Mặt bằng Nhà máy Thép Quảng Liên. Ảnh: Nguyên Phương
Dự án Thép Quảng Liên được khởi công rầm rộ, hoành tráng bao nhiêu, thì nay hoang vắng bấy nhiêu. Những cọc bê tông ly tâm vứt bừa bãi, ngổn ngang, lõi sắt hoen gỉ. Từng đàn bò nhẩn nha gặm cỏ ngay trong mặt bằng dự án. Những vũng nước tù đọng lâu ngày chuyển thành màu đen loang loáng… Giao thông huyết mạch trong Khu kinh tế Dung Quất bị “chặt đứt” vì những tường rào được chủđầu tư dựng lên xung quanh Dự án.
Trong số các xã bị ảnh hưởng bởi Dự án Thép Quảng Liên, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn chịu tác động nhiều nhất, với gần 900 hộ dân bị ảnh hưởng, hơn 600 ha đất sản xuất lúa nước, trồng sắn và keo lá chàm... bị thu hồi. Gần 10 năm nay, lãnh đạo xã Bình Đông hầu như ngày nào cũng phải tiếp công dân liên quan về đền bù, giải tỏa và kiến nghị được mượn tạm đất đã bị thu hồi để sản xuất mưu sinh, khi nào dự án triển khai thì trả lại.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, đơn vị này đang làm các thủ tục cần thiết để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho chủ đầu tư Dự án Thép Quảng Liên. Hiện đã một số nhà đầu tư bày tỏ ý định đầu tư vào vị trí mặt bằng của Dự án. Tập đoàn Hoa Sen là một trong số đó.
Theo thông tin được đưa ra cách đây ít ngày, Tập đoàn Hoa Sen mong muốn thế chân chủ đầu tư cũ để triển khai dự án thép trên phần đất của Dự án Thép Quảng Liên. Chi tiết phương án đầu tư của Hoa Sen chưa được tiết lộ, song trong một văn bản mà UBND tỉnh Quảng Ngãi mới chuyển tới tập đoàn này, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nếu Hoa Sen nhận chuyển nhượng hoặc tham gia Dự án Thép Quảng Liên và không điều chỉnh Dự án, thì sẽ được giữ nguyên những ưu đãi cũ.
Trong trường hợp sau khi nhận chuyển nhượng, Hoa Sen điều chỉnh dự án thì ưu đãi sẽ thay đổi. Theo đó, căn cứ Luật Đầu tư sửa đổi, luyện cán thép không còn là lĩnh vực được đặc biệt khuyến khích đầu tư nữa. Thậm chí, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn đề xuất việc Tập đoàn Hoa Sen nên chọn công suất dự án khoảng 3-5 triệu tấn, vì mức này phù hợp với khả năng đáp ứng về đất, cảng và độ sâu luồng cảng, cũng như thời gian sử dụng đất phù hợp với phân kỳ đầu tư.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong trường hợp Hoa Sen chọn phương án 5 triệu tấn, thì diện tích đất tối đa mà tỉnh giao cho Tập đoàn bằng diện tích đất của Dự án Thép Quảng Liên (504 ha). Nếu Hoa Sen chấp thuận phương án này, tỉnh sẽ giao toàn bộ 375 ha đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng. Phần còn lại, tỉnh sẽ đề xuất Trung ương hỗ trợ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Trước Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát cũng có ý định đầu tư vào khu đất thuộc Dự án Thép Quảng Liên. Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, mới đây Hòa Phát đã trở lại với đề xuất một dự án liên hợp thép có vốn đầu tư 2 - 2,5 tỷ USD. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cách đây ít ngày, Hòa Phát đã đề nghị tỉnh nhanh chóng có phương án xử lý dứt điểm, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án Thép Quảng Liên để Tập đoàn có thể triển khai dự án một cách thuận lợi nhất…
Xem ra, khu đất Dự án Thép Quảng Liên khá “đắt khách”. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, việc tiếp nhận dự án khác ngay tại dự án cũ cũng mất khá nhiều thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc mưu sinh của người dân vùng dự án vẫn còn rất bấp bênh.
“Còn tài sản của dân trên đất chưa được thanh lý xong và chưa tiến hành rút giấy phép Dự án Thép Quảng Liên, thì chưa thể có cơ sở pháp lý để thu hút nhà đầu tư khác. Nếu có nhà đầu tư khác thì cũng là một nhà đầu tư lớn và chắc chắn không thể ngày một ngày hai quyết định đầu tư. Và có quyết định đầu tư đi chăng nữa thì các thủ tục đầu tư thường phải mất vài năm”, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết.