Ngày 19/9/2018 vừa qua là một ngày ghi dấu ấn lịch sử đối với cả SK Group lẫn Masan Group.
Hai bên cùng ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược, bằng việc SK đầu tư 470 triệu USD vào Masan, qua đó gia tăng sự hiện diện của SK tại khu vực Đông Nam Á. SK nhận thấy Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, sẽ phù hợp làm nơi đạt nền móng chiến lược.
Còn Masan sẽ trở thành đối tác lý tưởng nhất cho kế hoạch phát triển dài hạn tại khu vực Đông Nam Á của SK và sẽ có thể nhận được những thành quả từ câu chuyện phát triển triển vọng của Masan với tư cách là một cổ đông nước ngoài lớn nhất của tập đoàn này.
Nếu nhìn sơ qua lịch sử của SK Group và Masan Group, có thể thấy đâu đó những điểm tương đồng giữa hai tập đoàn hàng đầu của Việt Nam và Hàn Quốc.
Cả hai tập đoàn đều tận dụng những cơ hội M&A hiếm có để trở thành những người đi đầu trong các lĩnh vực mà họ tham gia chỉ trong thời gian ngắn.
SK Group là ai?
SK Group là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc trong các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, viễn thông, bán dẫn, logistics và dịch vụ. SK Group hoạt động tại hơn 40 nước trên toàn cầu và có tổng doanh thu là 141 tỷ USD tính đến cuối năm 2017.
Tại Hàn Quốc, tập đoàn này sở hữu hệ thống bán lẻ xăng dầu với các trạm xăng màu cam - đỏ đặc trưng của SK. Ngoài ra, SK còn là công ty viễn thông số 1 Hàn Quốc - SK Telecom - với hơn 40 triệu người dùng, tương đương khoảng 70% dân số Hàn Quốc.
Trong lĩnh vực điện tử, Công ty SK Hynix là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới về chip nhớ chỉ sau Samsung Electronics. SK Group hiện có 95 công ty con và công ty liên kết với hơn 80.000 nhân viên.
SK Group và các công ty con đã có sự hiện diện tại Việt Nam từ rất lâu. Đáng chú ý nhất là khoản đầu tư của họ nhằm phát triển mạng CDMA đầu tiên với tên gọi S-Phone vào năm 2003.
Năm 2018, SK trở thành nhà thầu trong dự án hóa dầu lớn nhất Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với gói thầu trị giá 2,7 tỷ USD.
Masan và SK Group đều là những bậc thầy M&A
SK và Masan đều là những công ty hàng đầu của Hàn Quốc và Việt Nam, cả hai công ty đều có chung tầm nhìn chiến lược là tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực kinh doanh có quy mô lớn, tiềm năng tăng trưởng cao. Đối với SK, đó là lĩnh vực năng lượng, hóa chất, viễn thông, bán dẫn, logistics và dịch vụ.
Còn đối với Masan, họ là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, chuỗi giá trị đạm động vật (từ trang trại đến bàn ăn), hóa chất từ vonfram và dịch vụ tài chính thông qua công ty liên kết Ngân hàng Techcombank.
Giống như Masan, SK Group đã đẩy mạnh tăng trưởng thông qua mua bán - sáp nhập (M&A) và điều này đã giúp vốn hóa của Tập đoàn tăng gần 4 lần chỉ trong gần 8 năm.
SK đã thực hiện các thương vụ M&A mang tính chuyển đổi như vào năm 1980, SK mua lại công ty dầu khí nhà nước Korea Oil và biến nó thành một trong những công ty dầu khí lớn nhất Hàn Quốc.
Năm 1994, SK Group chuyển hướng sang lĩnh vực viễn thông bằng việc tham gia vào quá trình cổ phần hóa công ty viễn thông quốc doanh Korea Mobile Telecommunications Corp.
