MTI cho biết, dự báo tăng trưởng kinh tế Singapore cả năm 2023 đã được cắt giảm so với ước tính từ 0,5 - 2,5%.
Trong quý II/2023, GDP của Singapore tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn so với ước tính trước đó trong tháng 7 của chính phủ nước này là 0,7% và tốt hơn một chút so với mức tăng trưởng 0,4% được ghi nhận trong quý I/2023.
“Triển vọng về nhu cầu bên ngoài của Singapore trong thời gian còn lại của năm nay vẫn còn yếu”, MTI cho biết.
Các số liệu yếu hơn được đưa ra khi quốc đảo này phải vật lộn với tình trạng suy giảm nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất, cũng như các mặt hàng điện tử xuất khẩu chính của nước này. Xu hướng này đã tồn tại hơn một năm, trong bối cảnh điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi ở đối tác thương mại lớn là Trung Quốc.
Lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu đã giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II/2023, thậm chí còn giảm nhiều hơn cả mức giảm 5,4% trong quý I.
MTI lưu ý thêm: “Ngoài sự suy giảm đã được dự đoán từ trước tại các thị trường chịu nhiều ảnh hưởng từ nhu cầu bên ngoài của Singapore, thì sự suy giảm trong lĩnh vực công nghệ, điện tử toàn cầu cũng có thể sẽ kéo dài hơn. Lĩnh vực này sẽ phục hồi dần dần và dự kiến phục hồi sớm nhất cũng phải vào cuối năm nay".
Đặc biệt, sản lượng sản xuất trong ngành này có thể sẽ bị giảm mạnh, phần lớn là do sự sụt giảm sản lượng trong các cụm công nghiệp điện tử và kỹ thuật do những xung đột thương mại toàn cầu”, MTI cho biết thêm.
Tăng trưởng trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm cũng được dự báo sẽ chậm lại do tình hình kinh tế bên ngoài tiếp tục yếu và các điều kiện tài chính eo hẹp cùng với những khó khăn chung trên thị trường tài chính toàn cầu.
Chính phủ Singapore cũng nhấn mạnh những rủi ro suy giảm trong nền kinh tế toàn cầu vẫn còn, đồng thời nói thêm rằng “triển vọng cho phần còn lại của năm nay vẫn còn ảm đạm”.
Những rủi ro trong nửa cuối năm có thể kể đến lạm phát dai dẳng hơn dự kiến ở các nền kinh tế lớn trên thế giới. Điều này có thể gây ra các điều kiện tài chính thắt chặt hơn trên toàn cầu và dẫn đến việc chi tiêu toàn cầu bị kìm hãm lại.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết, nguy cơ leo thang trong cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine và căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc lớn trên toàn cầu cũng có thể dẫn đến “sự gián đoạn nguồn cung mới, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như đè nặng lên thương mại toàn cầu”.
Trong khi đó, các khía cạnh khác của nền kinh tế Singapore là hoạt động xây dựng và thương mại bán lẻ đã ghi nhận sự mở rộng trong quý II. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này phần lớn không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất.