện và quản lý an toàn. Ví dụ như hệ thống này sẽ tự động đo lường và điều chỉnh đối với các trị số lệch của nhiệt độ toà nhà, độ ẩm, lượng oxy, báo cháy và độ chiếu sáng, đồng thời dựa vào yêu cầu của người sử dụng, liên tục tự điều chỉnh và quản lý tổng hợp. Khi một khu vực nào đó trong toà nhà xảy ra sự cố, hệ thống an toàn sẽ tiến hành tự động sửa chữa, đảm bảo sự vận hành bình thường cho các thiết bị trong tòa nhà.
“Hệ thống CA” bao gồm các thiết bị cung cấp các hình thức thông tin hiện đại hóa, thông qua việc lắp đặt hệ thống đường dây tổng hợp được kết cấu hóa khẩn cho “Hệ thống OA” đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.
Người sử dụng cũng sẽ cập nhật được những thông tin có giá trị về tiền tệ, thương mại, khoa học kỹ thuật và các tin tức mới nhất trong hệ thống kho dữ liệu thông qua hình thức điện thoại trực tuyến trong nước và quốc tế, điện thoại truyền hình ảnh thư tín điện tử, hộp thư liên lạc bằng giọng nói, hội nghị truyền hình, tìm kiếm thông tin.
Xu thế của tương lai
Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với vấn đề giám sát an ninh tự động từ xa, tiết kiệm năng lượng thông qua hệ thống bật tắt đèn thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc sử dụng công nghệ điều khiển bằng cử chỉ, bằng giọng nói… chính là đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường nhà thông minh và hướng đến một đô thị thông minh.
Thị trường bất động sản cũng đang thúc đẩy sự phát triển của nhà thông minh với việc chủ đầu tư các dự án bất động sản đưa “nhà thông minh” làm tiêu chí để cạnh tranh. Không khó để thấy các toà nhà lớn hay các khu căn hộ, khu đô thị đều đang trưng các pano, tờ rơi quảng cáo “căn hộ 4.0” hay “căn hộ thông minh”. Về phía người tiêu dùng, ngày càng nhiều gia đình chủ động tìm hiểu về nhà thông minh khi xây dựng biệt thự, căn hộ, nhà riêng của mình ngay từ khi bắt đầu dự định xây sửa nhà.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc Bộ phận tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam cho biết, xét về yếu tố tiềm năng của giải pháp thông minh ứng dụng trong bất động sản là rất lớn. Do đặc điểm dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận internet của Việt Nam hiện nay là 60% dân số, nên nhu cầu tiếp cận công nghệ và học hỏi cái mới rất cao, nhu cầu về chủng loại sản phẩm thông minh trong tương lai 5 - 10 năm tới là rất lớn.
Ảnh: shutterstock
Công nghệ tiên tiến đã cho phép tất cả các thiết bị như đèn chiếu sáng, camera giám sát, smart tivi, máy giặt, tủ lạnh… có thể được kết nối và điều khiển chỉ bởi một thiết bị như smartphone hay máy tính bảng, thậm chí bằng giọng nói của gia chủ và hoàn toàn có thể điều khiển từ xa qua internet.
Các chủ nhà có thể hưởng thụ sự tiện nghi, an toàn và hiện đại từ những giải pháp giám sát an ninh toàn diện, báo cháy, tự động điều khiển mành rèm, điều khiển từ xa các thiết bị gia dụng, các hệ thống đèn chiếu sáng, điều hoà nhiệt độ, hệ thống tưới cây, hệ thống giải trí… trong ngôi nhà thông minh.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại hóa chất Việt Đức cho biết, rất nhiều lợi ích từ nhà thông minh, đơn cử như việc tiết kiệm năng lượng. Ví dụ, hệ thống điều hoà nhiệt độ của toà nhà thông minh áp dụng các biện pháp kiểm soát trực tiếp, khống chế sự bật tắt tối đa, đề ra các biện pháp kiểm soát, điều khiển tự động trực tiếp.
Mỗi phòng trong căn hộ có thể được lắp đặt máy cảm ứng điện tử và máy xử lý loại nhỏ, có thể tự động điều tiết nhiệt độ, nguồn ánh sáng, độ nóng lạnh và thông gió trong phòng, so với kiến trúc bình thường có thể tiết kiệm được trên 30% nguồn năng lượng. Cảm biến nhiệt, cảnh báo, nhắc nhở chúng ta khi ra khỏi phòng mà không tắt các thiết bị điện, hoặc khi cảnh báo mà không được thì nó tự xử lý.
“Chính vì vậy, nếu ví đô thị thông minh là một thực thể, thì nhà thông minh chính là tế bào tạo nên thực thể thông minh đó”, ông Nguyễn Ngọc Anh so sánh.
Trong khi đó, bà Zoey Zhou, Phó chủ tịch Tập đoàn thiết kế kiến trúc ArcPlus chia sẻ: “Tôi nghĩ thành phố thông minh không chỉ dừng lại ở sự tiện lợi, mà còn là sự an toàn, ở đó mọi thứ đều được quản lý một cách khoa học và các căn hộ thông minh cũng làm nên điều này”.
Theo Schneider Electric, trong bối cảnh dân số bùng nổ đồng nghĩa với số lượng những tòa nhà cao tầng ngày càng tăng cao tại Việt Nam, muốn có tòa nhà thông minh, phải làm sao để hệ thống điều khiển tòa nhà có thể bảo đảm sự an toàn, hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả vận hành, không gian sống khỏe mạnh và năng suất làm việc cho con người bên trong tòa nhà.
TS. Phạm Thái Lai, CEO Siemens Việt Nam cũng cho rằng, ba điều kiện tiên quyết để phát triển đô thị thông minh liên quan đến cơ sở hạ tầng là cơ sở hạ tầng số hóa; giao thông thông minh; lưới điện thông minh và đặc biệt là tòa nhà thông minh. Tòa nhà thông minh sẽ giúp các thành phố đạt được tiêu chuẩn cao nhất về hiệu quả môi trường, đồng thời giảm lượng điện năng tiêu thụ và là bước đi đầu tiên hướng đến một đô thị thông minh trong tương lai.
Nắm bắt xu hướng này, không chỉ các chủ đầu tư dự án mà các công ty cung cấp giải pháp vật liệu cũng khởi động các sản phẩm mới, thông minh và tiện dụng hơn. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Ngụy Thanh Vĩ, Trưởng phòng Marketing, Công ty cổ phần gỗ An Cường cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa ra những ý tưởng thiết kế, những công nghệ tiên tiến thông qua việc xem xét các tiêu chí về sức khỏe, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Trong việc thi công dự án, những công nghệ tiên tiến, các vật liệu xây dựng xanh sẽ giúp tạo một môi trường tòa nhà, văn phòng sinh hoạt tốt cho sức khỏe người Việt Nam. Để xây dựng đô thị thông minh, không còn cách nào khác, chúng ta phải xây dựng ngôi nhà, tòa nhà thông minh. Và để có tòa nhà thông minh phải bắt đầu từ những giải pháp công nghệ, vật liệu thông minh”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com