Síp - Tương lai bất định

Síp - Tương lai bất định

Đảo Síp đã náo loạn kể từ khi chính phủ công bố kế hoạch đánh thuế lên tiền gửi tiết kiệm và lãi suất tiết kiệm của người dân, khiến quốc hội phải phủ quyết kế hoạch ứng cứu trị giá 10 tỷ EUR do bộ 3 Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Liên minh châu Âu (EU) đề xuất.

Cơn sốt rút tiền

Một trong những điều kiện đi kèm gói ứng cứu là Síp phải đánh thuế 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000EUR và 6,7% với tiền gửi thấp hơn. Đây là lần đầu tiên EU đề xuất giải pháp đi kèm này. Đề xuất này nhắm đến lượng tiền gửi khổng lồ ở các nhà băng Síp, theo ước tính của IMF, tài sản của các nhà băng trên Đảo Síp lớn gấp 7 lần GDP của đất nước.

Các nhà quan sát tin rằng những chính sách ngân hàng cởi mở của đảo quốc này đã biến nơi đây thành một “thiên đường rửa tiền” của giới mafia Nga. Với các khoản thuế này, các nhà chức trách hy vọng sẽ huy động được 5,8 tỷ EUR để đảm bảo cho khoản ứng cứu.

Tuy nhiên, đề xuất đánh thuế tiết kiệm cũng tác động mạnh mẽ lên túi tiền của người dân, khiến họ phản ứng quyết liệt. Ngay sau khi kế hoạch đánh thuế được công bố, dân Síp ồ ạt kéo nhau đi rút tiền. Những hàng người rồng rắn và náo loạn xuất hiện ở các máy ATM và ngân hàng.

Theo quy định của các ngân hàng ở Síp, mỗi người chỉ rút được tối đa 400EUR/ngày ở ATM. Dù vậy, các máy ATM nhanh chóng bị rút sạch tiền. Các ngân hàng cũng nhanh chóng cạn tiền mặt và phải tạm ngừng giao dịch. Không chỉ vậy, những người dân giận dữ còn trèo lên mái đại sứ quán Đức để nhổ cờ nước này quăng xuống đường, vì cho rằng đề xuất chính là kết quả của các nhà chức trách ở Berlin .

Những cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi với nội dung phản đối EU và Đức. Giới quan sát lo ngại sự bất ổn ở Síp có thể tác động dây chuyền đến các nước Eurozone đang căng thẳng khác như Tây Ban Nha, Italia…

 

Phủ quyết

Trước áp lực nhiều bên, Quốc hội Síp hôm 19-3 đã bác bỏ kế hoạch ứng cứu với 39 phiếu chống và 19 phiếu thuận, đẩy Síp vào một tương lai bất định. Marios Karoyian, lãnh đạo Đảng Dân chủ trong liên minh Chính phủ của Tổng thống Nicos Anastasiades, gọi các điều khoản trong gói ứng cứu là một cuộc “tấn công” Đảo Síp. “Những chính sách khắc khổ là phi đạo đức và làm xói mòn nền tảng của EU” - Karoyian nói.

 

Người dân Síp đổ xô rút tiền.

 

Averoff Neofytou, lãnh đạo đảng cầm quyền Democratic Rally, thêm: “Chúng tôi phải thừa nhận rằng điều này sẽ dẫn đến tự sát kinh tế. Chúng tôi đang gửi đến một thông điệp cho Brussels , Berlin , Frankfurt và Washington : Đừng buộc chúng tôi rời bỏ đồng EUR”.

Tổng thống Anastasiades cáo buộc các lãnh đạo châu Âu và IMF đã ép buộc ông phải chấp thuận những điều khoản gây tổn hại cho người gửi tiền và người về hưu.

Đáp lại, các quan chức Đức và IMF nói họ không buộc Síp phải đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, nhưng nước này phải làm thế nào để huy động được 5,8 tỷ EUR để bảo đảm gói ứng cứu 10 tỷ EUR. Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng bà muốn đạt một thỏa thuận giảm bớt gánh nặng cho người gửi tiền bình thường. “Chúng tôi rất ủng hộ việc Síp định triển khai mức thuế nhẹ hơn đối với người gửi tiền bình thường” - bà Lagarde nói.

Sau cuộc bỏ phiếu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ không cắt ngay các khoản tiền khẩn cấp, vì sẽ khiến các ngân hàng Síp sụp đổ. ECB cho biết sẽ bàn bạc lại với IMF và EC, nhưng cảnh báo có thể thắt chặt quy định cho vay đối với các ngân hàng Síp.

 

Bàn tay Nga

Tình hình ở Síp cũng là mối quan tâm đặc biệt của Moscow , vì ước tính có 1/3 tài sản các ngân hàng Síp thuộc về người Nga. Ước tính những tay tài phiệt Nga đang gửi khoảng 35 tỷ EUR (gấp đôi GDP Đảo Síp) trong các ngân hàng Síp.

Ngoài ra, các ngân hàng Nga đã cho vay khoảng 40 tỷ USD cho các công ty của những ông chủ người Nga đang hoạt động ở đảo quốc này. Nếu tình hình ở Síp tệ hơn, để ngăn chặn dòng vốn chảy ra, Chính phủ Síp chắc chắn sẽ áp dụng những biện pháp kiểm soát dòng vốn.

Ivan Tchakarov, Kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital ở Moscow, ước tính những biện pháp như vậy sẽ khiến các ngân hàng Nga thiệt hại tương đương 2% GDP, và đó là một cú đấm nặng cho nền kinh tế Nga hiện nay. Vì vậy, Nga kịch liệt phản đối gói ứng cứu của bộ 3 IMF, EC và EU, đặc biệt đối với đề xuất đánh thuế tiết kiệm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả kế hoạch ứng cứu là “bất công, không chuyên nghiệp và nguy hiểm”, trong khi Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev nói kế hoạch “giống như tịch thu tiền của người khác”. Ông Medvedev thậm chí đã cảnh báo Nga có thể “điều chỉnh” quan hệ với Síp nếu thuế tiết kiệm được thông qua, đồng thời Moscow có thể xem xét lại quyết định tái cơ cấu khoản nợ 2,5 tỷ EUR đối với Síp.

Trước đó, Nga đề xuất ứng cứu Síp thông qua công ty dầu khí quốc doanh Gazprom, nhà khai thác khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới. Dù Gazprom chưa nói rõ sẽ ứng cứu trọn gói cho Síp (10 tỷ EUR) như bộ 3 kể trên, hay chỉ giúp đảo quốc này 5,8 tỷ EUR để đáp ứng yêu cầu cứu trợ của bộ 3, nhưng để đổi lại Síp phải nhượng lại quyền khai thác tất cả mỏ khí đốt trong nước cho Gazprom.

Theo ước tính, các mỏ khí đốt của Síp có giá trị lên tới 300 tỷ EUR. Ngoài ra, Moscow có thể sẽ yêu cầu Síp phải mạnh tay với nhiều oligarch Nga, những người bị cáo buộc dùng Síp để rửa tiền và trốn thuế. Điều này có thể gây tổn hại lớn đến nguồn tiền của các ngân hàng Síp.