Thị trường smarthome Việt Nam có rất nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới. Ảnh: Shutterstock

Thị trường smarthome Việt Nam có rất nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới. Ảnh: Shutterstock

Smarthome sẽ sớm thành ngành công nghiệp tỷ đô tại Việt Nam

(ĐTCK) Nhà thông minh (smarthome) đang cho thấy nhiều tiềm năng phát triển trên toàn thế giới, trong đó thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Nhiều dư địa tăng trưởng

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường smarthome Việt Nam hiện chỉ đang ở mức sơ khởi. Giải pháp nhà thông minh mới chỉ được ứng dụng ở những công trình nhà ở cao cấp và tổng giá trị đầu tư cho các sản phẩm smarthome vẫn ở mức thấp. Với tốc độ chuyển dịch dân số vào đô thị ngày càng gia tăng như hiện nay, Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành một quốc gia có doanh thu cao trong lĩnh vực này.

Cụ thể, số liệu thống kê từ Statista - công ty chuyên nghiên cứu dữ liệu và thị trường cho thấy, đến tháng 4/2018, doanh thu thị trường smarthome Việt Nam đã đạt khoảng 45 triệu USD và sẽ tăng lên 319 triệu USD vào năm 2022, với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm đạt đến 67%. Chỉ riêng trong 2 năm 2016 - 2017, Schneider Electric Việt Nam đã cung cấp giải pháp nhà thông minh cho hơn 7.000 căn hộ ở thị trường Việt Nam.

Nhìn nhận về tiềm năng thị trường smarthome Việt Nam, đại diện Schneider Electric Việt Nam cho rằng, từ thực tế cho thấy, thuật ngữ nhà thông minh bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng 10 năm gần đây, nhưng mức độ phủ sóng của nó rất lớn và được dự đoán trở thành xu hướng quan trọng của thị trường bất động sản trong giai đoạn tiếp theo.

Với mục tiêu hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0, những chính sách, chương trình tọa đàm, hội thảo của Chính phủ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư, đưa vào thực tế những sản phẩm, giải pháp thông minh. Từ đó, giá thành các sản phẩm dân dụng hằng ngày cũng giảm đi đáng kể, cho phép tiếp cận với nhiều người dùng hơn và mở rộng làn sóng nhà thông minh, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Việt Nam hiện đã có những doanh nghiệp chuyên phát triển giải pháp smarthome. Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, vẫn còn hạn chế về ý thức sử dụng của người dân Việt Nam đối với các sản phẩm thông minh do mức độ phổ cập vẫn chưa cao. Đó chính là rào cản cho sự phát triển nhà thông minh trong xu hướng hiện nay .

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Mai Trang Thanh, Chủ tịch Honeywell khu vực Đông Dương cho biết, hiện Honeywell nhận được phản hồi rất tích cực của các khách hàng Việt Nam về lợi ích kinh tế, tính hiệu quả và hiệu suất mà các dịch vụ và công nghệ mà smarthome đã và đang mang lại tại nhiều dự án.

“Một yếu tố khác có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của smarthome ở Việt Nam đó là sự bùng nổ ở lĩnh vực bất động sản, tốc độ đô thị hóa nhanh. Hàng trăm dự án bất động sản được triển khai, cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn căn hộ, biệt thự mỗi năm. Đây chính là nguồn cầu khả quan cho smarthome”, bà Thanh nhận định.

Đồng quan điểm, theo bà Liễu Nguyễn, Đại diện tại Việt Nam của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Mỹ, xu hướng phát triển các dự án bất động sản trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ đi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Trên thế giới và Việt Nam sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những đô thị thông minh, mà nhà ở thông minh là một thành tố không thể thiếu.

Công nghệ là nền tảng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ giữ vai trò nền tảng trong việc phát triển smarthome tại Việt Nam.

Đại diện Schneider Electric Việt Nam nhấn mạnh, để phát triển và xây dựng thành công những thành phố thông minh, cần xây dựng rất nhiều giải pháp giúp quản lý và vận hành thành phố một cách hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.

Theo vị này, phát triển thành phố thông minh cần có nhiều giải pháp, bao gồm: Giải pháp quản lý lưới điện thông minh (Smart Grid); Giải pháp giám sát và điều khiển cho các nhà máy nước; Giải pháp quản lý và điều khiển cho các công trình công cộng như sân bay, trạm tàu điện, cầu cảng; Giải pháp quản lý và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng cho các trung tâm dữ liệu (DataCenter), một phần rất quan trọng trong các thành phố thông minh; Giải pháp về tòa nhà thông minh Smartbuidling cho các công trình như các tòa nhà văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trung tâm thương mại.

Theo đại diện Schneider Electric Việt Nam, một trong những thách thức lớn nhất của quá trình đô thị hóa đó là sự tăng trưởng rất lớn về nhu cầu năng lượng, bởi ước tính, trong 20 năm tới, nhu cầu về điện năng sẽ tăng khoảng 60%. Trong đó, các tòa nhà ước tính tiêu thụ đến 60% tổng số điện năng trong một thành phố.

Do đó, để phát triển thành phố thông minh một cách bền vững, cần có giải pháp giúp vận hành các tòa nhà một cách thông minh, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, cũng như cần có các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nguồn điện nhằm tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào việc vận hành các tòa nhà, ví dụ như pin mặt trời hoặc điện gió.

Ngoài các giải pháp trên, công nghệ nhà thông minh cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thành phố thông minh, vì công nghệ nhà thông minh sẽ hướng mọi người đến với phong cách sống hiện đại, quen dần với sự vận hành của các thiết bị thông minh tạo ra ý thức về công dân thời đại IoT (vạn vật kết nối), từ đó hành vi tiêu dùng của người dân trở nên hiện đại hóa trong thời đại công nghiệp 4.0, trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong công cuộc xây dựng thành phố thông minh.

Trong khi đó, chia sẻ về vai trò của việc thích ứng công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), bà Thanh cho biết, các sản phẩm của Honeywell khi ứng dụng tại Việt Nam đều được tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của thị trường. Song để hiện thực hóa, vẫn rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận, đơn vị để ứng dụng các công nghệ mới.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan