Siêu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: Vừa làm, vừa căn chỉnh

Siêu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: Vừa làm, vừa căn chỉnh

(ĐTCK) Sau nhiều lần chỉnh sửa, Dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đi đến bản cuối cùng để trình Chính phủ. Đây là bước tiến dài tới mục tiêu tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

Định danh quyền lực của Ủy ban

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là cơ quan (Ủy ban) thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu gồm 20 tập đoàn, tổng công ty, với tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước là trên 821.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản trên 1,5 triệu tỷ đồng (tương đương 50% giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước và tổng giá trị tài sản của khu vực doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

 Đúng như tên “siêu ủy ban” mà thị trường vẫn nôm na gọi, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước có quyền lực rất lớn. Đơn cử như quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, doanh nghiệp theo quy định; phê duyệt điều lệ, vốn điều lệ của doanh nghiệp; phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất-kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty; quyết định chủ trương hoặc phê duyệt dự đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định; phê duyệt báo cáo tài chính, phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hằng năm của doanh nghiệp…

Ở những doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước, với tư cách là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Ủy ban có nhiệm vụ và quyền hạn của cổ đông, thành viên góp vốn của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên. Việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ này phải thông qua người đại diện vốn nhà nước do Ủy ban cử hoặc bổ nhiệm. Ủy ban không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp.

Chuyên nghiệp bộ máy theo ngành dọc

Quản lý một lượng tài sản khổng lồ, lại thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước dự kiến sẽ có các đơn vị trực thuộc theo ngành dọc. Chẳng hạn, Vụ Nông nghiệp giúp Lãnh đạo Ủy ban trong việc quản lý, giám sát toàn diện khu vực doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu thuộc lĩnh vực được phân công.

Vụ Công nghiệp giúp Lãnh đạo Ủy ban trong việc quản lý, giám sát toàn diện khu vực doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp sản xuất; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu thuộc lĩnh vực được phân công.

Vụ Năng lượng giúp Lãnh đạo Ủy ban trong việc quản lý, giám sát toàn diện khu vực doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu thuộc lĩnh vực được phân công.

Vụ Công nghệ, hạ tầng giúp Lãnh đạo Ủy ban trong việc quản lý, giám sát toàn diện khu vực doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, viễn thông, hạ tầng.

Trong các buổi hội thảo về mô hình ủy ban, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp (tập đoàn, tổng công ty) có thể rơi vào cảnh “một cổ nhiều tròng” khi đã có thêm cơ quan quản lý ngành, giờ lại thêm "siêu ủy ban". Điều này có thể khiến các quyết định kinh doanh phải qua nhiều tầng nấc xin ý kiến, dẫn tới chậm trễ, không tận dụng được cơ hội. Nói rộng hơn đó chính là mối quan hệ giữa Ủy ban với các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa rõ sẽ phân định như thế nào.

Ban soạn thảo cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định, bên cạnh các ý kiến đề nghị không nên quy định về trách nhiệm phối hợp giữa Ủy ban và các bộ ngành, vẫn còn một số ý kiến đề nghị quy định rõ mối quan hệ giữa Ủy ban với các bộ quản lý ngành trong việc quản lý doanh nghiệp.

Ví dụ, hiện nay, Bộ Công thương có nhiệm vụ quản lý nhà nước nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện; đang thực hiện việc phê duyệt kế hoạch huy động các nguồn điện của Tập đoàn Điện lực quốc gia (EVN). Vì vậy, nếu chuyển EVN về Ủy ban thì phải quy định về cơ chế phối hợp, xử lý các vấn đề liên quan đến nội dung này.

Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những nội dung quản lý thuộc chức năng "chủ sở hữu" thì do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện. Nội dung quản lý doanh nghiệp thuộc chức năng "quản lý nhà nước" thì do các bộ quản lý ngành thực hiện.   

Vì vậy, Dự thảo Nghị định được thiết kế theo nguyên tắc: Ủy ban chỉ thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan đại diện chủ sở hữu theo đúng quy định của Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Các bộ quản lý ngành tiếp tục chủ trì các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực được phân công.

Chẳng hạn, trong trường hợp của Bộ Công thương và EVN nêu trên, Luật Điện lực hiện hành và văn bản hướng dẫn đã quy định rõ thẩm quyền của Bộ Công thương đối với vấn đề quy hoạch phát triển điện lực, quản lý nhu cầu điện, mua bán điện, giá điện, điều tiết hoạt động điện lực... Các thẩm quyền này thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, không thuộc phạm vi chức năng chủ sở hữu, vì vậy, Bộ Công thương tiếp tục chủ trì thực hiện.

Chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, cơ chế giám sát ra sao?

Một nút thắt được e ngại ở mô hình ủy ban là cơ chế đãi ngộ để thu hút cán bộ giỏi vẫn chưa được giải quyết rõ ràng. Trên thực tế, đầu tư kinh doanh vốn cần các đặc tính năng động, nhạy bén, phù hợp với thị trường, trong khi mô hình ủy ban được cho là khó khăn vì cơ quan nhà nước phải tuân thủ các quy định ràng buộc về lương thưởng, công tác cán bộ, quản lý tài sản… Cơ quan này không thể đặt ra mức lương cao hay chế độ khuyến khích tốt như doanh nghiệp.

Dự thảo ban đầu có quy định về cơ chế đặc thù trong quản lý tài chính, tài sản, tiền lương và thu nhập. Theo đó, Ủy ban được cấp nguồn tài chính đặc biệt từ ngân sách nhà nước và có thu nhập bổ sung gắn với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận và thẩm định, nhiều ý kiến không đồng tình với quy định về cơ chế đặc thù nêu trên của Ủy ban. Bởi vậy, Ban soạn thảo đã thu gọn về theo hướng “Ủy ban phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng cơ chế tài chính, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách của Ủy ban trong lĩnh vực được giao gắn với yêu cầu hiệu quả công việc của Ủy ban”.

Dẫu vậy, việc xây dựng chế độ chi tiêu ngân sách nhà nước "gắn yêu cầu hiệu quả công việc của Ủy ban" sẽ là việc không dễ thực hiện và không dễ quyết, bởi trong thực tế thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết.

"Siêu" quyền lực nên thị trường rất quan tâm cơ chế giám sát đối với Ủy ban và chế độ báo cáo của Ủy ban. Theo Dự thảo Nghị định, Ủy ban thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định kỳ theo quy định của pháp luật hoặc đột xuất về việc thực hiện nhiệm vụ được giao, về kết quả, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Ủy ban phải lập và gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền các báo cáo phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Ủy ban trong việc thực hiện mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra khác theo quy định của pháp luật.

Ủy ban phải lập và công bố công khai báo cáo hàng năm về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; về tổng hợp kết quả và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, công bố công khai như thế nào, trên các kênh nào, điều này rất cần được làm rõ để cơ chế giám sát công được sử dụng hiệu quả.

Có một điểm đáng mừng, hay nói cách khác là một kinh nghiệm đã được rút ra từ mô hình Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đó là Dự thảo Nghị định quy định rõ thời hạn chuyển giao doanh nghiệp từ các bộ về Ủy ban. Theo đó, chậm nhất trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nghị định này có hiệu lực, các bộ có liên quan và Ủy ban hoàn thành ký Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các
doanh nghiệp.

Có quy định và chế tài rõ ràng cho vấn đề trên sẽ khắc phục được tình trạng chậm trễ trong chuyển giao vốn nhà nước, một trong những khó khăn lớn nhất đối với SCIC hiện nay.

Với nhiều nỗ lực của các bên, hình hài của một "siêu ủy ban" đang dần xuất hiện. Khoan nói đến tính hiệu quả trong việc quản lý vốn nhà nước, một cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp sẽ bước đầu khắc phục tình trạng phân tán quyền chủ sở hữu vốn nhà nước, không rõ trách nhiệm giải trình về hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Việc tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh tập trung năng lực vào thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đây chính là xu hướng quản lý vốn nhà nước hiện đại mà nhiều nền kinh tế trên thế giới đã và đang áp dụng.

Tin bài liên quan