Giữ cương đầu tàu
Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 của SMSC có một số thông tin đáng chú ý. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch SMSC, ngay sau khi tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã làm việc với từng tập đoàn, tổng công ty về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Qua đó, Ủy ban đã đồng hành cùng doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo toàn và phát triển nguồn vốn và nguồn lực nhà nước giao.
Kết quả, 16/19 doanh nghiệp có lãi; 5/19 doanh nghiệp đạt hoặc vượt 50% mức kế hoạch năm về doanh thu; 7/19 doanh nghiệp đạt hoặc vượt 50% mức kế hoạch năm về lợi nhuận trước thuế; 4/19 doanh nghiệp đạt hoặc vượt 50% mức kế hoạch năm về nộp ngân sách nhà nước.
“Ủy ban xác định vai trò không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ giám sát, kiểm soát và thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước, mà có trách nhiệm làm cầu nối giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các cơ quan lập pháp, soạn thảo ban hành các chính sách, chiến lược phát triển; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, sáng tạo và hiệu quả để sử dụng tốt nhất các nguồn lực”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh khẳng định.
Bên cạnh việc tiếp nhận, bàn giao các doanh nghiệp, cho đến nay, cơ cấu tổ chức của Ủy ban đã cơ bản đã hoàn thành, với 9 đơn vị trực thuộc, trong đó có 8 vụ chuyên môn. Ủy ban đã ban hành 31 quy chế, quy định quản lý nội bộ. Phần mềm bộ chỉ số đã triển khai và vận hành ổn định từ tháng 4/2019, thực hiện kết nối với 19 tập đoàn, tổng công ty để cập nhật thông tin, dữ liệu giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ý kiến của các doanh nghiệp cho thấy, nếu không có sự đổi mới trong tư duy quản trị doanh nghiệp, sẽ tạo ra lực cản với các đầu tàu kinh tế. Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), VNPT phải duy trì sự tự chủ và “tạm ứng niềm tin” cho các doanh nghiệp thành viên mới có thể đủ sức cạnh tranh với các đối thủ rất linh hoạt trên thị trường.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lại cho rằng, nguyên tắc minh bạch thông tin trong công tác quản trị doanh nghiệp, công khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh hay quy hoạch cán bộ… sẽ là chìa khóa cho thành công bền vững tại các doanh nghiệp.
Lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty cũng chia sẻ quan điểm rằng, với mục tiêu bảo toàn vốn đầu tư nhà nước, cần phải có cái nhìn tổng thể và dài hạn, từ đó tạo ra sự yên tâm cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, Ủy ban cần sớm có công tác phân cấp ủy quyền, sớm ban hành quy chế cụ thể để các tập đoàn, tổng công ty có căn cứ để triển khai. Từ đó, tạo ra động lực, sự linh hoạt, tính năng động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh.
Thách thức “tròn vai”
Giới chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất của SMSC là làm đúng vai của mình, đó là chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước, chứ không phải chức năng quản lý nhà nước.
Một ví dụ dẫn chứng cho việc chưa “nắm đúng vai” này là trong cuộc làm việc với lãnh đạo Chính phủ hồi tháng 3/2019, nhiều kiến nghị của Ủy ban đưa ra được cho là chưa phù hợp. Chẳng hạn, kiến nghị ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp giữa các bộ quản lý ngành và SMSC trong việc thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế công nghệ và thẩm định tổng thể dự án đối với các dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty.
Hay giao vốn đầu tư trung hạn ngân sách từ các bộ quản lý ngành về Ủy ban (hoặc giao trực tiếp cho các tập đoàn, tổng công ty do Ủy bản làm đại diện chủ sở hữu vốn). Tương tự là đề nghị cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tham gia đầu tư các dự án trọng điểm như Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Sân bay quốc tế Long Thành…
Tìm được người giỏi về tài chính doanh nghiệp, có tư duy về tài chính doanh nghiệp, hiểu biết thấu đáo về DNNN không dễ
Với những đề xuất ở trên, giới chuyên gia đặt câu hỏi, SMSC có lấn sân sang chức năng của các bộ quản lý ngành như tài chính, công thương, giao thông vận tải… Nếu soi chiếu vào Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của SMSC thì những kiến nghị trên có vẻ như “chưa đúng vai”.