Năm 1997, công ty này được đổi tên thành SK Telecom và là công ty viễn thông lớn nhất Hàn Quốc cho đến ngày nay.
SK Hynix, nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ hai thế giới, từng được biết đến với tên gọi Hyundai Electronics cho đến khi SK Telecom trở thành cổ đông chi phối của công ty này vào năm 2012 và đổi tên công ty.
Tại Việt Nam, Masan cũng không hề xa lạ với việc sử dụng M&A nhằm có được vị thế dẫn đầu thị trường và đã tái cơ cấu hiệu quả nhiều công ty.
Năm 2011, Masan Consumer gia nhập thị trường cà phê hòa tan bằng biệc mua lại Vinacafé Biên Hòa. Doanh thu của Vinacafé Biên Hòa đã tăng lên 3.249 tỷ đồng trong năm 2017 so với 1.586 tỷ đồng trong năm 2011.
Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của Vinacafé Biên Hòa cũng tăng gấp đôi trong giai đoạn này.
Trong mảng chế biến vonfram, Masan Resources đã trở thành công ty cung cấp hóa chất từ vonfram (như APT, BTO, YTO) lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc với thị phần 36% sau khi mua lại mỏ Núi Pháo.
Giữa tháng 8/2018, Masan Resources đã mua lại 49% nhà máy chế biến hoá chất vonfram hàng đầu thế giới từ H.C. Starck nhằm hiện thực hoá tầm nhìn trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp vonfram với quy mô và ảnh hưởng toàn cầu.
Mới đây, Masan Resources cũng đã mua lại toàn bộ cổ phần H.C. Starck tại liên doanh chế biến hoá chất vonfram tại Núi Pháo với giá 29,1 triệu USD.
Thông qua giao dịch này, Masan Resources sở hữu nhà máy chế biến cận sâu hoá chất vonfram hiện đại hàng đầu thế giới. Công ty cũng đang chủ động tìm kiếm các đối tác đầu ngành để có được công nghệ tạo ra các sản phẩm chế biến sâu từ vonfram, một thị trường trị giá 11 tỷ USD.
Năm 2015, Masan đã mua lại Proconco và ANCO và mang hai doanh nghiệp này về dưới mái nhà chung Masan Nutri-Science. Proconco và ANCO đã mở đường cho Masan Nutri-Science gia nhập chuỗi giá trị đạm động vật.
Trong một thời gian ngắn, với sự cộng hưởng, Masan Nutri-Science đã chiếm 35% thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo tại Việt Nam.
Đồng thời, Masan Nutri-Science đã tạo nên thương hiệu mạnh đầu tiên trong ngành thức ăn chăn nuôi là Bio-zeem, enzyme độc quyền giúp cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cho heo.
Hiện trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao tại Nghệ An của Masan đã đi vào hoạt động, sẽ cung cấp heo thịt cho nhà máy chế biến công suất 1,4 triệu con/năm đang được xây dựng tại Hà Nam.
Công ty dự định sẽ tung thịt heo sạch có thương hiệu ra thị trường vào cuối năm 2018, một thị trường mà Công ty định giá lên đến 10,2 tỷ USD.
Cả Masan và SK đều tận dụng M&A để hợp nhất chuỗi giá trị theo chiều dọc, giúp cả hai tập đoàn sở hữu được nguồn nguyên liệu cũng như công nghệ để chế tạo ra sản phẩm cho người dùng cuối.
Nhờ vào thoả thuận hợp tác, một số lĩnh vực mà SK và Masan có thể tương hỗ cho nhau bao gồm chăn nuôi (SK đang sở hữu 27% của công ty sản xuất thịt bò lớn thứ ba của Trung Quốc), chip nhớ và hoá chất (mảng sản xuất chip nhớ của SK cần các loại nguyên liệu từ vonfram) và cũng không loại trừ khả năng cả hai tập đoàn cùng đầu tư vào một hướng đi hoàn toàn mới.