Singapore sau “di sản” kinh tế của Lý Quang Diệu

Singapore sau “di sản” kinh tế của Lý Quang Diệu

(ĐTCK) Một năm đã trôi qua kể từ khi Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Singapore, qua đời. 

Mất đi người đặt nền móng kinh tế, tận dụng thành công những biến đổi toàn cầu sau thế chiến thứ II để tạo động lực phát triển kinh tế cho Singapore, đảo quốc này hiện đang phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan, khi sự phụ thuộc vào nhu cầu toàn cầu hóa ra lại trở thành gánh nặng trong thời đại mới. Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu vẫn yếu và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Singapore vẫn chưa tìm ra chiến lược mới cho thời kỳ tăng trưởng thấp.

Ngày 23/3, Singapore kỷ niệm một năm ngày mất của Lý Quang Diệu, hàng loạt hoạt động tưởng niệm đã diễn ra. Rõ ràng, những di sản mà ông để lại vẫn hiện hữu ở đất nước này. Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất là chiến lược ngoại giao hướng tới kết nối các thị trường, đưa Singapore trở thành một đầu mối thương mại toàn cầu.

Nỗ lực của Lý Quang Diệu tiếp tục đem lại “trái ngọt” sau khi ông mất, như sự thành công trong việc giữ được những lợi thế quốc gia khi gia nhập  Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Singapore theo đuổi. Chiếm tới 40% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu, TPP là một hiệp định thương mại lớn nhất từ trước đến nay của Singapore, và như vậy công cuộc dẫn dắt tự do hóa thương mại của Lý Quang Diệu vẫn đang tiếp diễn tại quốc đảo này.

Một ví dụ khác là hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan, diễn ra tại Singapore hồi tháng 11 năm ngoái. Nguồn tin ngoại giao cho biết, không có quốc gia nào ngoại trừ Singapore có thể tổ chức được cuộc gặp lịch sử này, bởi lẽ Lý Quang Diệu từng là người giữ được mối quan hệ gần gũi với cả Đại lục và Đài Loan. Ngay cả sau cái chết của ông, vai trò quốc tế của Singapore với Trung Quốc và Đài Loan vẫn chưa biến mất.

Vốn nổi tiếng trong việc xây đắp các mối quan hệ, Lý Quang Diệu giữ vai trò quan trọng trong ngăn ngừa các xung đột quốc tế và xây dựng mối quan hệ kinh tế vì sự tăng trưởng của chính Singapore. Ông cho rằng, nếu các quốc gia rút ngắn khoảng cách và thương mại quốc tế phát triển, Singapore có thể được hưởng lợi rất lớn.

Lý Quang Diệu cũng tích cực khuyến khích các doanh nghiệp quốc tế tới Singapore, bằng cách trao cho họ những ưu đãi hiếm có. Những nỗ lực này biến Singapore trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới.

Tuy nhiên, di sản của Lý Quang Diệu lại đang đứng trước nhiều thách thức hiện nay. Tăng trưởng thực tế của Singapore đã giảm xuống 2% trong năm ngoái, đồng thời hoạt động xuất khẩu vẫn ở mức rất yếu. Nhu cầu tiêu thụ chậm trên toàn cầu là một lý do, song còn có những nguyên nhân khác. Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore vẫn theo đuổi chính sách đồng nội tệ mạnh, bất chấp kinh tế tăng trưởng chậm lại, vốn tương ứng với chiến lược hút vốn đầu tư nước ngoài của Lý Quang Diệu.

Ông từng nói: “Chúng ta phải tạo điều kiện dễ dàng cho các nhà đầu tư hoạt động thành công và sinh lời tại Singapore”. Tuy nhiên, chiến lược tiền tệ hiện nay của nước này đang làm tổn thương sức cạnh tranh xuất khẩu. Với dân số chỉ dưới 6 triệu người, Singapore không thể phụ thuộc vào nhu cầu nội địa để tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long thừa nhận, tình thế hiện tại của Singapore khác rất xa so với thời điểm 50 năm trước. Hiện người dân Singapore cũng đang chia rẽ về hai luồng ý kiến. Một phía tỏ ra tin tưởng tuyệt đối vào nền tảng vững mạnh mà Lý Quang Diệu để lại và trông đợi vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Một bên (đặc biệt là giới trẻ) bắt đầu tỏ ra lo lắng về hiện trạng kinh tế hiện nay, đồng thời cho rằng, các biện pháp mà chính phủ đang thực hiện là không hiệu quả.

Một năm sau khi Lý Quang Diệu qua đời, Singapore rõ ràng đang phải vật lộn với thách thức trước mắt: vạch ra một chiến lược mới để duy trì sự thịnh vượng cho thế hệ kế tiếp.

Tin bài liên quan