Trong Báo cáo Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu (Worldwide Cost of Living) mà EIU vừa công bố, Singapore, Paris (Pháp) và Hồng Kông (Trung Quốc) cùng đứng đầu danh sách đắt đỏ nhất thế giới. Trong đó, Singapore đã xếp thứ nhất 6 năm liên tiếp. Còn Paris và Hồng Kông mới là lần đầu.
Hai cái tên còn lại trong top 5 là Zurich và Geneva(Thụy Sĩ). Trong khi đó, New York và Los Angeles (Mỹ) quay trở lại top 10 nhờ đồng đôla mạnh lên.
Hai thành phố khác của châu Á góp mặt trong top 10 là Osaka (Nhật Bản) và Seoul (Hàn Quốc). Osaka năm nay tăng 6 bậc so với năm ngoái.
Đây là bảng xếp hạng hàng năm của EIU, so sánh giá cả 160 sản phẩm dịch vụ (như bánh mỳ, rượu vang, xì gà và xăng) tại các thành phố ở 93 quốc gia trên thế giới.
Nó sẽ giúp các giám đốc nhân sự tính toán chi phí hợp lý khi điều chuyển nhân viên ra nước ngoài. Theo báo cáo của EIU, 3 thành phố đứng đầu danh sách có sinh hoạt phí cao hơn New York 7%.
10 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới, theo EIU.
Năm nay, Sydney vắng mặt trong top 10. "Nội tệ yếu đã đẩy các thành phố của Australia và New Zealand xuống hạng", EIU giải thích.
Báo cáo cũng nhận định các thành phố của Trung Quốc có chi phí sinh hoạt tương đối ổn định. Nhiều thành phố khác ở châu Á cũng đang tăng hạng. Một trong các lý do là chi phí thực phẩm nhìn chung tăng.
Dù vậy, đứng cuối danh sách cũng là các đại diện châu Á. Bangalore, Chennai, New Delhi (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan) đều thuộc nhóm có sinh hoạt phí rẻ nhất thế giới năm nay.