Lễ ký kết đã diễn ra tại trụ sở của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) vào ngày 14/6 vừa qua. Tập đoàn Bamboo Ecologic Corporation (gọi tắt là Rizome) - có trụ sở tại bang Nevada, Hoa Kỳ.
Mục tiêu của dự án là hướng tới việc “Chữa lành trái đất”, chống biến đổi khí hậu thông qua hấp thụ hàng triệu tấn khí thải carbon gây nên hiệu ứng nhà kính, đồng thời tạo ra vùng nguyên liệu tre lớn để cung cấp cho ngành công nghiệp của Việt Nam cũng như cho các nhà máy sản xuất ván tre OSB cho ngành xây dựng và nội thất mà SJF và BARDAG đang triển khai xây dựng.
Mục tiêu rất quan trọng nữa của Dự án này là giúp chống xói mòn, bảo vệ rừng đầu nguồn, tái tạo đất và đặc biệt là mang lại thu nhập bền vững cho bà con nông dân trồng tre tại các tỉnh miền núi trong phạm vi quy mô của dự án. Dự án tương tự đã được Rizome và đối tác USAID (tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ) đang triển khai rất thành công tại Philippines.
Ông Russell Smith - Chủ tịch, CEO của Tập đoàn Rizome cho biết: “Sở dĩ chúng tôi quyết định lựa chọn cây tre vì tre là loại cây có khả năng sinh trưởng rất nhanh, giữ nước và có đặc tính hấp thụ khí C02 một cách kỳ diệu giúp chống biến đổi khí hậu đồng thời có thể cung cấp cho thị trường vật liệu xây dựng rất tốt thay thế cho gỗ ngày càng khan hiếm. Rizome và SJF đã là đối tác của nhau trong hơn 5 năm. Dự án được triển khai thành công tại Việt Nam đem lại hiệu quả và tác động to lớn đối với môi trường và kinh tế xã hội địa phương, đem lại nguồn thu nhập lớn cho cả người dân trồng tre và liên doanh SJF - Rizome".
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Sao Thái Dương, vật liệu tre công nghiệp sẽ thay thế dần cho các sản phẩm từ gỗ về chất lượng, độ bền và đặc biệt về tính thân thiện với môi trường. Dự án triển khai thành công sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững cho các nhà máy sản xuất ván tre ép công nghiệp như ván tre ép, ván tre ép định hướng, các sản phẩm tre ép khối… của SJF và Việt Nam.
"Dự án sẽ đặc biệt chú trọng vào khu vực miền Trung hiện nay cứ mùa mưa bão lại bị lũ lụt để bảo vệ tài sản và con người, đồng thời đem lại nguồn thu nhập lớn và bền vững cho người dân nơi đây. Mục tiêu là sau 8 năm nữa sẽ không còn cần phải “cứu trợ” hàng năm cho bà con khu vực này như hiện nay", ông Nghĩa cho biết.
Dự án được sự ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế như USAID, Oxfam cũng đang tài trợ phát triển trong lĩnh vực này ở Phillipines. Dự án có sự tham gia của các đối tác trong nước như VCCI (hỗ trợ truyền thông, kết nối và phát triển thị trường), Trường đại học Lâm nghiệp và Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, giống cây.
Các bên sẽ làm việc để xây dựng dự án chi tiết và đề xuất với Bộ Nông Nghiệp và Chính phủ Việt Nam để có chủ trương triển khai trên tất cả các tỉnh miền Bắc đến Quảng Ngãi. Dự án dự kiến sẽ được thực hiện từ năm 2023 đến 2033 và tiếp tục gia hạn mỗi 10 năm một lần.