Cũng có những e ngại về việc Ủy ban đặt ra định hướng xác định cơ cấu đầu tư vốn, phân bổ nguồn lực nhà nước do 19 yập đoàn, tổng công ty hiện đang nắm giữ một cách hợp lý hơn. Việc này liệu có dẫn tới những giao dịch của các bên liên quan hay sở hữu chéo chằng chịt mà lâu nay đang phải quyết liệt tái cấu trúc ở khu vực DNNN?
“EVN đang thiếu vốn trầm trọng cho các dự án điện, trong khi Petrolimex lại dư thừa tiền mặt lớn, liệu SMSC có điều vốn từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác không? Làm như vậy sẽ rất nguy hiểm và có thể vô tình vi phạm luật quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”, một chuyên gia bình luận.
Những bài học kinh nghiệm để không đi vào “vết xe đổ” của Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC) Trung Quốc vẫn còn nóng, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đơn cử như thiếu tự chủ trong lựa chọn người lãnh đạo đứng đầu các DNNN và chế độ đãi ngộ dẫn đến hạn chế trong bộ máy nhân sự quản lý, đặc biệt là phải phòng xa tình trạng tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu.
Trên thực tế, trong mô hình hoạt động của SASAC tồn tại mối quan hệ cộng sinh giữa SASAC với các DNNN và tập đoàn kinh tế lớn. SASAC có xu hướng bảo hộ cho cho các DNNN duy trì sức mạnh độc quyền và ngày càng mở rộng hơn để gia tăng tầm ảnh hưởng của mình. Với sự tồn tại của SASAC, các DNNN độc quyền sẽ vẫn chậm thay đổi khi mà họ tiếp tục được hưởng ưu đãi từ những nguồn lực có lợi cho mình và như vậy các DNNN và các doanh nghiệp khối tư nhân sẽ không thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.
Việc đi đúng đường ray là quan trọng với SMSC và thị trường cũng kỳ vọng vào định hướng chuẩn của cơ quan này qua 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nửa cuối năm mà Phó chủ tịch SMSC Hồ Sỹ Hùng chỉ ra gồm kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và các tập đoàn, tổng công ty trong quản trị doanh nghiệp, giám sát vốn đầu tư nhà nước, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai tài chính, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán...
Thách thức nguồn nhân lực
Với hiện trạng hiện nay, kiện toàn nhân sự, thu hút được nguồn nhân lực “tinh hoa” được nhận định là thách thức lớn với SMSC khi họ cần tuyển dụng các chuyên gia am hiểu về tài chính, về các quy định liên quan đến DNNN, về các lĩnh vực chuyên môn và cả kinh nghiệm quốc tế. Thành bại hay không là do đội ngũ nhân lực, song ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này.
Một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất là cơ chế đãi ngộ lương thưởng không cạnh tranh so với thị trường, khó có thể thu hút chuyên gia giỏi về đầu quân cho SMSC. Một cán bộ tại SMSC nêu ví dụ, mức lương của ông chỉ bằng 1/10 so với khi đảm nhận vị trí quản lý ở doanh nghiệp. Trong cơ cấu lãnh đạo của Ủy ban đang thiếu 2 phó chủ tịch.
“Tìm được người giỏi về tài chính doanh nghiệp, có tư duy về tài chính doanh nghiệp, hiểu biết thấu đáo về DNNN không dễ”, một chuyên gia nhận xét.
Nếu không vững về trình độ, thiếu kiến thức, không “thuộc bài”, liệu nhân sự của Ủy ban có chỉ đạo được các tập đoàn, tổng công ty không, hay nói ra, người ta sẽ phản ứng ngay? Câu hỏi này được một lãnh đạo Hội Kế toán Kiếm toán Việt Nam đặt ra và ông cho biết thêm, tại một số cuộc gặp gần đây, ông được lãnh đạo SMSC nhờ một việc quan trọng, đó là đào tạo cho một bộ phận cán bộ SMSC đọc được báo cáo tài chính.