Quay trở lại năm 2002, thời điểm mà Singapore vừa đứng dậy khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1964, chính phủ quốc gia này dường như đã mất kiên nhẫn với nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào các tập đoàn đa quốc gia, cùng một nhóm nhỏ bé các doanh nghiệp do nhà nước hỗ trợ như Singapore Airlines Ltd.
Khi đó, báo cáo về “tinh thần khởi nghiệp và quốc tế hóa” chỉ rõ, chỉ 5% người dân Singapore đang tự điều hành công việc kinh doanh của riêng mình, so với tỷ lệ 12% tại Mỹ. Ông Lý Hiển Long, lúc bấy giờ giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, trước khi trở thành Thủ tướng Singapore, cam kết sẽ cải thiện tình trạng này, chấp thuận thêm các hình thức kinh doanh mới như trách nhiệm hữu hạn.
Kể từ đó cho tới nay, 15 năm với rất nhiều nỗ lực cải tổ hệ thống thuế, các chiến dịch cổ vũ tinh thần kinh doanh, hỗ trợ nhà giá hợp lý, vẫn không có nhiều thay đổi với câu chuyện khởi nghiệp. Công ty Creative Technology Ltd do Sim Wong Hoo, doanh nhân từng được xem là người hùng của Singapore sáng lập và làm Chủ tịch, hiện chỉ có giá trị 63 triệu USD, so với mức 3 tỷ USD thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt dot-com. Câu lạc bộ các tỷ phú Singapore với 21 người chỉ toàn nam giới, độ tuổi trung bình là 69 tuổi, tương đương với Nhật Bản.
Thêm vào đó, nhóm tỷ phú này có hoạt động khá mờ nhạt. Có 5 tỷ phú Trung Quốc, 3 tỷ phú Hong Kong trong Top 200 nhà sưu tập nghệ thuật trên thế giới. Không đại gia Singapore nào góp mặt, theo UBS Group AG và PwC LLP.
Đốm sáng duy nhất trong bức tranh buồn chán này là cựu môi giới chứng khoán Peter Lim, con trai một người bán cá đã gây dựng nên khối tài sản lớn nhờ dầu cọ và sở hữu chuỗi cửa hàng cà phê tại châu Á. Peter Lim sở hữu câu lạc bộ Valencia (Tây Ban Nha), trở thành tỷ phú duy nhất của Singapore sở hữu riêng một câu lạc bộ thể thao.
Trong bối cảnh này, thử tượng tượng các thành viên thị trường đã ngạc nhiên tới mức nào khi thông tin về 3 thương vụ đình đám của Singapore được công bố. Cụ thể, Broadcom Ltd, do CEO Hock Tan điều hành, đưa ra lời đề nghị mua lại Qualcomm Inc với giá 105 tỷ USD; Nippon Paint Holdings Co (Nhật Bản), có cổ đông lớn nhất là tỷ phú Singapore 90 tuổi Goh Cheng Liang, chào mua Axalta Coating Systems Ltd với giá khởi điểm 8 tỷ USD và Kuok Meng Ru (29 tuổi), con trai thứ ba ông trùm dầu cọ kiêm tỷ phú Singapore Kuok Khoon Hong, người sáng lập BandLab Technologies Ltd đang tìm cách mua lại 51% cổ phần còn lại của Rolling Stone, nhằm sở hữu 100% tờ tạp chí này.
Bên cạnh đó, một số tên tuổi khác cũng khiến Singapore nức lòng. Grab, ứng dụng chia sẻ xe đang là đối trọng lớn nhất của Uber tại Đông Nam Á, dù được sinh ra tại Malaysia, nhưng người đồng sáng lập Anthony Tan và Tan Hooi Ling đã chọn Singapore là thị trường để đẩy mạnh sự mở rộng trong khu vực. Grab được xem là một trong hai unicorn (doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD) của Singapore.
Chưa kể, Sea Ltd, công ty trò chơi và thương mại điện tử vừa có màn ra mắt hoành tráng tại New York trong tháng trước. Hiện tại, giá cổ phiếu của Sea đã giảm 24% so với mức giá IPO sau khi công bố thua lỗ quý III/2017 gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Người sáng lập, CEO Forrest Li có thể đưa Sea vượt qua giai đoạn khó khăn này hay không vẫn chưa có câu trả lời, tuy nhiên, việc một công ty khởi nghiệp công nghệ Singapore thu về 7,2 tỷ USD vẫn là một dấu mốc lớn.
Còn quá sớm để nhận định liệu Singapore có đang ở thời kỳ đỉnh cao của độ tuổi doanh nhân hay không. Nhưng có một điều rõ ràng, đó là chính phủ nước này đã thúc đẩy tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường, ngay cả các doanh nghiệp có liên quan tới nhà nước như Singapore Telecommunications Ltd, StarHub Ltd và ComfortDelgro Corp cũng phải đối diện với sức ép từ các đối thủ mới trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông và vận tải.
Mùi vị của sự cạnh tranh ngày càng mạnh hơn và ít nhất, các doanh nhân tại quốc gia này đã phần nào nới lỏng dây cương tự kiềm chế mình để liều lĩnh hơn trong hoạt động kinh doanh.