Số doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong danh sách Ủy ban trực tiếp thực hiện là 6, nhưng đều là tên tuổi lớn, như Vinacomin.

Số doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong danh sách Ủy ban trực tiếp thực hiện là 6, nhưng đều là tên tuổi lớn, như Vinacomin.

Siêu ủy ban với trọng trách tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

“Khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ có khởi sắc, bứt phá trong năm 2019”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói như vậy trong cuộc làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giao rõ trách nhiệm cho cơ quan này.

Trách nhiệm của siêu... Ủy ban

Trong cuộc làm việc chính thức đầu tiên của lãnh đạo Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) sau 6 tháng kể từ khi Ủy ban được thành lập vào tháng 9/2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắc đến các việc phải tập trung trước mắt của Ủy ban.

Đó là tập trung xử lý 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành công thương trước đây, đã được chuyển giao về Ủy ban; phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, trong đó tập trung tái cơ cấu toàn diện về tài chính, nhân sự và đầu tư...

“Khi Ủy ban được thành lập, kỳ vọng của người dân là làm sao để đồng vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp tốt hơn, quá trình tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ, công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao hơn cho nền kinh tế. Yêu cầu này là hợp lý vì đấy là đồng thuế của dân, đồng vốn của dân. Nhưng đó là sứ mệnh lịch sử của Ủy ban”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Cho đến nay, Ủy ban đã tiếp nhận quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Việc bàn giao theo nguyên tắc nguyên trạng. Cùng với đó là các kế hoạch sẽ phải thực hiện tiếp tục. Chỉ tính riêng các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2019-2020, phần việc Ủy ban phải làm thực sự lớn.

Cụ thể, 3 tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành thoái vốn trong giai đoạn 2018-2020 là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - thoái 24,86% trong năm 2018), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV - thoái 20% trong năm 2018 và 10,04% năm 2020) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA  - thoái 35,16% năm 2019) đều chưa thực hiện được.

Số doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong danh sách Ủy ban trực tiếp thực hiện là 6, nhưng đều là tên tuổi lớn, như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoảng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem)...

Phần việc phải làm của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng không hề nhỏ. Tính đến hết năm 2018, SCIC mới thực hiện thoái vốn từ 47 doanh nghiệp trong tổng số 132 doanh nghiệp phải thoái vốn nhà nước theo Quyết định 1001/QĐ-TTg. Đặc biệt, việc chuyển giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC theo Quyết định 1232/QĐ-TTg còn chậm. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh mới chuyển giao vốn nhà nước của 9 trong tổng số 46 doanh nghiệp phải chuyển về SCIC.

Việc thực hiện chuyển giao doanh nghiệp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt theo Chỉ thị 01/2019/CT-TTg từ các bộ, địa phương về SCIC cũng chưa thực hiện được, dù hạn định là trước ngày 31/3/2019 đã ở trước mặt. Tính đến hết năm 2018, các bộ, ngành, địa phương mới hoàn thành chuyển giao về SCIC 29 trong số 62 doanh nghiệp phải chuyển về SCIC để thoái vốn.

Khó khăn từ các công việc dang dở

Các lãnh đạo của Ủy ban cùng hơn 50 nhân sự đã được tuyển dụng tính đến tháng 1/2019 của Ủy ban Quản  lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là những người hiểu rõ nhất những thách thức, khó khăn để thỏa mãn những kỳ vọng trên. Số công việc dở dang mà Ủy ban nhận được sau khi bàn giao lên tới 373 công việc, liên quan đến nhiều vấn đề, từ quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, đánh giá xếp loại doanh nghiệp, đến tiền lương, phê duyệt báo cáo tài chính, báo cáo giám sát tài chính...

Trong số này, có nhiều khó khăn đã tồn tại từ trước, thuộc về cơ chế, chính sách, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước... Có thể nhắc tới phương án sắp xếp, xử lý nhà đất của một số doanh nghiệp thuộc SCIC dù đã trình và Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm kê, có biên bản từ năm 2017, trước khi Ủy ban ra đời, nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Đó là trường hợp của Công ty TNHH một thành viên In thống kê TP.HCM, Công ty TNHH một thành viên Khai thác và Chế biến đá An Giang, Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam.

Việc chậm trễ trong phê duyệt phương án sử dụng đất của một số địa phương cũng đang làm Tổng công ty Cà phê Việt Nam gặp khó khăn khi rà soát, sắp xếp, xử lý nhà đất... “Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa gửi lấy ý kiến của địa phương về phương án sử dụng đất, nhưng rất chậm được trả lời.

Có doanh nghiệp đã chuyển thành công ty cổ phần mà chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất, trong khi tài sản trên đất đã được tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư mua cổ phần, gây khó khăn khi thực hiện quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa”, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban báo cáo.

Chia sẻ các khó khăn này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban phải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết. “Nhiều vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vẫn đang phải xử lý, chứ không phải do có Ủy ban mà phát sinh. Nhưng giờ, Ủy ban làm chức năng đại diện chủ sở hữu, chủ trì đầu mới xử lý các công việc của đại diện chủ sở hữu”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Cả năm 2018 mới có 35 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cơ cấu lại

Sáng qua (28/3), Bộ Tài chính họp báo về kết quả cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2018, giải pháp đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN. Đến hết năm 2018, có 35/526 DNNN được phê duyệt phương án cơ cấu lại. Việc chậm trễ này đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN đề ra theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính đề nghị thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Tin bài liên quan