Sau hơn 10 năm đồng hành cùng chính quyền và nhân dân địa phương, chương trình Hỗ trợ phát triển huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu do tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện, đã hỗ trợ hiệu quả việc tăng cường phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, góp phần hỗ trợ sinh kế bền vững để nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, đồng thời cải thiện quản trị nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình và tăng tính minh bạch trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Với tổng ngân sách hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng, các hoạt động của chương trình này tập trung vào 6 lĩnh vực chính: phát triển các mô hình sinh kế bền vững, nâng cao năng lực thông qua các lớp xóa mù chữ, tăng cường bình đẳng giới và quyền phụ nữ, nâng cao điều kiện học tập và sinh hoạt của trẻ em, nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương, tập huấn kỹ năng phòng ngừa thiên tai và biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, chương trình tập trung thúc đẩy các giải pháp sinh kế thay thế và nông nghiệp bền vững nhằm giúp người dân địa phương thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Với hoạt động chính là huy động các nguồn vốn từ dự án để áp dụng vào sản xuất kinh tế, ứng dụng các mô hình chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phù hợp với điều kiện của địa bàn và người dân, áp dụng các kiến thức khoa học từ các khóa tập huấn, các mô hình sinh kế bền vững đã giúp cho hàng nghìn hộ dân được hưởng lợi từ việc nhân rộng các điển hình thành công, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Trường hợp của anh Lù A Páo, người dân tộc Dao, là một trong những hộ thành công điển hình về ứng dụng phát triển mô hình nuôi lợn trắng theo chương trình hỗ trợ của AAV. Từ khi được tập huấn mô hình nuôi lợn trắng sinh sản và được dự án hỗ trợ 1 con lợn nái, được tập huấn kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi mới, mô hình nuôi lợn của hộ gia đình anh đã mang lại hiệu quả cao, thu nhập gia tăng, cuộc sống được cải thiện đáng kể. Năm 2015, gia đình anh Páo đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư, hướng tới mở rộng trồng trọt và chăn nuôi.
Với các mô hình sinh kế bền vững áp dụng nhân rộng, thu nhập của người dân địa phương đã được cải thiện đáng kể. Theo số liệu đánh giá độc lập cuối kỳ năm 2015, so với số liệu khảo sát năm 2013, thu nhập trung bình năm của các hộ gia đình tại huyện Tam Đường trong dự án đã tăng từ 20 triệu đồng lên 27,9 triệu đồng, thể hiện tính hiệu quả rõ rệt của các mô hình.
Bên cạnh đó, dự án còn tập trung vào mục tiêu cải thiện quản trị nhà nước cấp địa phương, nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai và minh bạch trong việc lập các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, nâng cao năng lực nhận thức, giám sát và tham gia của người dân.
Các hoạt động cụ thể được triển khai là tập huấn về cải cách hành chính và dịch vụ công, giúp giảm thời gian và phiền hà cho người dân khi làm thủ tục hành chính. Cả cán bộ địa phương và người dân đều được tham gia tập huấn hoạt động phân tích ngân sách xã để nắm bắt và nâng cao năng lực giám sát, quản lý tốt hơn ngân sách địa phương.
Theo đánh giá của người dân, sau khi được tham gia các lớp tập huấn này, thái độ của cán bộ xã khi giải quyết các dịch vụ công liên quan đến cấp Giấy khai sinh, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… đã có sự cải thiện tích cực, cán bộ chính quyền đã có thái độ hướng dẫn tốt hơn để người dân hiểu và làm theo đúng luật.
Đồng thời, người dân được tăng năng lực giám sát, từ đó tăng khả năng đối thoại với chính quyền, hướng tới cải thiện các dịch vụ công nói chung, cũng như môi trường hành chính công nói riêng, để phục vụ đời sống người dân tốt hơn.
Đánh giá tổng thể về hiệu quả chương trình, bà Tần Thị Quế, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Đường chia sẻ: “Với sự kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu của Chương trình và định hướng phát triển kinh tế của huyện, của địa phương, các mô hình sinh kế, mô hình điểm đã và đang góp phần nâng cao nhận thức của người dân tại cộng đồng nơi dự án hỗ trợ, từ đó giúp mang lại những đổi thay tích cực về kinh tế-xã hội cho địa phương”.
Cũng theo bà Quế, cách tiếp cận dựa trên sinh kế bền vững là cách tiếp cận mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ phát triển bền vững tại địa phương. Với ưu điểm là bền vững trong cách thức triển khai, các chính sách đảm bảo thống nhất và đồng bộ, việc triển khai không chồng chéo, giảm đầu mối quản lý, phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội địa phương của Chính phủ hiện nay, do đó cần được nhân rộng để nâng cao hơn nữa sự hiệu quả.